25/01/2025

15 lời dạy con cực thấm của nhà tư tưởng vĩ đại Nhật

Fukuzawa Yukichi (1835-1901) là nhà tư tưởng vĩ đại của Nhật Bản thời cận đại. Những tư tưởng của ông ảnh hưởng to lớn và sâu sắc, làm thay đổi nước Nhật thời kỳ này, thậm chí kéo dài đến tận ngày nay.

 

15 lời dạy con cực thấm của nhà tư tưởng vĩ đại Nhật

 

Fukuzawa Yukichi (1835-1901) là nhà tư tưởng vĩ đại của Nhật Bản thời cận đại. Những tư tưởng của ông ảnh hưởng to lớn và sâu sắc, làm thay đổi nước Nhật thời kỳ này, thậm chí kéo dài đến tận ngày nay.

15 lời dạy con cực thấm của nhà tư tưởng vĩ đại Nhật - Ảnh 1.

Nhà tư tưởng Fukuzawa Yukichi – Ảnh: Japan Times

Có thể kể những tác phẩm tiêu biểu của ông như Gakumon no susume (đã được dịch sang tiếng Việt với nhan đề Khuyến học), Fukuo Jiden (đã được dịch sang tiếng Việt với nhan đề Phúc Ông tự truyện), Bunmeiron no gairyaku (Khái lược văn minh luận)… 

Ngoài những tác phẩm đồ sộ, có tầm ảnh hưởng không nhỏ đến tư tưởng của người Nhật kể trên, Fukuzawa Yukichi còn có những luận thuyết ngắn bàn về phẩm cách, thói quen, lối sống của con người trong xã hội. 

Đặc biệt để dạy hai con trai, ông đã viết Hibi no oshie - Những lời dạy thường ngày, với những răn dạy vô cùng thấm thía không chỉ ở thời đại ông mà cho tới tận ngày nay.

Dưới đây là một số lời dạy của ông dành cho con: 

1. Khi đọc sách, chúng ta thường quên mất phần đầu được viết trong sách. Cũng như gánh nước bằng cái thùng không đáy, có gánh bao nhiêu cũng không thể lấy được nước, nhất định phải tổng kết lại sau khi đọc sách. Nếu không, chúng ta sẽ quên mất những gì được viết ở đoạn đầu. 

Nếu chỉ tự hài lòng mình đã đọc xong một quyển sách mà quên mất nội dung ban đầu thì chẳng học hỏi được gì. Phải lưu ý điều này.

2. Không được làm những việc hung ác như giết côn trùng, làm đau đớn những con vật. Khi làm những việc như vậy, chúng ta sẽ đánh mất trái tim tử tế đối với con người và làm những việc tàn ác hơn. Phải cực kỳ kiềm chế.

3. Cho dù là trẻ con đi nữa, cũng không thể là trẻ con mãi được. Phải trưởng thành, phải trở thành người lớn. Vì vậy, ngay từ nhỏ, không được ỷ lại, không trông chờ vào người khác chừng nào tốt chừng nấy. 

Tự mình đánh răng, rửa mặt, tự mình mặc quần áo, mang tất… Ngoài ra, những việc gì mình có thể làm thì nên để ý tự mình làm. Tiếng Anh gọi việc này là “independent”. “Independent” có nghĩa là “độc lập”. Độc lập là tự mình tự lập, không trông cậy vào người khác.

15 lời dạy con cực thấm của nhà tư tưởng vĩ đại Nhật - Ảnh 2.

Trẻ em Nhật được cha mẹ dạy tự lập từ nhỏ – Ảnh: The Telegraph

4. Trái tim con người, cũng như khuôn mặt, mỗi người mỗi khác nhau. Có người mặt tròn, có người mặt dài. Không có mặt người nào giống người nào. Và trái tim cũng y hệt như vậy. Không có trái tim người nào giống người nào cả. 

Có người tính tình nóng nảy, có người kiên nhẫn. Có người trầm tính, cũng có người ồn ào. Vì vậy, không được nhìn vào hành vi của người khác rồi vì không thích điều đó mà trở nên tức giận. Hãy cố gắng kiềm chế. Quan trọng là sống chan hòa với nhau.

5. Người không nhìn thấy được, không nghe được, ta gọi là người khuyết tật. Các con may mắn sinh ra không bị khuyết tật. Nhưng khuyết tật không chỉ ở mắt, tai, còn có người bị khuyết tật tâm hồn. 

Nghe giảng đạo lý mà không hiểu thì không bằng người điếc, nhìn sách mà không đọc thì chẳng bằng người mù. Những khuyết tật như mắt không nhìn thấy được, tai không nghe thấy được thì không gì đáng xấu hổ. Chính khuyết tật tâm hồn mới thật sự đáng xấu hổ.

6. Dù bằng vải bông hay vải gì đi nữa, mặc các loại áo quần rẻ tiền không có gì đáng xấu hổ. Nhưng quần áo dính vết bẩn, tay chân lấm lem, không sạch sẽ mới đáng xấu hổ. Từ nhỏ, phải biết chú ý ăn ở sạch sẽ, vệ sinh, rửa tay chân, không làm bẩn quần áo.

7. Con người phải có dũng khí. Dũng khí là sự mạnh mẽ. Dũng khí là thái độ, tinh thần không sợ hãi trước sự vật. Cho dù là chuyện gì đi nữa, chuyện gì bản thân đã quyết, nhất định không được bỏ cuộc. Có gian khổ cũng phải vượt qua để hoàn thành mục tiêu. 

Ví dụ, không phải vì không thể đọc qua một lần mà nhớ hết nên ta vứt bỏ việc đọc sách. Phải tỏ rõ sự mạnh mẽ ở đây. Đọc một lần, hai lần, mười lần, hai mươi lần, đọc cho đến khi thấm nhuần. Quan trọng là nỗ lực bằng tinh thần, trái tim mạnh mẽ.

8. Trên đời, không người nào tuyệt vời bằng cha mẹ. Không người nào tử tế với ta như cha mẹ. Cha mẹ mạnh khỏe, sống lâu là mong ước của con cái, nhưng không thể biết trước được. Hôm nay cha mẹ còn sống nhưng biết đâu nay mai cha mẹ sẽ ra đi. 

Chuyện sống chết của cha mẹ nằm trong tay thần linh. Thần linh tạo ra cha mẹ và thần linh cho cha mẹ sống, có khi bắt cha mẹ chết. Vạn vật trong trời đất là do thần linh sáng tạo ra. Vì vậy, từ nhỏ, hãy biết ơn thần linh và làm theo lời răn dạy của thần linh.

9. Hằng ngày chúng ta ăn ba bữa cơm, tối đi ngủ, sáng thức dậy. Ngày nào cũng như ngày nấy […] Vốn dĩ việc ăn uống, ngủ nghê thì ngựa, lợn, con gì cũng có thể làm được. Đã sinh ra làm người, lẽ nào chúng ta chỉ trải qua ngày tháng như những con vật, con ngựa, con lợn mà được sao? Vậy thì đáng khinh biết bao. 

Một khi đã sinh ra làm người trong thế giới này, chúng ta phải làm những thứ mà chim chóc, muông thú không làm được. Phải thể hiện sự khác biệt đối với động vật. Sự khác biệt đó là thấm nhuần đạo lý, không lạc lối trước những ham muốn trước mắt, viết chữ, đọc sách, hiểu biết thế giới rộng lớn, biết phân biệt sự khác nhau giữa thế giới xưa và nay. 

Chúng ta có thể giao tiếp với mọi người trong xã hội, với tư cách một thành viên của xã hội, không làm những gì xấu hổ với lương tâm. Chính vì làm được những điều này mà con người khác với con vật và được gọi là linh trưởng của vạn vật là vậy.

10. Nếu bị thương ở tay, chân, ta có thể chăm sóc, xức thuốc, chữa trị là khỏi. Nếu là vết thương nhỏ thì không để lại thẹo. 

Con người vốn là sinh vật không nói dối. Cũng là sinh vật không trộm cắp. Vì vậy, chỉ một lần nói dối, một lần trộm cắp sẽ trở thành vết thương trong tâm hồn. 

Vết thương trong tâm hồn đáng sợ hơn vết thương ở tay chân. Bởi không thể chữa vết thương đó bằng thuốc hay miếng dán, và nó sẽ trở thành vết thương cả đời người. Vì vậy, ta phải cẩn thận, không để tâm hồn bị thương.

11. Trẻ con luôn muốn được người khác thương yêu. Khi tiếp xúc với người ngoài xã hội, đương nhiên phải ngoan ngoãn, ôn hòa nhưng ngay cả khi ở nhà mình cũng phải như vậy. Khi nhờ ai đó làm giúp việc gì, không được nói trống không. 

Ví dụ, khi muốn uống nước, thay vì “cho cốc nước”, nếu biết nói “cho con xin cốc nước” thì hẳn người được nhờ sẽ vui vẻ lấy nước cho ta uống. Bất kỳ việc gì cũng vậy, phải luôn chú ý lời ăn tiếng nói, không được xấc xược.

15 lời dạy con cực thấm của nhà tư tưởng vĩ đại Nhật - Ảnh 3.

Fukuzawa Yukichi đặc biệt nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đọc sách – Ảnh: Japan Times

12. Ngày xưa, người làm công việc khó thì được tôn kính, người làm công việc dễ thì bị xem thường. Có thể nói việc đọc sách và suy nghĩ về sự vật, làm những việc có ích cho xã hội là công việc khó. Trở thành người được tôn kính hay người bị xem thường tùy vào độ khó, dễ của công việc. 

Khi xưa, những người có địa vị như các đại danh, công gia, võ sĩ… cưỡi ngựa, cầm kiếm, bề ngoài trông rất phong độ nhưng bên trong lại trống rỗng. 

Sách không đọc, những lý luận khó không hiểu, cứ để ngày tháng trôi qua. Nhìn những người như vậy, không cần phải tôn trọng hay e ngại địa vị của họ. Những người này chỉ có tiền của và thóc gạo từ cha ông để lại nên trông hào nhoáng như thế nhưng cũng như người phu kéo xe mà thôi.

13. Trông người mà ngẫm đến ta. Cho dù không thiếu thốn cơm ăn áo mặc nhưng nếu tâm hồn nghèo nàn, trái tim xấu xa, không đọc sách, không học hành thì dù có mặc những bộ kimono lộng lẫy bao nhiêu đi nữa, sống trong ngôi nhà rộng lớn thế nào đi nữa cũng sẽ bị mọi người xung quanh xem thường như người hành khất mà thôi.

14. […] Nếu gieo lúa mạch, cây lúa mạch sẽ mọc lên, nếu gieo hạt đậu, cây đậu sẽ mọc lên; thuyền gỗ thì nổi, thuyền đất thì chìm […] Vì vậy, bây giờ, nếu con làm điều tốt, sẽ có kết quả tốt đẹp; nếu làm điều xấu, điều xấu sẽ đến […] Làm việc xấu chắc chắn sẽ lãnh hậu quả xấu. Tường nhà có tai, cửa nhà có mắt. Làm việc xấu mà đòi trốn tội được sao? Nhất định không thể nào trốn tránh tội lỗi được đâu.

15. Một khi đã sinh ra làm người, phải làm những việc có ích cho xã hội. Người nông dân trồng lúa, thợ mộc dựng nhà, thương nhân bán hàng, thầy thuốc chữa bệnh, học giả dạy đạo lý, nâng cao kiến thức cho mọi người, viên chức điều hành chính trị làm cho cuộc sống trong xã hội tốt đẹp lên… 

Mỗi người có vai trò của mình. Công việc nào cũng không thể thiếu trong xã hội. Chỉ cần làm việc có ích cho xã hội, người đó sẽ được báo đáp. Và cũng có thể sống đời tốt đẹp. 

Vậy mà có người chỉ cần có tiền là được, không buồn suy nghĩ tốt, xấu cho xã hội, chỉ thỏa mãn lòng tham của mình. Người kiếm tiền bằng trò cờ bạc, bán những vật vô dụng cho người khác, hay lừa gạt phụ nữ trẻ em để kiếm tiền, làm những việc xấu xa mà chẳng thấy xấu hổ. 

Những người như vậy thật sự nhiều. Những việc như vậy không chỉ làm phiền người khác, tham lam, chỉ biết đến lợi ích bản thân, không có ích cho xã hội mà ngược lại, gây tai họa cho người khác, ảnh hưởng đến kinh tế đất nước và lúc đó, bản thân cũng gánh chịu tổn hại.

—————-—————-

Trích Phụ lục II - Khái lược văn minh luận của Fukuzawa Yukichi do Nguyễn Đỗ An Nhiên dịch, Nhà xuất bản thế giới và Công ty Sách Omega Việt Nam xuất bản 2018.