25/01/2025

Nghề giáo, đâu chỉ dạy mà còn phải dỗ

Bao năm theo nghề giáo, tôi hiểu rằng trước khi dạy học sinh kiến thức thì hãy dạy các em cách làm người. Và bất kỳ nghề nào đi nữa, cảm hoá được con người là cảm hoá được tất cả.

 

Nghề giáo, đâu chỉ dạy mà còn phải dỗ

Bao năm theo nghề giáo, tôi hiểu rằng trước khi dạy học sinh kiến thức thì hãy dạy các em cách làm người. Và bất kỳ nghề nào đi nữa, cảm hoá được con người là cảm hoá được tất cả.
 
 
 
 

Nghề giáo, đâu chỉ dạy mà còn phải dỗ - Ảnh 1.

 

“Dù là học sinh phổ thông hay cấp I, II, những “hình phạt” của giáo viên có thể gây nên vết hằn về tâm lý đối với một nhân cách đang trong quá trình hình thành”

Thảo Thương

Ngày mới ra trường, tôi xin vào dạy hợp đồng tại Trung tâm Giáo dục thường xuyên – hướng nghiệp và dạy nghề huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi. Vì hệ giáo dục thường xuyên nên hầu như các em có học lực kém hơn, nghịch hơn các trường công lập.

Giáo viên phải vừa dạy vừa dỗ. Và câu chuyện thưởng phạt sao cho vừa răn đe, vừa hiệu quả luôn là trăn trở của thầy cô nơi đây.

Chuyện cuốn sổ đầu bài

Tôi được phân công chủ nhiệm lớp 11B9, lớp chỉ có năm nữ trong tổng số 45 học sinh. Các đồng nghiệp đều cười và tếu táo rằng tôi “may mắn” trong lớp toàn nam nghịch ngợm như thế. Nhưng bây giờ nghĩ lại đúng, tôi may mắn thật.

Ngay tuần đầu tiên, sổ đầu bài được giáo viên bộ môn nhận xét chằng chịt. Nào vệ sinh bẩn, nào nói chuyện, không thuộc bài, nào quên mang vở, nào sử dụng điện thoại, nào học sử trong giờ văn, nào không ghi chép, không tập trung…

Và đến giờ sinh hoạt lớp thì cuốn sổ… không cánh mà bay. Cả tiết sinh hoạt hôm ấy, lớp “đoàn kết” che giấu, tôi phải điều tra bằng mẩu giấy nhỏ kín để từng em khai tên bạn giấu sổ nhưng cuối cùng kết quả đều ghi: “Em không biết!”.

Sang tuần thứ hai tôi đổi lớp trưởng, chọn một em “nổi trội” nhất thay cho cậu học trò hiền lành trước đây mình tin tưởng vì linh cảm em là người giấu vĩnh viễn cuốn sổ (bởi em vi phạm nhiều nhất).

Ngày đầu em nhận nhiệm vụ, tôi nhớ như in lời em nói: “Cô cứ để em quản lý lớp và em sẽ điều tra cho được vụ sổ đầu bài”. Và y như rằng “đại ca” đã trị được “đồng bọn”.

Tôi theo dõi lớp qua kênh đầu tiên là lớp trưởng. Em lớp trưởng khá tin tưởng cô giáo và có quyền uy với lớp. Thông thường giáo viên chủ nhiệm trực tiếp xử lý tình huống, nhưng với tôi, em như thay vị trí.

Kể từ đó phong trào lớp đi lên, các em học tập cải thiện hơn, cuốn sổ đầu bài mới với tinh thần mới của 11B9 luôn nhất nhì mỗi sáng chào cờ đầu tuần và vẫn giữ được phong độ năm lớp 12.

Chia tay thời phổ thông, ba năm sau chính lớp trưởng gửi hình qua tin nhắn Facebook cho tôi kèm lời: “Đây cô ạ, cuốn sổ đầu bài năm đó là em giấu, đến giờ em vẫn còn giữ”…

Những tinh nghịch ngày nào giờ là kỷ niệm cho cô trò.

Tạo động lực cho trò

Gần bốn năm dạy ở trung tâm giáo dục thường xuyên cho tôi bức tranh trọn vẹn về những trò nghịch của các em và thấy được “tài năng” của các đồng nghiệp. Ví như cô Trần Thị Thuý Nhung (giáo viên hoá) là người có nghiệp vụ chủ nhiệm khiến học sinh luôn nể phục, yêu mến.

Nếu trò không thuộc bài cũ, cô thường khoanh vùng học thuộc bằng sơ đồ tư duy cuối bài học, hẹn ngày buộc trả bài. Các em sẽ học bài ngay, xóa tâm lý mặc cảm không thuộc bài và dần dần tự mình tạo động lực.

Hoặc dí dỏm, hài hước nhưng cũng rất… sư phạm là cách phạt lỗi của cô Trương Thị Hạnh (giáo viên văn). Khi học trò nói chuyện, cô yêu cầu lên bục giảng và đưa ra “luật ngầm”: hễ em nào vi phạm bắt được ai nói chuyện lên thay thế và về chỗ ngồi.

Tất nhiên suốt cả buổi học, lớp học im như tờ. Cho nên, đâu chỉ dạy mà còn phải dỗ.

Dạy làm người trước dạy kiến thức

Bao năm theo nghề giáo, tôi đã hiểu được rằng trước khi dạy học sinh kiến thức thì hãy dạy các em cách làm người. Và bất kỳ nghề nào đi nữa, cảm hoá được con người là cảm hóa được tất cả. Tưởng chừng những cá biệt kia, những “con ngựa bất kham” kia sẽ là những thách thức lớn trong năm đầu chủ nhiệm nhưng trong sâu thẳm, các em luôn bé bỏng, rất đáng yêu và thích ngọt ngào.

 

THẢO THƯƠNG