24/01/2025

Chọn ngành trong thời đại 4.0

Trong buổi khai mạc, các học sinh tỉnh Đồng Nai liên tục gây bất ngờ với những câu hỏi sát với cuộc sống, đặc biệt là những vấn đề con người phải đối mặt trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 sắp tới.

 

Chọn ngành trong thời đại 4.0

Trong buổi khai mạc, các học sinh tỉnh Đồng Nai liên tục gây bất ngờ với những câu hỏi sát với cuộc sống, đặc biệt là những vấn đề con người phải đối mặt trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 sắp tới.
 
 
 
 

Học sinh đặt câu hỏi với các chuyên gia tư vấn 
 /// Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Học sinh đặt câu hỏi với các chuyên gia tư vấn ẢNH: ĐÀO NGỌC THẠCH

 
Nguyễn Vũ Minh Khanh, Trường THCS – THPT Bùi Thị Xuân (TP.Biên Hòa) đặt câu hỏi rất thời sự: “Vừa qua Google có sản phẩm tai nghe có thể dịch được 40 thứ tiếng, chỉ cần phát âm là có thể tự dịch lại ngay. Như vậy, khả năng nghề nghiệp trong tương lai của em sẽ như thế nào khi học trong bối cảnh như vậy?”.
 
Tiến sĩ Nguyễn Vũ Quỳnh, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Lạc Hồng, cho biết: “Đây là tiến bộ vượt bậc trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, đặc biệt là việc xử lý ngôn ngữ. Câu hỏi đặt ra là máy móc có thay thế con người không? Việc thay thế là chắc chắn nhưng sẽ không thay thế đến 100%. Tương lai robot sẽ ảnh hưởng rất lớn đến việc làm, nhưng chỉ hỗ trợ tốt hơn cho chúng ta giải trí, ít phải làm việc hơn, có cuộc sống tốt đẹp hơn”.
 
Tiến sĩ Ngô Hữu Phước, Phó trưởng khoa Luật quốc tế, Trường ĐH Luật TP.HCM, cũng cho biết: “Cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ làm thay đổi xã hội. Chúng ta vui là có nhiều robot làm thay công việc cho con người. Nhưng có nhiều ngành vẫn không thể thay thế. Không thể có robot bảo vệ cho thân chủ, đứng trước phiên tòa; robot luật tư vấn doanh nghiệp. Robot sẽ chỉ ảnh hưởng tích cực, để hỗ trợ con người. Nhất là nhóm ngành khoa học xã hội thì robot vẫn rất khó thay thế con người”.
 
Tiến sĩ Lê Kính Thắng, Trưởng phòng Đào tạo, Trường ĐH Đồng Nai, cũng cho rằng robot không thể thay thế giáo viên vì việc giảng dạy là sáng tạo. Nhiều tình huống diễn ra trong lớp học không máy móc nào có thể xử lý được. Robot chỉ để hỗ trợ, chủ yếu ảnh hưởng nhiều đến nhóm ngành khoa học kỹ thuật.
 
Một học sinh Trường THPT chuyên Lương Thế Vinh (TP.Biên Hòa) thắc mắc: “Có nhiều trường khác nhau, nhiều phương án tuyển, điểm đầu vào khác nhau. Nhưng tại sao trường nào cũng cam kết có việc làm? Vậy cơ hội việc làm cho các sinh viên có khác nhau?”.
 
Thạc sĩ Phạm Thái Sơn, Phó giám đốc Trung tâm tuyển sinh Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM, cho biết ứng với từng trình độ khác nhau, có đầu vào khác nhau. Các trường luôn xác định rõ ra trường làm gì, có quá trình biến đổi để các em đạt được chuẩn đầu ra như cam kết. Vị trí việc làm sẽ ứng với chuẩn đầu ra đó. Chuẩn đầu ra thiên hướng nghiên cứu thì đòi hỏi rất cao để đáp ứng chuẩn nghiên cứu. Chuẩn đầu ra kỹ sư ứng dụng thì cần ứng thực hành tay nghề…
 
Nguyễn Thị Thanh Nhàn, Trường THCS-THPT Bùi Thị Xuân thắc mắc về ngành tâm lý học. PGS-TS Nguyễn Minh Hà, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Mở TP.HCM, cho biết nếu thực sự thích học ngành này, thí sinh có thể học Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM… Tuy nhiên, một số trường đào tạo ngành xã hội học cũng có chuyên ngành tâm lý. Học ra trường, sinh viên có thể tư vấn tâm lý học đường, người già, người bệnh… Hiện nay quy định tất cả các trường phải có tâm lý học đường nên nhu cầu rất lớn, các công ty lớn có nhiều nhân viên cũng cần có bộ phận tư vấn tâm lý.
 
ĐĂNG NGUYÊN