29/12/2024

Sau chuyến thiện nguyện: cho đi và nhận lại rất nhiều

Với nhiều bạn trẻ, những chuyến đi thiện nguyện ngày càng lan tỏa – nhất là vào dịp Tết đến, xuân về – bởi sự thôi thúc muốn được sẻ chia nhiều hơn cho những phận đời còn lắm khó khăn.

Sau chuyến thiện nguyện: cho đi và nhận lại rất nhiều

Với nhiều bạn trẻ, những chuyến đi thiện nguyện ngày càng lan tỏa – nhất là vào dịp Tết đến, xuân về – bởi sự thôi thúc muốn được sẻ chia nhiều hơn cho những phận đời còn lắm khó khăn.


 
 
 
 

Sau chuyến thiện nguyện: cho đi và nhận lại rất nhiều - Ảnh 1.

Phạm Tấn Phát (thứ hai từ trái sang) và các tình nguyện viên đang gói bánh chưng tặng bà con nghèo ở Cam Lâm (Khánh Hoà) – Ảnh do nhân vật cung cấp

Chị Tô Thị Thanh Huyền (ban điều hành nhóm G9 Vì nụ cười trẻ em):

Mang nụ cười đi xa

Sau chuyến thiện nguyện: cho đi và nhận lại rất nhiều - Ảnh 2.

Như thông lệ, năm nào cũng vậy, nhóm chúng tôi lại vận động mọi người cùng chung tay để tổ chức chương trình “Xuân biên giới, Tết biển đảo”. Đây là lần thứ 6 chúng tôi lên đường đến với bà con vùng biên giới hay những nơi hải đảo xa xôi. Nơi đấy cần lắm những bàn tay chia sẻ đế góp chút sắc xuân đến những vùng quê còn nhiều khó khăn.

Ngoài những phần quà gửi trao đến bà con vùng biên viễn, năm nay chúng tôi đã đến với bà con bị thiệt hại do bão lũ tại huyện Vạn Ninh (tỉnh Khánh Hoà), chỉ mong được chia sẻ phần nào với bà con với mong muốn ai cũng sẽ có cái Tết vui tươi, đủ đầy.

 

Gia đình tôi ngoài Bắc cũng còn nhiều khó khăn, thế nên tôi hiểu và thông cảm với khó khăn của người nghèo, người vô gia cư. Khi nhóm có thể có khả năng giúp thì tôi cũng muốn đóng góp chút công sức nhỏ bé. Tôi hiểu được khó khăn cũng khiến người ta mủi lòng khi xuân về. Chút quà xuân của nhóm gửi trao cũng mong lòng ai cũng ấm áp, hạnh phúc khi Tết cận kề.

Nhóm chúng tôi còn có những người “em nuôi” là những học sinh ở vùng biên giới được tiếp sức trong học tập và như thế, không chỉ Tết đến xuân về chúng tôi mới tổ chức chương trình tình nguyện mà hầu như trong năm chúng tôi thường xuyên lên đường. 

Nhóm chúng tôi, nhiều bạn đã đi làm do vậy sẽ phải tranh thủ những ngày nghỉ để tham gia hoạt động, thậm chí có bạn vừa ra ca trực đêm đã khoác balô lên và đi. Lần nào đi về cảm giác đầu tiên luôn là: Mình lại mang được nụ cười đi xa rồi, tiếp theo sẽ là suy nghĩ mình sẽ phải làm gì tiếp đây?

 Phạm Tấn Phát (sinh viên năm 3, chủ nhiệm CLB tình nguyện Ánh Dương):

Cảm nhận giá trị cuộc sống

Sau chuyến thiện nguyện: cho đi và nhận lại rất nhiều - Ảnh 3.

Tôi và hơn 100 bạn tình nguyện viên vừa có chuyến đi 5 ngày về Cam Lâm (Khánh Hoà) làm chương trình “Xuân nghĩa tình” cho các em nhỏ và người dân khó khăn, người già neo đơn ở đây. 

Sau lần tổ chức trung thu, đây là lần thứ 2 chúng tôi quay trở lại nơi này. Chính ánh mắt và nụ cười của những em ở mảnh đất nghèo khó ấy ám ảnh, thôi thúc chúng tôi trở lại.

Chúng tôi gói bánh chưng, bánh tét, cùng tổ chức đêm văn nghệ xuân yêu thương, phát những phần quà là bánh kẹo, tập vở… đến các em nhỏ. Chúng tôi cũng tặng quà Tết đến hộ dân khó khăn và đến tận nhà nấu bữa cơm yêu thương tặng 10 cụ đều đã hơn 70 tuổi, đa số các cụ phải sống neo đơn.

Chuyến đi này để lại trong tôi rất nhiều cảm xúc. Tôi vẫn nhớ hôm diễn ra đêm văn nghệ, con đường đất tối om không có điện, các gia đình ở trên núi vẫn cầm đèn pin rọi để dẫn con, cháu xuống tham gia. Rồi lúc đến nấu ăn ở nhà 10 cụ già neo đơn, họ nghèo đến nỗi trong bếp không có nồi, không có gia vị… 

Những hình ảnh ấy làm tôi rưng rưng và thương vô cùng. Lúc chia tay trở về, có nhiều bà con khóc và nói mong mọi người sẽ quay trở lại.

Đi rồi tôi mới thấy rất nhiều mảnh đời khó khăn, có rất nhiều hoàn cảnh đáng thương. Dù chỉ giúp được họ một phần rất nhỏ, nhưng nhìn nụ cười của họ tôi lại có thêm động lực. 

Sau những chuyến đi như vậy, tôi cảm nhận được giá trị của cuộc sống, thấy mình vẫn còn may mắn hơn rất nhiều người: có một gia đình yêu thương, được đến trường, tương lai cũng không mịt mờ như rất nhiều em nhỏ mà tôi và các bạn đã đến thăm. 

Từ đó, tôi biết trân quý cuộc sống của mình, trân quý tình cảm của gia đình. Tôi cũng thay đổi về tính cách, chững chạc hơn và biết yêu thương, chia sẻ nhiều hơn.

Bạn Triệu Võ Trung Tính (sinh viên năm 1, quê Hậu Giang): 

Đồng cảm với phận đời cơ nhỡ

Sau chuyến thiện nguyện: cho đi và nhận lại rất nhiều - Ảnh 4.

Cuối năm lớp 10, vì hoàn cảnh gia đình quá khó khăn, tôi phải lên Sài Gòn kiếm sống. Vì biến cố nên tôi không có tiền, phải lang thang ngủ vỉa hè hơn nửa năm trời, sau đó mới được một cô quen cho về ở nhờ để đi làm. 

Tôi rất thấm thía những đêm mùa đông gió cứ thốc mạnh trong khi mình không có cái áo khoác nào, những lúc mình bị bệnh nhưng không có thuốc để uống… 

Nhớ lại những ngày tháng ấy, tôi thấy đồng cảm với những phận đời lang thang cơ nhỡ, những hoàn cảnh khó khăn và thấy thôi thúc phải làm điều gì đó.

Tôi đã cùng những người bạn tổ chức nhiều lần đi phát quà đêm cho người vô gia cư trên các tuyến đường ở Sài Gòn. Dự định ngày 28 và 29 âm lịch này, tôi và các bạn sẽ gói bánh chưng và tặng bánh chưng cho người vô gia cư để họ được thấy ấm lòng trong những ngày Tết đến.

Bạn Nguyễn Thị Trúc Cẩm (nhân viên văn phòng, Q.Phú Nhuận, TP.HCM):

Có nhiều cách chia sẻ yêu thương

cdi 4
 

Dù gia đình không khá giả, tôi thấy mình còn may mắn và hạnh phúc hơn rất nhiều người. Vì có những người, niềm hạnh phúc chỉ là có một chỗ ngủ đủ ấm áp để chợp mắt, có một bữa cơm để ăn cho no bụng…

Do đó, tôi tự nói với mình phải biết yêu thương, chia sẻ nhiều hơn. Tôi nghĩ không cần phải giàu có mà chỉ cần mình muốn thì đều có thể chia sẻ yêu thương đến những hoàn cảnh kém may mắn hơn mình bằng nhiều cách.

Lúc còn là sinh viên, không có tiền thì tôi bỏ chút thời gian để cùng các bạn đi bán hàng gây quỹ, đi xin ve chai, đi bán báo… để làm chương trình. Sau này đi làm, các chương trình của trường tôi vẫn về tham gia chung và cùng đi về những vùng đất còn khó khăn.

Khi có các chương trình, tôi nói bạn bè, đồng nghiệp mình cùng đóng góp tham gia. Mỗi người cùng chung tay một ít thì sẽ mang được nhiều niềm vui đến những người cần được hỗ trợ.

Bạn TRẦN LẠI NGỌC TUYỀN (thành viên CLB tình nguyện Ngàn Hạc Giấy, tham gia tổ chức chương trình Góp nắng xuân 2018):

Đi và nhận lại rất nhiều

cdi 5
 

Trên khắp mọi nẻo đường đất nước vẫn còn đó những mảnh đời cơ cực, khó khăn. Mỗi độ xuân về Tết đến, mong ước của họ cơ bản cũng là ba ngày Tết được sum họp bên gia đình, được ấm êm, no đủ. Nhưng dường như điều ấy rất khó khăn và khó có thể trở thành hiện thực.

Thao thức về những điều đó, trong hai ngày 27 và 28-1 vừa qua, tôi cùng các thành viên trong CLB tình nguyện Ngàn Hạc Giấy đã quyết tâm thực hiện chương trình “Góp nắng xuân 2018” đến với đồng bào Tây Nguyên – một trong những vùng còn nhiều người nghèo khó. Nơi chúng tôi tới là xã Đăk Ang (huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum), để tặng 430 phần quà Tết, làm tủ và kệ sách cho một ngôi trường, tặng quà cho học sinh ở đó.

Trong chuyến đi ấy, 45 trái tim thiện nguyện đã được trải nghiệm thực tế hoàn cảnh sống khó khăn của đồng bào nơi đây. Có lẽ, chỉ có bước chân rời khỏi vỏ bọc cô độc, mở lòng ra với tất cả và cháy hết mình trong những chuyến đi thiện nguyện, tôi và các bạn của mình mới có cơ hội học được nhiều cách để trân trọng và yêu thương cuộc sống này hơn.

Từ chương trình cũng giúp chúng tôi nhận ra: “Yêu thương là cho đi không cần nhận lại”.

À, mà thực ra chúng tôi đã nhận lại rất nhiều đó chứ, đó là nụ cười của đồng bào, em nhỏ ở xã nghèo chúng tôi đến – khi trao họ món quà, cùng chơi với nhau thân thiết như đã quen từ lâu lắm…

Tấn Khôi ghi

KIM ANH – MINH PHƯỢNG ghi