28/01/2025

Chiến trường Syria: Nga – Mỹ đấu đầu, Iran thủ lợi

Năm 2018 đánh dấu bước ngoặt xáo trộn luật chơi trong cuộc tranh chấp đa chiều tại Syria.

 

Chiến trường Syria: Nga – Mỹ đấu đầu, Iran thủ lợi

Năm 2018 đánh dấu bước ngoặt xáo trộn luật chơi trong cuộc tranh chấp đa chiều tại Syria.

 


Chiến trường Syria: Nga - Mỹ đấu đầu, Iran thủ lợi - Ảnh 1.

Cảnh đổ nát ở khu Đông Ghouta, ngoại ô thủ đô Damascus ngày 27-2 – Ảnh: AFP

Mỹ nay xác định Syria là địa bàn “chống khủng bố từ xa”, ngăn chặn ảnh hưởng của Iran và bảo vệ Israel. Bởi thế, quân đội Mỹ sẽ ở lại Syria cho đến khi nào đạt được các mục tiêu phù hợp với lợi ích của Mỹ.

Mỹ quyết chặn Nga

Để đạt được các mục tiêu của chiến lược này, quân đội Mỹ công khai đứng chân tại bảy “căn cứ tiền tiêu” ở đông bắc Syria, đồng thời chuyển hướng trên mặt trận chính trị; cụ thể là không để cho Nga độc tôn hành động như đã diễn ra suốt năm 2017.

Sự chuyển hướng của Mỹ là một nguyên nhân quan trọng khiến cho hội nghị đối thoại nhân dân Syria do Nga tổ chức tại Sochi cuối tháng 1-2018 trở thành hữu danh vô thực. Nga định triệu tập hầu hết các bên chống nhau tại Syria để “đối thoại” về những nội dung trọng yếu của tiến trình chính trị, như hiến pháp, tổng tuyển cử…

 

Nhưng hầu hết các nhóm đối lập chủ chốt đã tẩy chay hội nghị này. Vì thế, việc ra được tuyên bố sau cùng của hội nghị Sochi sau chưa đầy hai ngày “đối thoại”, chỉ thể hiện “tài tổ chức” của ngoại trưởng Nga, mà không có hiệu lực gì trên thực địa.

Chiến sự lại bùng lên

Trong suốt năm 2017, Nga gần như độc tôn điều phối cuộc khủng hoảng tại Syria, cả trên chiến trường và tiến trình tìm giải pháp chính trị. Tổng thống Vladimir Putin đã lạc quan tuyên bố ngày 11-12-2017 ngay tại căn cứ quân sự thường trực của Nga ở H’meimeem (thuộc duyên hải tây – bắc Syria) về chiến thắng chống khủng bố và giảm bớt sự hiện diện quân sự của Nga tại Syria, để tập trung vào tìm giải pháp chính trị.

Nhưng sau khi hội nghị Sochi không đạt được kết quả mong muốn, Nga dường như nhanh chóng trở lại ưu tiên cho việc giành lợi thế trên chiến trường để mở rộng khu vực kiểm soát của Nga và đồng minh (chính quyền Syria và Iran); đối trọng với khu vực thuộc thế lực của Mỹ ở vùng đông bắc Syria (còn gọi là vùng lãnh thổ phía đông sông al-Furat).

Chiến sự bùng lên ở Đông Ghouta nằm trong kế hoạch mở rộng vùng kiểm soát của quân Chính phủ Syria, nhằm đẩy lui phiến quân khỏi khu vực áp sát nội thành thủ đô này; mặc dù Đông Ghouta đã được xác định là “khu vực giảm căng thẳng” do chính Nga dàn xếp thỏa thuận giữa chính quyền Syria với các nhóm phiến quân. 

Chiến trường Syria: Nga - Mỹ đấu đầu, Iran thủ lợi - Ảnh 2.

Hình ảnh Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Syria al-Assad tại Đông Ghouta – Ảnh: REUTERS

Giới quan sát Ả Rập cho rằng Nga sẽ yểm trợ cho lực lượng Chính phủ Syria và đồng minh đánh phá Ghouta đến khi nào giành lại quyền kiểm soát khu vực này.

Việc này còn nhằm dằn mặt hai nhóm vũ trang đối lập trọng yếu ở Ghouta đã tẩy chay hội nghị Sochi hồi tháng trước, mặc dù hai nhóm này đã được chấp thuận cho tham gia phái đoàn đối lập tại các hội nghị do Nga bảo trợ diễn ra suốt năm 2017 ở Astana (thủ đô Kazakhstan). Bởi mục đích ấy, Nga chỉ chịu chấp nhận dự thảo nghị quyết của HĐBA về ngưng bắn tại Ghouta khi đã đòi được nội dung cho phép lực lượng Chính phủ Syria tiếp tục “đánh khủng bố” ở khu vực này.

Iran hưởng lợi

Iran dường như là bên lẳng lặng thủ lợi nhiều nhất khi Nga phản ứng lại chiến lược của Mỹ ở Syria. Lực lượng Vệ binh cách mạng Iran cùng với các nhóm dân binh được Iran đưa vào chiến đấu bảo vệ chính quyền al-Assad hầu như tham gia tất cả các mặt trận nhân danh quân đội Syria. Bởi thế, quân đội Syria lấn chiếm đến đâu, dưới sự yểm trợ hỏa lực của Nga thì lực lượng của Iran đều đặt chân đến đó.

Iran chưa công khai xây dựng riêng cho mình một căn cứ quân sự nào tại Syria, như Nga đã làm tại H’meimim và Tartous. Nhưng Iran luôn có những “tô giới” riêng nằm trong các căn cứ quân sự lớn của Syria, như tại sân bay quốc tế Damascus, hoặc căn cứ quân sự liên hợp phía đông thành phố di sản Palmyra thuộc tỉnh Homs ở miền trung…

Iran đồng thời kín đáo kiến tạo một mạng lưới đứng chân để đảm bảo kết nối với biên giới Libăng, nhằm giữ vững đường liên hệ chiến lược giữa Damascus với trung tâm của lực lượng Hezbullah. 

Có thể nói, sự hiện diện của Iran tại Syria hiện nay đã đến mức Mỹ khó mà xóa bỏ được. Thậm chí Iran còn bộc lộ tham vọng áp sát khu vực Cao nguyên Golan của Syria mà Israel chiếm đóng từ năm 1967.

Cùng thời gian này, ở miền bắc Syria, Thổ Nhĩ Kỳ mở chiến dịch “Cành ô liu” nhắm đánh lực lượng người Kurd đang kiểm soát khu vực Afrin. Người Kurd là đồng minh chiến lược của Mỹ tại Syria. 

Nga và chính quyền al-Assad không coi người Kurd là thù địch. Trong khi đó, Thổ Nhĩ Kỳ vừa là đồng minh lâu đời của Mỹ trong tổ chức NATO, vừa là đồng minh của Nga cùng tham gia “bảo trợ” cho tiến trình chính trị mà Nga chủ xướng tại Syria. 

Với hành động quân sự vào miền bắc Syria, Tổng thống Erdogan đặt cả tổng thống Nga và tổng thống Mỹ vào thế lựa chọn rất nan giải.

Syria quả là rối như mớ bòng bong!

Diễn biến mới

 

Các cuộc không kích do Israel thực hiện liên tiếp trong thời gian đầu năm 2018 vào lãnh thổ Syria cụ thể là nhắm các căn cứ của Iran. Việc Israel công khai quyết tâm đánh Iran tại Syria là một diễn biến mới khiến cuộc đối đầu đa chiều tại Syria càng trở nên phức tạp, bởi Israel vừa là đồng minh của Mỹ vừa là đối tác “tin cậy” của Nga, trong khi Iran lại là đồng minh quan trọng của Nga tại Syria.

NGUYỄN NGỌC HÙNG