Tăng tàu nhưng giảm bến
Từ ngày 1.1, Công ty Cảng Sài Gòn đã chính thức chấm dứt hoạt động tại bến cảng Sài Gòn và thông báo với đại diện các doanh nghiệp (DN) có tàu du lịch nhà hàng đang neo đậu ở đây về việc giao đất cho Công ty TNHH đầu tư và phát triển đô thị Ngọc Viễn Đông – đơn vị được UBND TP.HCM hoán đổi khu đất cảng Nhà Rồng – Khánh Hội để xây dựng khu phức hợp khi chuyển hệ thống cảng này ra khu vực Hiệp Phước.
Đáng nói là Công ty Ngọc Viễn Đông chỉ chấp thuận cho thuê 300 m cầu cảng đón tàu khách du lịch quốc tế, không chấp nhận cho tàu nhà hàng và các loại hình khác hoạt động, hợp đồng thuê cũng chỉ được 1 năm. Mà 300 m cầu cảng chỉ đủ cho khoảng 4 tàu neo đậu, trong khi đang có ít nhất 6 tàu du lịch nhà hàng đang hoạt động tại khu vực cảng này.
Ông An Sơn Lâm, Giám đốc Công ty TNHH Thuyền buồm Đông Dương, cho biết công ty ông đã hoạt động trong lĩnh vực khai thác khách tàu thủy gần 15 năm với 7 phương tiện, trong đó có 4 tàu lớn và 3 tàu nhỏ. Thời gian đầu, khi bến Bạch Đằng chào đón các DN, hạ tầng bến bãi ổn định thì việc kinh doanh của công ty rất thuận lợi.
Tuy nhiên, sau khi TP cho dừng hoạt động tại bến Bạch Đằng một cách đột ngột, Thuyền buồm Đông Dương phải chuyển qua bến Nhà Rồng. Nhưng vì đây là cảng hàng hoá, chỉ thích hợp cho tàu lớn nên công ty đã phải bán bớt 4 chiếc tàu do không có bến đậu. Theo ông Lâm, giá cả ở bến này cao hơn bến Bạch Đằng rất nhiều. Tại thời điểm bắt đầu chuyển bến (tháng 1.2015), 3 chiếc tàu neo ở đây phải trả chi phí 100 triệu đồng/tháng, cao gấp 3 lần giá tại bến Bạch Đằng. Hiện con số này đã tăng lên 4 lần, tức 400 triệu đồng/tháng. Chi phí cao khiến DN cũng phải “bổ” lại trên đầu khách khiến giá tour cao, không khuyến khích phát triển du lịch đường sông.
“Đau khổ” hơn là khi TP.HCM quyết tâm phát triển du lịch đường sông và nhận được sự động viên từ phía Sở Du lịch đảm bảo đầy đủ bến bãi, Thuyền buồm Đông Dương đã bỏ ra vài chục tỉ đồng đầu tư thêm 1 tàu khách chất lượng cao. Tuy nhiên, tàu này chưa kịp hoạt động coi như nhận “giấy báo tử” vì không có chỗ chứa. “Trong 1.800 m cầu cảng hiện hữu, phải để lại ít nhất 1.000 m cầu cảng cho tàu, thuyền hoạt động thì giao thông, du lịch đường sông mới thật sự phát triển”, ông đề xuất.
Tương tự, bà Liêu Thị Mỹ Hạnh, Giám đốc Công ty cổ phần đầu tư Hoàng Triều, cho biết công ty bà có 15 ca nô cao tốc phục vụ du lịch đường thủy nhưng hoạt động gặp nhiều khó khăn do hạ tầng phục vụ yếu kém. Các bến bãi ở khu vực trung tâm rất thiếu, Công ty Hoàng Triều chỉ có 3 bến đón khách là Tân Cảng, Cầu Mống và Vườn Kiểng. Trong đó chỉ có bến Tân Cảng có các dịch vụ tối thiểu như nhà chờ, nhà vệ sinh; bến Vườn Kiểng hiện chỉ cho buýt đường sông hoạt động, còn lại bến Cầu Móng không có nhà chờ, nhà vệ sinh, phí dịch vụ lại quá cao.
Cần thống nhất quy hoạch dọc bờ sông
Ông Phan Xuân Anh, Chủ tịch HĐTV Công ty Du Ngoạn Việt, nhận định để mất bến Bạch Đằng sẽ tác động đến phát triển giao thông thuỷ là rất lớn. Thứ nhất, đoạn sông này sâu tới 9 m, có nơi 12 m, nếu cảng Sài Gòn chỉ khai thác các loại tàu nhỏ, độ sâu vài ba mét, một vài năm đất sẽ bị bồi, uổng phí tài nguyên thiên nhiên.
Thứ hai, cảng Sài Gòn là dấu ấn lịch sử gắn liền với người dân bao năm qua, đồng thời cũng là điểm đến của rất nhiều tàu biển lớn, đẳng cấp, làm đẹp cho hình ảnh của toàn TP. Dù đầu tư cảng tàu khách quốc tế tại Mũi Đèn Đỏ cũng là việc nên làm, nhưng khu vực đó xa trung tâm, không thể thay thế bến Bạch Đằng, cảng Sài Gòn.
“Không giữ lại cảng Sài Gòn thì không thể phát triển du lịch đường sông. TP cũng cần tạo chủ trương thuận lợi để DN đầu tư các bến tàu du lịch đầy đủ dịch vụ, vì TP mới chỉ có 2 bến tàu tại kênh Nhiêu Lộc và Khu sinh quyển Cần Giờ là đúng chất bến du lịch”, ông Xuân Anh nói.
KTS Ngô Viết Nam Sơn cho rằng bờ sông nên là khu vực dành cho không gian công cộng, có không gian xanh mở, kết nối bến thuyền. TP nên chủ động lập một dự án công theo quy hoạch chung, thống nhất toàn bộ các khu vực dọc hai bên bờ sông, trong đó có sự tính toán, cân nhắc đến không gian cho bến thuyền, không gian cho người đi bộ hay cho các bến xe buýt… Nếu giao cho tư nhân thì cũng vẫn phải làm bài bản theo một quy hoạch chung và sau khi hoàn thành phải giao lại cho nhà nước quản lý.
HÀ MAI