23/01/2025

Cách sửa sai khi chọn ngành không đúng

Ngày 12.3, trong chương trình Tư vấn mùa thi năm 2018 do Báo Thanh Niên phối hợp với Bộ GD-ĐT tổ chức tiếp tục diễn ra tại TP.Bảo Lộc (Lâm Đồng), các chuyên gia đã đưa ra lời khuyên về việc chọn ngành học chính xác nhất.

 

Cách sửa sai khi chọn ngành không đúng

Ngày 12.3, trong chương trình Tư vấn mùa thi năm 2018 do Báo Thanh Niên phối hợp với Bộ GD-ĐT tổ chức tiếp tục diễn ra tại TP.Bảo Lộc (Lâm Đồng), các chuyên gia đã đưa ra lời khuyên về việc chọn ngành học chính xác nhất.




 

Học sinh ở Bảo Lộc đặt câu hỏi về chọn ngành nghề  /// Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Học sinh ở Bảo Lộc đặt câu hỏi về chọn ngành nghề   ẢNH: ĐÀO NGỌC THẠCH

 
Có được chuyển ngành học ?
Một học sinh (HS) Trường THPT Nguyễn Tri Phương thắc mắc khi đã trúng tuyển ĐH, học 3 – 4 tháng rồi cảm thấy không phù hợp thì có được đổi ngành học không? Tiến sĩ Lê Trung Đạo, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Tài chính – Marketing, cho biết cách giải quyết tùy theo các trường. Có trường lấy điểm trúng tuyển chung, sau đó mới để sinh viên (SV) chọn ngành thì SV có cơ hội xem xét kỹ lưỡng để chọn học. Còn trường lấy điểm trúng tuyển theo ngành thì tùy trường xử lý. Tuy nhiên, theo quy chế của Bộ GD-ĐT thì SV có thể chọn học 2 ngành cùng lúc sau khi học kiến thức đại cương và cơ sở ngành, đạt điểm trung bình 7 trở lên. Khi tốt nghiệp SV được nhận 2 bằng ĐH khác nhau.
 
Tiến sĩ Vũ Quốc Huy, Phó phòng Đào tạo Trường ĐH Việt Đức, cho biết hầu hết các trường đào tạo 1 – 2 năm đầu kiến thức đại cương, sau đó mới đi vào chuyên ngành hẹp. Vì vậy nếu SV lỡ chọn ngành học chưa đúng sau khi trúng tuyển thì nhiều khả năng có thể được chuyển ngành.
 
Cụ thể hơn, tiến sĩ Trần Hữu Duy, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Đà Lạt, cho biết hiện nay các trường thường áp dụng quy chế chuyển trường vào việc chuyển ngành cho SV. Cụ thể, đến năm thứ 2, nếu SV đạt học lực trung bình trở lên có thể xin chuyển ngành nếu như điểm trúng tuyển đầu vào của SV trước đó bằng hoặc cao hơn ngành muốn chuyển đến.
 
Chọn ngành thế nào nếu không biết thích gì
Một HS Trường THPT Lộc Phát hỏi: “Em không biết mình thích gì, có khả năng gì thì nên chọn ngành thế nào?”. Thạc sĩ Trần Ký, Phó phòng Đào tạo Trường ĐH Tài nguyên – Môi trường TP.HCM, cho rằng khi chưa định hướng được nên chọn ngành nào, trước tiên HS cần nhận định lại bản thân, năng lực của mình đến đâu, yêu thích gì; sau đó là xem xét nhu cầu xã hội. Một số trường hợp xảy ra tại trường là SV học đến năm thứ 2 thì phụ huynh mới biết các bạn bị cảnh cáo, buộc thôi học. Lý do là các em không thích ngành học nhưng bố mẹ bắt các em phải học. Vì vậy, cũng không thể chọn ngành theo trào lưu, theo lời người khác.
 
 
Nghe tư vấn, nhận điện thoại thông minh

Nghe tư vấn, nhận điện thoại thông minh

Trong chương trình Tư vấn mùa thi tại Trường THPT Bảo Lộc, 4 HS Trường THPT Bảo Lộc là Nghiêm Xuân Phúc (12A4), Trần Thị Hoài Thương (12A2), Trần Thụy Đan Tiên (11A6) và Nguyễn Thị Phương Thảo (12A12) đã bốc thăm trúng thưởng điện thoại thông minh Mobiistar do Công ty cổ phần phát triển công nghệ Mobile Star tài trợ. Đại diện Báo Thanh Niên và Hiệu trưởng Trường THPT Bảo Lộc đã trao quà trúng thưởng cho các HS (ảnh).
 
Tin, ảnh: Nữ Vương – Đ.N.T

 
Báo Thanh Niên trân trọng cảm ơn các đơn vị đã phối hợp tổ chức thành công chương trình: Sở GD-ĐT Lâm Đồng, Trường THPT Bảo Lộc (Lâm Đồng), Công ty TNHH MTV xổ số kiến thiết Lâm Đồng, VNPT Lâm Đồng, MobiFone Lâm Đồng, Agribank Lâm Đồng, Viettel Lâm Đồng. Xin cảm ơn các trường ĐH đã trao học bổng (Đà Lạt, Lạc Hồng, Quốc tế Sài Gòn) và Công ty du lịch Vietravel đã đưa đón đoàn tư vấn.
 
 

ĐĂNG NGUYÊN – GIA BÌNH