28/12/2024

Cứ tết, cứ lễ hội là dễ đánh nhau, tại sao?

Tết là dịp đoàn viên, là kiêng kị những điều xấu xí, nhưng tết năm nay đã có khoảng 4.100 người phải vào viện cấp cứu trong 6 ngày nghỉ tết.

Cứ tết, cứ lễ hội là dễ đánh nhau, tại sao?

 

Tết là dịp đoàn viên, là kiêng kị những điều xấu xí, nhưng tết năm nay đã có khoảng 4.100 người phải vào viện cấp cứu trong 6 ngày nghỉ tết.

Cứ tết, cứ lễ hội là dễ đánh nhau, tại sao? - Ảnh 1.

TS Trịnh Hoà Bình – Ảnh: NVCC

Nói về hiện tượng này, nhà nghiên cứu xã hội Trịnh Hoà Bình chia sẻ:

Cách đây 2 ngày tôi có nói gần 2.000 người vào viện vì đánh nhau trong những ngày tết, mọi người không tin, bảo làm gì nhiều đến thế? 

Nhưng giờ thống kê 6 ngày tết có đến trên 4.100 người vào viện vì đánh nhau thì là con số quá lớn, tôi rất bất ngờ.

* Theo ông, lý do nào dẫn đến con số đáng buồn này, vì tết là dịp người ta kiêng kị những cái xấu xa, cái bạo lực mà hướng về điều đẹp đẽ để mong năm mới may mắn…?

 

– Tôi cho rượu bia là một trong những nguyên nhân liên quan trực tiếp. 

Thứ nữa là do cường độ giao tiếp. Ngày thường, mọi người bận rộn đi làm ăn, họ lo lắng cơm áo gạo tiền của cá nhân và gia đình mình. Ngày tết, những nỗi lo trực tiếp ấy không còn, người ta không phải lo chuyện cơm áo nữa và được ngồi với nhau dài hơn, nói nhiều câu chuyện hơn và vì thế cũng dễ xảy ra mâu thuẫn hơn, nhất là trong nhóm người trẻ tuổi.

Có người cũng gắn câu chuyện đánh nhau, rượu chè vào dịp tết và đề nghị nhập tết “ta” vào tết “tây”, làm sao để tết tiết kiệm hơn, mong tết giống nhiều nước châu Á xung quanh cũng chỉ ăn tết tây còn tết ta không còn rầm rộ nữa. 

Nhưng tôi cho là ăn tết ta, nghỉ dài ngày không phải là lý do dẫn đến đánh nhau, đến rượu chè hay các thói xấu khác, mà vấn đề chính là do con người, là do những ẩn ức không có chỗ “xả”, do một loạt những giá trị đang ở giai đoạn chuyển đổi…, không phải do tết.

Tiến sĩ Trịnh Hoà Bình

* Ông có nói đến lý do con người, vì sao người ta lại dễ nổi nóng khi tết là dịp vui vẻ và dịp để người ta hướng thiện?

– Đời sống hiện nay đã ở một tầm mức khác, màu sắc khác nhưng việc tôn trọng quyền con người và quyền cá nhân vẫn như cũ. 

Ngay trong mỗi gia đình, con cái đã lớn nhưng dịp tết vẫn phải nghe giáo huấn liên quan đến cá nhân từ ông bà, cha chú, mà không phải lời giáo huấn nào cũng là đúng, là hay, chưa nói đến tôn trọng cá nhân của các bạn trẻ. 

Thứ hai là những ẩn ức từ xã hội. Các bạn trẻ cũng có những bức xúc và họ muốn xả vào chỗ này chỗ khác. Ngày thường những ẩn ức, thù tức ấy vẫn có, nhưng ngày thường có xảy ra đánh nhau không ai để ý mấy. 

Dịp tết là dịp người ta kiêng cữ cái xấu độc, muốn nói chuyện hay ho thì chuyện đánh nhau đến mức nhập viện và tử vong được quan tâm nhiều.

* Hình như có một lý do nữa cũng được nhắc đến nhiều là người Việt hiện nay dễ nổi nóng hơn. Ông có nghĩ người Việt hiện nay nóng nảy và xấu xí hơn không, thưa ông?

– Có người đặt vấn đề có phải người Việt hiện nay hung hăng hơn, dễ nổi nóng hơn? Thực ra là một bộ phận chứ không phải tất cả. Thế nhưng, bộ phận này có xu hướng cái gì cũng quá khích, uống rượu cũng quá khích, ép người ta uống cho đến mức say bất tỉnh nhân sự

Ông không say lấy đó làm thích thú vì mình đã hơn được ông say, thắng được người ta vì mình không say. Hay du nhập những gì mới lạ của nước ngoài, như du nhập những ngày lễ của phương tây về rất nhanh nhưng không chọn lọc, nhiều cái thành ra kệch cỡm. 

Phải nhìn gốc rễ của vấn đề là ngày nay nhiều thứ giả lên ngôi, thật thật giả giả không rõ ràng, từ bằng cấp học vị đến lối sống, có người bằng cấp đầy mình và nắm các chức vụ cao, hay nói những lời đạo đức nhưng thực tế lại dùng bằng giả. 

Rồi từng gia đình, cha mẹ có là tấm gương cho con hay chưa, thầy cô là tấm gương cho trò hay chưa…?

* Nếu muốn thay đổi những điều thật thật giả giả này, muốn tết yên lành, lễ hội văn minh, theo ông cần thay đổi điều gì?

– Trước hết mỗi người Việt cần triệt để thay đổi theo hướng tôn trọng cá nhân và quyền con người, thứ nữa là giải quyết được các vấn đề còn khúc mắc như an sinh xã hội, giải quyết các mâu thuẫn, vấn đề giáo dục ngay từ gia đình.

Và có lẽ cần có thêm nhiều sự kiện như sự kiện U23 giành vị trí á quân ở giải bóng đá U23 Châu Á vừa rồi, thì các “vết thương” ấy mới nguôi ngoai dần.