26/01/2025

Bài huấn dụ 02 của Uỷ ban Giáo dân: CÙNG LÀM VIỆC TRONG “VƯỜN NHO CHÚA”

Chúng tôi giới thiệu bài huấn dụ hàng tháng của Uỷ ban Giáo dân thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam dành cho các thành viên trong Hội đồng Mục vụ Giáo xứ để đào tạo cho các thành viên cũng như các tín hữu trong giáo xứ. Chúc các bạn an lành. Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn.

 LTS: Chúng tôi giới thiệu bài huấn dụ hàng tháng của Uỷ ban Giáo dân thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam dành cho các thành viên trong Hội đồng Mục vụ Giáo xứ để đào tạo cho các thành viên cũng như các tín hữu trong giáo xứ. Chúc các bạn an lành. Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn.

 

Bài huấn dụ 02 của Uỷ ban Giáo dân

CÙNG LÀM VIỆC TRONG “VƯỜN NHO CHÚA

Lời mở

Trong bối cảnh của “Năm Mục Vụ Gia Đình: Đồng Hành với các Gia Đình Trẻ, Đức Cha Giuse Trần Văn Toản, Giám mục Phó Giáo Phận Long Xuyên, Chủ tịch Ủy Ban Giáo Dân (HĐGMVN), đã gửi đến Cộng đồng Dân Chúa những lời chúc mừng Năm mới Mậu Tuất 2018. Theo đó, dân Chúa khắp nơi được mời gọi tìm về với “cội nguồn của hạnh phúc và bình an” trong Gia đình Ba Ngôi Thiên Chúa.

Riêng chúng tôi, một số thành viên Ban Nghiên Huấn của Uỷ ban còn nghĩ ngay đến một cội nguồn hữu hình của “bình an hạnh phúc”: đó là Đức Kitô Giêsu, Ngôi Hai Thiên Chúa làm người. Chính Người đã quy tụ muôn loài về nhà Cha Trên Trời và giao phó cho chúng ta sứ mạng cùng kéo một tấm lưới chung trong công trình cứu độ. Chính người nối kết tất cả các thành viên trong Hội đồng Mục vụ giáo xứ để cùng làm việc trong vườn nho là Giáo Hội của Người : Dụ ngôn thợ làm vườn nho (Mt 20,1-28).

Vì thế, bài huấn dụ đầu tiên có chủ đề “cùng làm việc trong vườn nho Chúa”: “Nước Trời giống như chuyện gia chủ kia, vừa tảng sáng đã ra mướn thợ vào làm việc trong vườn nho của mình. Sau khi đã thoả thuận với thợ là mỗi ngày một quan tiền, ông sai họ vào vườn nho làm việc” (Mt 20,1-2).

1. Ý nghĩa Thánh Kinh và Tín lý: Cùng làm việc trong vườn nho Chúa

Thiên Chúa là gia chủ tuyệt vời. Ngài đã tạo dựng con người theo hình ảnh và giống như Ngài. Ngài mời gọi con người làm việc nơi trần thế như những người thợ cùng lao động trong một vườn nho (x. St 2,5-6; Docat, số 134), như xưa Ngài giao cho con người canh tác vườn Eden (x. St 2,15). Ngài là chủ vì là nguồn của sự sống, tình yêu, sức mạnh và ân sủng khi ban cho chúng ta tất cả những phương tiện vật chất và tinh thần để ta sống trong trần thế và làm chứng cho tình yêu cứu độ của Ngài.

Chúng ta được mời gọi vào làm việc trong vườn nho của Chúa là làm việc trong Giáo Hội, cụ thể là làm việc trong một giáo xứ rõ rệt, một địa phương nhất định, để xây dựng Nước Trời nơi trần thế. Nước Trời là “nước của sự thật và sự sống, của thánh thiện và ân sủng, của công lý, tình yêu và bình an” (x. Kinh tiền tụng lễ Chúa Kitô Vua Vũ trụ; Hiến chế tín lý Lumen Gentium, số 36). Chúng ta xây dựng những giá trị tích cực đó cho mọi người, nhất là cho các anh chị em Kitô hữu trong giáo xứ, bằng cách sống những giá trị đó và truyền sức sống này cho người khác. Vì thế, tất cả mọi hoạt động của chúng ta như cầu nguyện, cử hành phụng vụ, sinh hoạt đoàn thể, hoạt động bác ái đều nhằm mục tiêu trên.

Chúng ta được mời gọi làm việc trong vườn nho vào những giờ giấc sớm muộn khác nhau trong lịch sử Giáo Hội cũng như trong lịch sử cuộc đời mỗi người. Tuy nhiên tất cả đều là ơn gọi của Chúa và đều nằm trong “kế hoạch tổng thể của Thiên Chúa là tình yêu” (x. Docat, chương I, số 1-21). Ngài yêu thương chúng ta và muốn cho chúng ta cảm nghiệm được tình yêu cứu độ của Ngài để chia sẻ và làm chứng về tình yêu đó cho người khác.

Chúng ta được mời gọi làm những công việc khác nhau trong cùng một vườn nho: có người nhổ cỏ, bón phân, người tỉa cành, tưới nước… tuỳ theo khả năng, sức khoẻ, ân sủng Chúa ban cho mỗi người. Do đó những hoạt động trong Hội đồng Mục vụ giáo xứ cũng rất đa dạng tuỳ theo nhu cầu của mỗi giáo xứ lớn nhỏ khác nhau, ở thành thị hay ở vùng quê, có nhiều lương dân hay nhiều Kitô hữu…Tuy nhiên tất cả đều làm việc dưới sự lãnh đạo của chính Chúa Giêsu Kitô, trong Thần Khí của Người, thông qua các vị lãnh đạo trong Giáo Hội.

2. Ý nghĩa tu đức và mục vụ: lao động thể hiện bản thân và ơn gọi

Đoạn Tin Mừng còn gợi ý cho ta về lao động của con người. Đây là chủ đề được cuốn Tóm lược Học thuyết Xã hội của Giáo hội Công giáo (số 255-322) và cuốn Docat, giáo lý về hành động cho người trẻ, (số 134-157) bàn đến rất nhiều. Trước hết chúng ta cùng tìm hiểu: lao động có ý nghĩa gì đối với con người, nhất là đối với tín hữu Công giáo.

Trong kinh nghiệm đời sống, hầu như mọi người đều thấy rằng: mình phải làm việc thì mới có của ăn và mới đáng ăn, như cha ông ta thường nói: “tay làm hàm nhai” hoặc “có làm thì mới có ăn”. Dù rằng trong xã hội vẫn có một số người không lao động gì mà vẫn sống sung túc nhờ của cải ông bà cha mẹ để lại.

Trong 11 thế kỷ bị người Trung Quốc đô hộ (từ năm 110 trước Công nguyên đến 938), dân tộc Việt Nam phải lao động cực nhọc, bị bóc lột dã man nên chỉ làm việc cầm chừng, chỉ tỏ vẻ chăm chỉ khi có người lạ canh chừng và sẵn sàng bỏ việc khi kẻ xâm lược vừa mới quay lưng. Thái độ này sau nhiều thế hệ lặp đi lặp lại đã trở thành bản sắc, ăn sâu vào cá tính, khiến nhiều người xem lao động là loại hình khổ sai hay một thứ án phạt từ Thiên Chúa sau khi nguyên tổ phạm tội (x. Docat, số 135).

Thật ra, lao động là một dịp may để thể hiện bản thân. Qua công việc, con người phát triển những thiên hướng và năng lực của mình, cũng như tham gia vào sự tiến bộ về kinh tế, xã hội, văn hoá của cộng đồng. Nhờ lao động con người cảm nhận được hạnh phúc vì nhận ra mình có khả năng làm việc, có công ăn việc làm và làm được một điều tốt đẹp cho mình và cho người khác.

Hơn nữa, lao động còn đóng một vai trò quan trọng trong kế hoạch của Thiên Chúa (x. Docat, số 134) như chúng ta vừa bàn ở phần đầu. Thiên Chúa tạo dựng con người theo hình ảnh Ngài, mời gọi con người lao động trên đất đai, và chinh phục trái đất (x. St 1,28). Qua việc thực hiện những công việc đơn giản trong đời sống hằng ngày, con người được liên kết mật thiết với Đức Giêsu, người thợ mộc thành Nazareth, để làm vinh danh Chúa Cha, “Đấng vẫn đang làm việc”, và để cứu độ muôn loài với Đức Giêsu, “Đấng cũng đang làm việc” (Ga 5,17).

Lời kết

 Vì thế, mỗi người tín hữu, nhất là các thành viên trong Hội đồng Mục vụ giáo xứ, được mời gọi cùng làm việc cách tích cực, quảng đại, tậm tâm trong vườn nho Chúa (1Pr 5,2-5). Chúng ta hiểu rằng bất cứ một hành động nào, dù rất nhỏ bé, cũng có giá trị vịnh hằng, đều mang lại niềm vui, bình an, hạnh phúc và ơn cứu độ cho mình cũng như cho mọi người, mọi vật trong gia đình của Thiên Chúa.