24/01/2025

Tín dụng cho sinh viên sư phạm: giải pháp hợp lý

Gần 20 năm đã qua, hiệu quả của chính sách miễn học phí cho sinh viên sư phạm đã giảm nhiều và hiện không còn phù hợp.

 

Tín dụng cho sinh viên sư phạm: giải pháp hợp lý

Gần 20 năm đã qua, hiệu quả của chính sách miễn học phí cho sinh viên sư phạm đã giảm nhiều và hiện không còn phù hợp.


Tín dụng cho sinh viên sư phạm: giải pháp hợp lý - Ảnh 1.

Thí sinh và phụ huynh đến làm thủ tục xét tuyển nguyện vọng bổ sung tại Trường ĐH Sư phạm TP.HCM sáng 15-8-2017 – Ảnh: NHƯ HÙNG

 

Người đứng đầu Bộ GD-ĐT đề xuất giải quyết đào tạo giáo viên theo hướng thay đổi từ chính sách miễn học phí bằng chế độ tín dụng học phí cho sinh viên sư phạm. Thực tế, tín dụng học phí không là mới với nhiều quốc gia trên thế giới cũng như ở nước ta.

Chính sách miễn giảm học phí trong những năm đầu là luồng sinh khí mới giúp các trường sư phạm tuyển được nhiều học sinh giỏi. Gần 20 năm đã qua, hiệu quả của chính sách miễn học phí cho sinh viên sư phạm đã giảm nhiều và hiện không còn phù hợp. 

Theo quy định, sinh viên vào học ngành sư phạm muốn được miễn học phí phải làm cam kết phục vụ ngành giáo dục sau khi ra trường.

Trên thực tế gần như 100% sinh viên sư phạm đã làm cam kết. Nhưng do thiếu chế tài nên Nhà nước đã không thể thu hồi kinh phí đào tạo với những sinh viên ra trường không phục vụ ngành giáo dục.

“Thất thoát” từ đầu tư đào tạo giáo viên tuy không được thống kê nhưng là không nhỏ. Chưa kể việc đào tạo theo chỉ tiêu được giao những năm trước đây không sát với tình hình sử dụng giáo viên. Nhiều sinh viên sư phạm ra trường không có việc làm hoặc không làm trong ngành giáo dục do thu nhập thấp và nhiều lý do khác.

Áp dụng chính sách tín dụng theo hướng cho phép sinh viên sư phạm vay học phí và các khoản chi phí khác trong quá trình học tập, theo tôi, là một giải pháp hợp lý trong điều kiện hiện nay. 

Tín dụng sinh viên sư phạm kèm theo điều kiện không phải hoàn trả các khoản vay mượn nếu làm việc cho ngành giáo dục trong khoảng thời gian ít nhất bằng thời gian đào tạo. Những sinh viên sư phạm sau khi tốt nghiệp không nhận làm việc trong ngành giáo dục sẽ phải hoàn trả kinh phí được mượn.

Vấn đề là Chính phủ cũng phải cam kết sử dụng họ chứ không thể để họ “tự bơi trong bể tìm kiếm việc làm” như hiện nay. Điều này có thể thực hiện được nếu Bộ GD-ĐT cùng các địa phương làm tốt công tác dự báo nhu cầu sử dụng nhân lực ngành giáo dục cho địa phương mình trong vòng 10-15 năm.

Bộ GD-ĐT căn cứ nhu cầu sử dụng nguồn nhân lực dự báo sẽ cho phép các trường sư phạm tuyển sinh, đồng thời Chính phủ có chính sách sử dụng sinh viên sau tốt nghiệp (chẳng hạn như phân công sinh viên sau tốt nghiệp. 

Trước năm 1975 và một vài năm sau đó, ở cả hai miền đều thực hiện việc phân nhiệm cho sinh viên sư phạm. Ở miền Nam Việt Nam khi đó, việc phân công sinh viên sư phạm sau tốt nghiệp thực hiện công khai, sinh viên tốt nghiệp thứ hạng cao được quyền lựa chọn nơi làm việc).

Để cạnh tranh, Nhà nước ưu tiên những sinh viên tốt nghiệp thứ hạng cao. Những người không có năng lực, hoặc đã tốt nghiệp nhưng không muốn làm trong ngành giáo dục thì hoàn trả các khoản vay.

Tín dụng học phí không phải là cây đũa thần giải quyết bài toán đầu vào cho các trường sư phạm, cũng không phải là lời giải duy nhất nếu như chúng ta không xây dựng được một chính sách nhà giáo khả dĩ thu hút những học sinh giỏi vào trường sư phạm. 

Nhưng ít ra, đây là việc làm cần thiết để giải quyết tình trạng đào tạo không gắn với sử dụng giáo viên hiện nay.

 

PGS.TS NGUYỄN KIM HỒNG (nguyên hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TP.HCM)