Mang sôcôla ‘đá ba chồng’ qua Mỹ mời khách
Anh Đặng Tường Khanh – giám đốc Công ty TNHH ca cao Trọng Đức ở Đồng Nai – là người đã đưa hàng chục sản phẩm chế biến từ hạt ca cao mang thương hiệu Việt ra thế giới.
Mang sôcôla ‘đá ba chồng’ qua Mỹ mời khách
Anh Đặng Tường Khanh – giám đốc Công ty TNHH ca cao Trọng Đức ở Đồng Nai – là người đã đưa hàng chục sản phẩm chế biến từ hạt ca cao mang thương hiệu Việt ra thế giới.Đối tác nước ngoài kiểm tra quy trình sản xuất hạt ca cao tại nhà máy của Công ty TNHH ca cao Trọng Đức – Ảnh do công ty cung cấp
Để có được kết quả của ngày hôm nay là cuộc khởi nghiệp gian truân của cả hai thế hệ.
Hành trình gian khó
Cầm những thỏi sôcôla trên tay, giám đốc Đặng Tường Khanh kể trước đây anh chưa bao giờ nghĩ mình trở về thay cha tiếp nối, điều hành công ty với niềm đam mê, trăn trở.
“Cha tôi đã truyền cảm hứng cho con cái. Ông luôn đặt câu hỏi: Ngành nông nghiệp sao phải cứ trồng, chặt? Phải làm cái gì đó để gắn kết nông dân, mang bức tranh mới cho ngành nông nghiệp” – anh Khanh nhớ lại.
Đó là năm 2006. Cha anh – ông Đặng Tường Khâm, một sĩ quan quân đội về hưu ở tuổi 73 – có kiến thức về ngành dược đã chuyển sang làm nông nghiệp, bước vào lĩnh vực trồng cây ca cao.
Ông Khâm đã tìm đến vùng đất khô cằn ở xã Phú Hoà, lập Công ty TNHH Trọng Đức, xây dựng vùng nguyên liệu ca cao, liên kết với nông dân các tỉnh Đồng Nai, Lâm Đồng, Bình Thuận để trồng xen canh khoảng 1.000ha cây ca cao.
Thế nhưng, cả hai cha con anh gặp phải những trở ngại lớn. Đó không chỉ là thiếu nhân viên kỹ thuật hướng dẫn cách trồng cây mà còn là nông dân thấy nhiều cây công nghiệp khác có giá nên đã… chặt bỏ cây ca cao. Sau hai năm đầu tư vào ca cao, nông dân chặt bỏ chừng 700ha.
Ngay sau đó, hai cha con xác định vừa nghiên cứu chế biến hạt ca cao vừa phải liên kết với Trường ĐH Nông lâm TP.HCM để xây dựng bộ giống chuẩn, tạo vùng nguyên liệu.
“Khi xâm nhập thị trường ca cao, xây dựng được bộ giống cũng là lúc tôi đi các tỉnh nói chuyện với nông dân về cách trồng ca cao và trách nhiệm của công ty khi gắn kết với nông dân…” – anh Khanh nhớ lại.
Cha đã truyền cho tôi cảm hứng về khởi nghiệp, về câu chuyện nông dân từng nuôi cách mạng nhưng đa số ở những vùng đất ấy vẫn đói nghèo. Bắt tay vào việc có lúc tưởng chừng gục ngã nhưng mình gắn với nông dân, họ tin mình thì mình đứng vững
Anh ĐẶNG TƯỜNG KHANH
Mang sôcôla qua Mỹ mời khách
Lúc này ông Khâm xác định muốn làm chủ trong nông nghiệp phải gắn với chế biến bởi trái ca cao VN có thể làm ra nhiều sản phẩm từ mật ca cao đến rượu vang, bột ca cao, sôcôla…
Theo anh Khanh, cứ 10 tấn trái ca cao tươi sẽ cho khoảng 1 tấn hạt khô. Nếu mang hạt ca cao xuất khẩu cũng đem lại lợi nhuận nhưng sẽ không có lời bằng việc làm ra nhiều sản phẩm. Do vậy, công ty đã nỗ lực tìm cách xây dựng thương hiệu, đưa sản phẩm chế biến từ trái ca cao VN ra thế giới.
Từ năm 2014, anh Khanh đã tìm được đối tác là một doanh nghiệp Nhật. Khi đó, phía Nhật cử người đến tận công ty tìm hiểu tường tận quy trình sản xuất nguyên liệu, chế biến rồi đặt hàng. “Khi có đầu ra, việc thu mua giá ca cao tươi của nông dân cũng tốt hơn. Đối tác nhập sản phẩm sôcôla về gia công, đóng gói bao bì và họ đã biết đến VN sản xuất sôcôla chứ không phải xuất khẩu hạt thô như trước đây nữa” – anh Khanh tâm sự.
Khoảng vài năm trước trong một chuyến xúc tiến thương mại đầu tư cùng lãnh đạo tỉnh Đồng Nai đến nước Mỹ, công ty đã mang một số thỏi sôcôla ra mời khách thì hầu hết đều trầm trồ về vị sôcôla được sản xuất ở Đồng Nai.
Từ đây, lãnh đạo tỉnh Đồng Nai quan tâm đến việc xây dựng dự án hợp tác, sản xuất gắn với tiêu thụ cây ca cao trên địa bàn. Tỉnh vừa hỗ trợ vốn, vừa đặt ra chiến lược vùng nguyên liệu cho Công ty TNHH ca cao Trọng Đức nhằm giúp cho nông dân có thêm thu nhập.
Anh Khanh cho biết: “Với những nỗ lực bền bỉ, đầu năm 2016 công ty đã sản xuất sôcôla qua Hàn Quốc, Nhật Bản. Đến nay đã có gần 30 sản phẩm được đưa ra thế giới”.
Đó là những thanh sôcôla nhỏ nhắn với các nhân dừa, điều, đậu phộng… nhãn hiệu Bungo có chỉ dẫn “Định Quán – Đồng Nai”, rồi bột ca cao, nước ép, viên nang chiết xuất từ trái ca cao tươi…
Giấc mơ “ca cao đá ba chồng”
Khi chia sẻ với nông dân trồng ca cao, anh Khanh nói: “Chúng ta đã có thương hiệu ca cao VN nên giữ cái móng cho ngôi nhà nhỏ của mình”. Anh Khanh nói hạt ca cao VN nằm trong 20 quốc gia có chất lượng tốt nhất thế giới nên anh muốn gửi gắm với người trồng đó là niềm tự hào, phải giữ lấy, phải phấn đấu cho thương hiệu Việt.
Vì muốn đưa được những sản phẩm ca cao ra nước ngoài, công ty đã mất hơn 10 năm đầu tư vùng nguyên liệu với bao gian khó, để rồi Hà Lan đã cấp chứng nhận UTZ (chứng nhận sản xuất tốt của quốc tế) cho 154 hộ nông dân đang trồng hơn 250ha ca cao.
Ông Nguyễn Thanh Phước – giám đốc Hợp tác xã ca cao Thống Nhất (Đồng Nai), một đơn vị cung cấp trái ca cao cho công ty – cũng tâm sự: “Ca cao chủ yếu trồng xen canh với cây điều, lợi nhuận hơn 100 triệu đồng/ha nên nhiều hộ dân cũng an tâm sản xuất. Có đầu ra nên nông dân không phải trồng rồi chặt nữa”.
Nói đến ước mong làm gì nữa cho cây ca cao VN, anh Khanh bảo: “Tôi đang tiếp tục làm những thỏi sôcôla mang thương hiệu “đá ba chồng” – một địa danh ở huyện Định Quán, nơi công ty đã khởi nghiệp và gắn bó với hàng trăm nông dân để làm nên thương hiệu ca cao VN hiện nay. Công ty đang nỗ lực làm sản phẩm ca cao với chất lượng châu Âu nhưng giá VN để có thêm nhiều bạn hàng mới”.