10/01/2025

Quy tắc ứng xử nào trong nhà trường?

Chỉ bốn tháng đầu năm nay, Bộ GD-ĐT đã 6-7 lần có văn bản chỉ đạo về những sự vụ liên quan tới ứng xử của giáo viên với học sinh và phụ huynh.

 

Quy tắc ứng xử nào trong nhà trường?

Chỉ bốn tháng đầu năm nay, Bộ GD-ĐT đã 6-7 lần có văn bản chỉ đạo về những sự vụ liên quan tới ứng xử của giáo viên với học sinh và phụ huynh.


 

Quy tắc ứng xử nào trong nhà trường? - Ảnh 1.

Một tiết học ở Trường THCS Tùng Thiện Vương, quận 8, TP.HCM. Trong môi trường học đường ngày nay, cần có những quy tắc ứng xử chuẩn mực để thầy và trò áp dụng – Ảnh: H.HG.

 

Nhiều học sinh lên mạng nói về thầy cô của mình không ra gì. Tôi nói với con như vậy là không được, nhưng nó cãi ngay vì các thầy cô cũng lên mạng xã hội nói về nhà trường chẳng ra gì”

Một phụ huynh

Bộ GD-ĐT vừa công bố lấy ý kiến góp ý Dự thảo đề án “Xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học” giai đoạn 2018-2025, với mục tiêu hoàn thành bộ quy tắc ứng xử văn hóa trong trường học trước năm học 2018-2019.

“Hoàn thiện nhân cách, lối sống…”

Dự thảo đặt ra mục tiêu hoàn thiện nhân cách, lối sống văn hóa, tạo chuyển biến căn bản về ứng xử văn hóa của cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, học sinh, sinh viên; xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh trong nhà trường để nâng cao chất lượng GD-ĐT, góp phần xây dựng con người Việt Nam nhân ái, nghĩa tình, trách nhiệm, trung thực và sáng tạo.

Ba mục tiêu cụ thể được đề ra trong dự thảo là: Đến năm 2020, 100% trường học xây dựng và thực hiện bộ quy tắc ứng xử trong trường học theo đúng chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và đặc thù của lĩnh vực GD-ĐT.Đến năm 2020 có 100% cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, học sinh, sinh viên được tuyên truyền, phổ biến, học tập các vấn đề liên quan tới văn hóa ứng xử, môi trường văn hóa gia đình, nhà trường, cộng đồng và liên tục duy trì, phát huy vào các năm sau.

Đến năm 2020 có ít nhất 90% cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, cán bộ Công đoàn giáo dục, Đoàn thanh niên, Hội sinh viên, Đội thiếu niên trong các nhà trường được bồi dưỡng nâng cao và có năng lực tốt, mẫu mực trong tổ chức giáo dục văn hóa ứng xử trong trường học và đạt 95% vào năm 2025…

Bắt đầu từ trường sư phạm

Cô Phạm Thị Huệ – nguyên hiệu trưởng Trường THCS Bạch Đằng, Q.3 (TP.HCM) – cho rằng: “Nếu xây dựng một bộ quy tắc ứng xử trong nhà trường thì việc đầu tiên là cần làm cho sinh viên sư phạm thấm nhuần bộ quy tắc ấy.

Dư luận hay đặt ra câu hỏi tại sao thời điểm gần đây ngành GD-ĐT xảy ra nhiều chuyện đau lòng đến thế? Đó là do cách tuyển sinh, cách đào tạo và xét tốt nghiệp ra trường ở các trường sư phạm vẫn chưa thực sự khoa học.

Nghề giáo là nghề đặc thù, không phải ai cũng làm được. Vì vậy, khi tuyển sinh vào trường sư phạm cũng cần có những quy định đặc thù”.

Tương tự, chị Xuân Hương, phụ huynh ở Q.10 (TP.HCM), góp ý: “Bộ quy tắc ứng xử trong trường học cần phải có những quy tắc cụ thể về việc ứng xử trên mạng xã hội.

Ngày nay, nhiều học sinh lên mạng nói về thầy cô của mình không ra gì, thậm chí xúc phạm nặng nề đối với những người đang giảng dạy mình. Tôi nói với con như vậy là không thể chấp nhận, nhưng nó cãi ngay vì các thầy cô cũng lên mạng xã hội nói về nhà trường chẳng ra gì”.

Còn anh Phạm Trung Thông, phụ huynh ở Q.Phú Nhuận (TP.HCM), nêu quan điểm: “Cần có quy tắc cụ thể về mức độ thân thiện, gần gũi của thầy cô giáo đối với học sinh. Thực tế đã có không ít vụ xâm hại tình dục đối với trẻ em mà thủ phạm chính là thầy giáo, thậm chí nhiều học sinh bị sờ mó, lợi dụng mà vẫn vô tư không biết.

Tôi theo dõi hình ảnh trên trang cá nhân của con, thấy học sinh THPT mà vô tư đứng ôm thầy rất hồn nhiên. Nếu có quy tắc thì cả thầy và trò cũng không thể hồn nhiên như thế”.

Nhà trường cần dân chủ hơn

TS Nguyễn Tùng Lâm – chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội – cho rằng không nên kỳ vọng việc đưa ra một bộ quy tắc ứng xử sẽ giải quyết được những vấn đề tiêu cực từng diễn ra liên quan tới ứng xử của các nhà quản lý, giáo viên và học sinh…

“Tôi tin là các thầy cô giáo đều biết làm thế nào là đúng, là sai, là không nên. Nhưng khi nóng giận trong những tình huống nào đó, họ vẫn làm sai. Bởi thế, quy tắc chỉ là cơ sở pháp lý để dựa vào mà truy xét nhau khi có chuyện xảy ra. Còn làm thế nào để ứng xử văn hóa trong nhà trường có thay đổi tích cực thì cần phải giải quyết những việc khác” – TS Nguyễn Tùng Lâm nói.

Theo ông Lâm, để ứng xử trong nhà trường thay đổi tích cực, văn minh hơn, nhà trường đó phải thực sự có dân chủ. Ngành giáo dục phải từ bỏ tình trạng chạy theo thành tích, thực sự đặt ra những yêu cầu đối với cán bộ, giáo viên để vì học sinh, vì chất lượng giáo dục, chứ không phải để báo cáo thành tích.

“Khi các trường được giao tự chủ mạnh hơn, họ sẽ biết cần phải xây dựng thương hiệu như thế nào. Thương hiệu có thể nhìn từ hành xử bên ngoài, có thể là chất lượng giáo dục, các cách quản lý, đánh giá chặt chẽ, nhân văn hơn và sẽ thực chất, không giả dối.

Ngoài ra, hiệu trưởng phải được bầu những người có năng lực, phẩm chất thực sự, chứ không phải áp đặt từ trên xuống. Có như thế thì người đứng đầu trường mới chủ động trong việc xây dựng một môi trường dân chủ, tự chủ” – TS Lâm nêu ý kiến.

Chưa chuẩn mực trong giao tiếp ứng xử

“Vẫn còn một số cán bộ quản lý, nhà giáo, nhân viên trong các cơ sở giáo dục chưa chuẩn mực trong giao tiếp ứng xử. Cá biệt có giáo viên vi phạm đạo đức, lối sống, thiếu dân chủ, thành kiến, trù dập, chèn ép buộc học sinh phải học thêm… làm ảnh hưởng đến uy tín của nhà giáo.

Một số nhà giáo thiếu kiềm chế, xúc phạm tinh thần, thân thể, bạo hành học sinh; chưa đúng mực trong ứng xử với đồng nghiệp và phụ huynh. Một số trường hợp có biểu hiện tiêu cực, độc đoán, đùn đẩy, né tránh trách nhiệm, gây mất dân chủ nghiêm trọng, lợi dụng chức quyền để tham ô, tham nhũng… làm giảm sút động lực phấn đấu của cán bộ, nhà giáo và niềm tin xã hội” – trích dự thảo đề án “Xây dựng văn hoá ứng xử trong trường học”.