11/01/2025

Tăng thu nhập công chức không nên ‘cào bằng’

Theo dự kiến, trong kỳ họp khai mạc hôm nay 15.3, HĐND TP.HCM sẽ thông qua đề án tăng thu nhập công chức ở TP.HCM. Thế nhưng, ngay thời điểm này vẫn còn nhiều ý kiến về đề án.

 

Tăng thu nhập công chức không nên ‘cào bằng’

Theo dự kiến, trong kỳ họp khai mạc hôm nay 15.3, HĐND TP.HCM sẽ thông qua đề án tăng thu nhập công chức ở TP.HCM. Thế nhưng, ngay thời điểm này vẫn còn nhiều ý kiến về đề án.



 
Mỗi ngày hàng trăm lượt người dân làm thủ tục, giấy tờ ở UBND P.Bình Hưng Hòa A  /// Ảnh: Độc Lập

Mỗi ngày hàng trăm lượt người dân làm thủ tục, giấy tờ ở UBND P.Bình Hưng Hòa A  ẢNH: ĐỘC LẬP

 
Coi chừng giảm động lực làm việc
P.Bình Hưng Hòa A (Q.Bình Tân) có gần 120.000 dân, là phường đông dân nhất TP.HCM nên UBND phường này lúc nào cũng nườm nượp người đến làm thủ tục giấy tờ hành chính. Thống kê trong ngày 5.3, bộ phận một cửa P.Bình Hưng Hoà A tiếp nhận gần 400 “đầu việc”, bao gồm 120 trường hợp chứng thực chữ ký hộ tịch; 108 trường hợp sao y với hơn 578 hồ sơ, tài liệu; 15 trường hợp thủ tục nhà đất; 100 trường hợp bảo hiểm y tế và 50 trường hợp liên quan đến lao động, thương binh và xã hội. Theo thống kê của Sở Nội vụ TP, ngoài Bình Hưng Hòa A TP còn có những phường xã ngót nghét 100.000 dân là Bình Trị Đông (Q.Bình Tân), P.Hiệp Thành (Q.12), Vĩnh Lộc A và Vĩnh Lộc B (H.Bình Chánh). Dân số đông nên cán bộ, công chứclàm không hết việc.
 
Bên cạnh đó, ở TP cũng có phường rất ít dân, tiêu biểu như P.12 (Q.5) chỉ 6.500 – 6.700 người. Lúc 9 giờ ngày 9.3, khi PV Thanh Niên có mặt thì tại bộ phận một cửa ở P.12 có 5 nhân viên nhưng chỉ một người dân đang làm thủ tục sao y. Do ít người đến làm thủ tục nên nhân viên ở đây khá rảnh rỗi. Lãnh đạo UBND P.12 cho hay dân số ít, lại cư trú ổn định nên áp lực về giải quyết thủ tục giấy tờ, hành chính không lớn.
 
Theo đề án, hệ số điều chỉnh thu nhập tăng thêm để thực hiện cơ chế đặc thù tại từng đơn vị trong giai đoạn 2018 – 2020 sẽ theo lộ trình như sau: Năm 2018 tăng tối đa là 0,6 lần so với tiền lương theo ngạch bậc, chức vụ; năm 2019 tăng tối đa 1,2 lần và đến năm 2020 sẽ tăng tối đa là 1,8 lần. Nhìn vào lộ trình này, TS Võ Trí Hảo, Phó khoa Kinh tế – luật ĐH Kinh tế TP.HCM, nhận định đề án chưa tạo sự cạnh tranh giữa các đơn vị là nơi được tăng thêm thu nhập và mức tăng “cào bằng” như vậy trong khi công việc mỗi nơi mỗi khác sẽ phần nào giảm động lực làm việc, cạnh tranh của các đơn vị, cá nhân thuộc diện tăng thu nhập.
 
Ông Hảo đề xuất, với những đơn vị làm tốt, hiệu quả thì có thể năm 2018 tăng 1,8 lần luôn, còn ngược lại những nơi làm việc chưa hiệu quả chỉ được tăng 0,2 lần, nghĩa là mức tăng thấp hơn mức 0,6 lần mà đề án đề xuất. “Nếu tăng cào bằng ai cũng như ai thì mục đích của đề án là chỉ giúp cho công chức đỡ khổ hơn thôi, chứ không khuyến khích cán bộ, công chức thi đua, cạnh tranh làm việc”, ông Hảo nói.
 
Phải tinh giản biên chế 
PGS-TS Lê Văn In, nguyên Phó hiệu trưởng Trường Cán bộ TP.HCM (nay là Học viện Cán bộ TP), góp ý việc tăng cần căn cứ vào thực lực, hiệu quả công việc chứ không nên cào bằng. “Năm nay nếu làm tốt sẽ được tăng thu nhập nhưng năm sau làm không tốt sẽ bị giảm thu nhập chứ việc tăng thêm thu nhập không nên quy định cứng nhắc. Việc tăng cần làm theo căn cứ khoa học, phân loại theo cơ quan chứ không nên gieo vào trong đầu óc cán bộ, công chức ở TP đó là một cái trời cho hay ban ơn, đến hẹn lại lên”, ông In nói.
 
Theo ông In, song song với tăng thu nhập phải tìm cách tinh giản biên chế; tăng thu nhập phải dựa theo quy chuẩn, đánh giá về hiệu quả kinh tế, xã hội của từng đối tượng tăng thu nhập đem lại. Quan trọng hơn đề án tăng thu nhập phải chống bệnh hình thức và không nên lặp lại việc bình chọn kiểu như chiến sĩ thi đua, ai cũng được bình chọn tiên tiến vì bình bầu cả nể nhưng cuối cùng không chọn được người xuất sắc thực chất.
 
Ông Tế Ngọc Đức, Chủ tịch UBND P.14 (Q.8), cũng đề xuất cần phải có những cơ chế, chính sách trả thu nhập tăng thêm khác nhau đối với từng địa bàn. Nếu phường đông dân, nhiều việc có thể tăng 1,2 – 1,8 lần trong năm 2018 chứ không nên cứng nhắc.
 
TS Võ Trí Hảo đề xuất thêm về lâu dài nên cho các đơn vị cùng một lĩnh vực ở TP cạnh tranh lẫn nhau. Ví dụ như giải quyết thủ tục không nên khu biệt, bắt người dân phải làm ở những quận mà mình sinh sống, đăng ký hộ khẩu mà cho phép chọn những quận giải quyết thủ tục nhanh chóng. Bù lại ngân sách TP hằng năm sẽ chuyển từ quận yếu kém sang cho quận giải quyết nhiều hồ sơ và có thời gian giải quyết nhanh gọn.
 
Về tiêu chuẩn đánh giá hiệu quả công việc, ông Hảo cho hay sau khi đề án được thông qua thì từng sở ngành, đơn vị và cơ quan phải xây dựng khung đánh giá, định lượng hiệu quả công việc trong năm để làm cơ sở đánh giá, sắp xếp tăng thêm thu nhập. Nếu đơn vị nào hoàn thành khung đánh giá có thể áp mức tăng 1,8 lần, còn chưa có khung chỉ nên tăng 0,2 lần vì đơn vị đó chưa sẵn sàng cải cách, hội nhập để tăng hiệu quả công việc.
 
“Chúng ta phải hiểu chính sách và cơ chế đặc thù cho TP vừa tăng thu nhập nhưng quan trọng nhất vẫn là cải cách hành chính ở TP đem lại hiệu quả cho người dân, doanh nghiệp đúng chủ trương của nhà nước chứ không phải cầm tiền đi phát cào bằng cho từng cán bộ, công chức”, ông Hảo khẳng định.
 
Trả lời PV Thanh Niên: phường nhiều dân và ít dân nhưng trả phần thu nhập tăng thêm như nhau liệu có công bằng, Phó giám đốc Sở Nội vụ TP Đỗ Văn Đạo nói theo quy định phường xã nào tăng thêm 3.000 dân sẽ có thêm 1 cán bộ chuyên trách để đáp ứng công việc, nên phường càng đông dân thì càng nhiều cán bộ, công chức. Về ý kiến phải xây dựng cơ chế cho các đơn vị cạnh tranh lẫn nhau như đề xuất của TS Võ Trí Hảo, ông Đạo cho biết TP cũng có tính toán nhưng qua thống kê lượng thủ tục ở quận này để giải quyết được ở quận khác không nhiều mà phần lớn thủ tục người dân phải về giải quyết ở nơi cư trú, đăng ký hộ khẩu.
 
Cán bộ phường tranh thủ “kinh doanh trên mạng”
Trong quá trình tìm hiểu viết bài về đề án tăng thu nhập cán bộ, công chức ở TP.HCM, PV Thanh Niênghi nhận không ít trường hợp công chức, viên chức ở phường vì thu nhập quá thấp phải làm thêm ở ngoài, phổ biến nhất là bán hàng trên mạng. Điển hình như chị P. (cán bộ tại UBND một phường ở Q.5), tốt nghiệp đại học, làm ở phường hơn 7 năm nhưng đến nay tổng thu nhập chưa tới 3,8 triệu đồng. Chị P. cho biết tổng thu nhập của vợ chồng chị chừng 8 triệu đồng/tháng, có 2 con đi nhà trẻ nên hầu như tháng nào chi xài của gia đình cũng thiếu trước hụt sau. Do vậy, chị phải tranh thủ thời gian làm việc ở phường để bán hàng trên mạng kiếm thêm thu nhập. Đáng lưu ý, ở phường này có khá nhiều người “chân trong chân ngoài” giống chị P., lãnh đạo phường dù biết cấp dưới “ăn bớt” thời gian để làm việc riêng nhưng sau vài lần nhắc nhở cũng du di…

TRUNG HIẾU