18/11/2024

Iran cảnh báo Mỹ về thoả thuận hạt nhân

Giải pháp cho thoả thuận hạt nhân Iran vẫn bế tắc khi sắp đến thời hạn Mỹ doạ rút lui.

 

Iran cảnh báo Mỹ về thoả thuận hạt nhân

Giải pháp cho thoả thuận hạt nhân Iran vẫn bế tắc khi sắp đến thời hạn Mỹ doạ rút lui.
 
 
 
Hãng AFP hôm qua dẫn lời Tổng thống Iran Hassan Rouhani tuyên bố rằng Mỹ sẽ hối tiếc nếu rút khỏi thoả thuận hạt nhân ký kết năm 2015. Tuyên bố được đưa ra trước thời hạn ngày 12.5, thời điểm mà Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố sẽ ra quyết định về việc rút khỏi thoả thuận. “Nếu Mỹ rút khỏi thoả thuận, quý vị sẽ sớm thấy rằng họ sẽ hối tiếc như chưa từng thấy trong lịch sử”, ông Rouhani phát biểu.
 

Thoả thuận hạt nhân Iran được ký kết vào năm 2015 giữa nước này với 6 nước, gồm Đức và 5 thành viên thường trực HĐBA LHQ là Mỹ, Anh, Nga, Pháp và Trung Quốc. Theo đó, Tehran giới hạn các chương trình hạt nhân, đổi lại việc LHQ và EU nới lỏng các biện pháp trừng phạt về tài chính, kinh tế và dầu mỏ. Tehran tuyên bố sẽ tuân thủ thoả thuận miễn là các bên khác cũng tôn trọng, đồng thời cảnh báo sẽ “xé bỏ” thỏa thuận nếu Washington rút lui.

 
Tổng thống Rouhani cho biết Iran có các kế hoạch để đối phó với bất cứ quyết định nào của Tổng thống Trump và đã ban hành “các chỉ đạo cần thiết” trong đó có chỉ đạo đối với Tổ chức Năng lượng nguyên tử Iran. “Chúng tôi sẽ không đàm phán với bất cứ ai về vũ khí, quốc phòng và chúng tôi sẽ chế tạo, tích trữ vũ khí và tên lửa theo nhu cầu”, ông Rouhani nhấn mạnh. Cũng trong hôm qua, thư ký Hội đồng An ninh quốc gia tối cao Iran Ali Shamkhani tuyên bố sẽ không chấp nhận thay đổi thoả thuận và Tehran hoàn toàn có khả năng chống lại “sự bắt nạt” của Washington.
 
Hiện các thành viên thỏa thuận gồm Anh, Pháp và Đức ủng hộ duy trì thỏa thuận. Tuy nhiên, các nước này do muốn ngăn Mỹ rút lui nên ủng hộ đàm phán để sửa đổi, bao gồm bổ sung điều khoản liên quan đến chương trình tên lửa của Iran, bên cạnh việc tiếp tục ngăn Tehran làm giàu uranium sau năm 2025.
 
Ngoại trưởng Anh Boris Johnson hôm qua cho biết ông đang công du đến Mỹ trong 2 ngày kể từ ngày 6.5 để thảo luận với Phó tổng thống Mike Pence và Cố vấn an ninh quốc gia John Bolton về vấn đề Iran. Ông Johnson khẳng định Anh, Mỹ và các đối tác châu Âu luôn đoàn kết nhằm “đối phó với việc Iran khiến Trung Đông trở nên mất an ninh cũng như tấn công mạng, ủng hộ nhóm Hezbollah và chương trình tên lửa hỗ trợ các tay súng Houthi ở Yemen”. Trước đó vào ngày 5.5, Tổng thống Trump đã điện đàm với Thủ tướng Anh Theresa May và nhấn mạnh về cam kết đảm bảo Iran không bao giờ có được vũ khí hạt nhân, theo thông cáo của Nhà Trắng.
 
Trước diễn biến căng thẳng về thỏa thuận hạt nhân, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu cho biết ông sẽ đến Moscow gặp Tổng thống Vladimir Putin vào ngày 9.5. Theo Reuters, Israel trước nay luôn vận động các nước sửa đổi hoặc huỷ bỏ thoả thuận này. Trong khi đó, tờ The Boston Globe đưa tin cựu Ngoại trưởng John Kerry đã âm thầm tiếp xúc với Ngoại trưởng Iran Javad Zarif, Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cũng như điện đàm với đại diện EU Federica Mogherini nhằm cứu vãn thoả thuận. Điều này có thể khiến ông bị cáo buộc vi phạm đạo luật Logan cấm công dân thay mặt chính phủ đàm phán mà không được uỷ nhiệm. Nhà Trắng từ chối bình luận về thông tin này.
 
Nhà Trắng từng thuê gián điệp Israel
Các trợ lý của Tổng thống Donald Trump bị cáo buộc đã bí mật thuê một công ty gián điệp tư nhân của Israel để dàn dựng “chiến dịch bôi bẩn” nhằm vào các cá nhân chủ chốt của đội ngũ hỗ trợ nỗ lực đàm phán về thoả thuận hạt nhân với Iran dưới thời Tổng thống Barack Obama. Theo tờ Guardian ngày 5.5, chiến dịch trên được bắt đầu từ tháng 5 năm ngoái với mục tiêu là ông Ben Rhodes, cố vấn an ninh quốc gia của Tổng thống Obama, và Colin Kahl, cố vấn an ninh quốc gia của Phó tổng thống Joe Biden. Mục đích là làm mất uy tín thoả thuận đạt được với chính quyền Tehran vào năm 2015.
 
Tuy nhiên, vẫn chưa rõ cuộc điều tra đã được triển khai trong bao lâu và liệu có thu được tài liệu cụ thể nào hay không.
 
T.M

KHÁNH AN