26/01/2025

Học ngày học đêm ráo riết ôn thi vào lớp 10

Chỉ còn 2 tháng nữa học sinh ở TP.HCM sẽ thi vào lớp 10. Hiện các em đang ráo riết ôn thi hi vọng đậu vào trường công, trong khi phụ huynh cũng theo sát con em mình 24/24.

 

Học ngày học đêm ráo riết ôn thi vào lớp 10

Chỉ còn 2 tháng nữa học sinh ở TP.HCM sẽ thi vào lớp 10. Hiện các em đang ráo riết ôn thi hi vọng đậu vào trường công, trong khi phụ huynh cũng theo sát con em mình 24/24.

 


Học ngày học đêm ráo riết ôn thi vào lớp 10 - Ảnh 1.

Phụ huynh chờ đón con luyện thi tại một trung tâm văn hóa ngoài giờ ở Q.1, TP.HCM – Ảnh: NHƯ HÙNG

 

Chuẩn bị cho kỳ thi này, phụ huynh cho con học thêm tại trung tâm luyện thi, nhà giáo viên hay ôn tập tại trường.

Trong đó, phần đông học sinh luyện tại trung tâm và chọn những giáo viên phù hợp để học thêm toán, văn và môn chuyên. Chưa kể, nhiều phụ huynh còn mời thêm gia sư đến nhà kèm cặp cho con.

Theo con 24/24 giờ

Ông Đ.H.S. có con trai là Đ.B.H. đang học lớp 9 Trường THPT Đào Duy Anh (Q.Phú Nhuận). Nguyện vọng của H. là vào chuyên Anh Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa. Đều đặn một tuần ba buổi tối, ông H. đưa con từ Q.Phú Nhuận đến Trung tâm bồi dưỡng văn hóa 218 Lý Tự Trọng (Q.1) để ôn luyện thêm.

Chủ nhật, ông S. đưa con đến đây lúc 15h45. Giữa cái nóng oi bức của Sài Gòn những ngày đầu tháng 4, ông S. ngồi đợi trên xe máy đến 17h30 đưa con về.

“Vợ chồng tôi kinh doanh. Bà xã chạy xe yếu không thể đưa con đi học. 10 năm rồi tôi làm “xe ôm” cho con. Từ lớp 6 đến lớp 8 tôi đưa con đến chỗ học thêm rồi về, đúng giờ lại đến đón. Nhưng năm lớp 9 không an tâm chút nào. Đứng đợi con học cũng yên tâm hơn và… con cũng an tâm học” – ông bảo vậy.

Trong khi đó, chị Lữ Anh Hoa (Q.1) đang cho con gái theo học ôn tại nhà cô N. (giáo viên văn một trường THPT tại Q.1). Chị Hoa kể: “Học ôn ở đâu là chọn lựa của con. Con vừa ôn tập trung ở trường và tự chọn học tại nhà giáo viên bộ môn nên gia đình tôi ủng hộ con.

Năm nay số lượng thí sinh đông, đầu vào rất căng nên nhà tôi theo sát cháu. Con tôi thi vào trường chuyên nên tôi theo con 24/24 giờ”.

Hay ông Lê Quang Việt – phụ huynh em Lê Võ Quốc An (lớp 9C Trường THCS An Phú, Q.2) – cứ đều tuần bốn buổi đưa con đến trung tâm ôn luyện để “tạo động lực” cho con vào chuyên toán Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa.

Quan trọng là kiến thức nền tảng THCS

Tại Trung tâm bồi dưỡng văn hoá 218 Lý Tự Trọng (Q.1), ông Đàm Quang Hùng Hải – giám đốc điều hành cơ sở này – cho biết: “Hiện chúng tôi có khoảng 700 học sinh luyện thi vào lớp 10 chuyên và cả không chuyên. Con số này giảm 1/3 so với các năm trước do nguyên nhân khách quan của trung tâm.

Theo phân lớp học lực các em, tôi có thể khẳng định năm nay số học sinh thi chuyên nhiều hơn những năm trước. Và mong muốn này của phụ huynh ngày một tăng”.

Ông Nguyễn Văn Hiếu – phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM – nói: “Thi vào lớp 10 nền tảng kiến thức xuyên suốt bốn năm THCS là nền tảng quan trọng, chứ không phải ôn thi nội dung kiến thức của năm học cuối, hoặc giờ cuối. Các bậc phụ huynh có tâm lý là để thi vào những trường chuyên thì tăng tốc hay “chạy sô luyện thi” là hiệu quả.

Dù thi vào trường chuyên hay không chuyên thì đầu năm sinh hoạt chuyên môn với các trường, chúng tôi đã trao đổi với giáo viên bộ môn, phòng giáo dục quận huyện là phải ôn luyện từ xa. Đề thi năm nay không thách đố, hàn lâm hay có yếu tố bất ngờ. Học chắc, củng cố ôn tập ngay từ đầu sẽ hiệu quả”.

Theo thống kê của Sở GD-ĐT TP.HCM, năm học 2017-2018, số lượng học sinh lớp 9 dự kiến sẽ tốt nghiệp THCS là 104.905 em, tăng hơn 20.000 học sinh so với năm học 2016-2017.

Nếu thực hiện theo đúng chủ trương phân luồng học sinh sau THCS như kế hoạch đã đề ra những năm trước thì năm học 2018-2019, TP.HCM sẽ tuyển 74% học sinh tốt nghiệp THCS vào lớp 10 công lập. Như vậy, dự kiến sẽ có hơn 20.000 học sinh rớt khỏi lớp 10 công lập.

Quảng Ngãi: đi về 80km luyện vào lớp 10 chuyên

 

Bà Lê Thị Trình (xã Bình Châu, huyện Bình Sơn), mẹ của em Nguyễn Lê Thu (lớp 9 Trường THCS Vạn Tường) năm nay thi chuyên văn vào Trường THPT chuyên Lê Khiết. Bà chia sẻ: “Mùa này đi biển trúng lắm, mùa cá cơm cá nục mà! Nhưng vợ chồng tôi bỏ hết, chồng tôi đi làm công cho ghe nhà người khác, còn tôi thì nghỉ đi bán cá ở chợ.

Cứ một tuần 3 ngày, từ 3h chiều tôi đưa con lên TP Quảng Ngãi học ôn và đợi đến 9h đêm để đưa con về. Hai mẹ con cả đi lẫn về mất 80km. Tôi không ngại gì hết, miễn sao con thi đậu vào trường chuyên để mai này thành tài, không phải đi biển khổ như ba mẹ”.

VŨ THẢO