Trữ nước cho ĐBSCL
ĐBSCL đang phải tính đến chiến lược trữ nước mùa lũ.
Trữ nước cho ĐBSCL
ĐBSCL đang phải tính đến chiến lược trữ nước mùa lũ.
Cánh đồng ngập nước mùa lũ ở vùng Tứ giác Long Xuyên, An Giang ẢNH: ĐÌNH TUYỂN
Chiến lược này sẽ khởi đầu bằng việc tìm những mô hình kinh tế dựa vào mùa lũ, vừa phát triển bền vững, thuận với tự nhiên vừa mang lại thu nhập tốt, ổn định cho nông dân.
Khôi phục “túi nước” khổng lồ
Mới đây, dự án có tên “Thí điểm mô hình sinh kế dựa vào nước lũ nhằm hỗ trợ chiến lược trữ nước cho ĐBSCL” đã được triển khai tại Đồng Tháp, An Giang, Long An, với kỳ vọng khôi phục những “túi trữ nước” khổng lồ cho ĐBSCL. Dự án có trị giá hơn nửa triệu USD, do Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên thế giới (IUCN) triển khai, nhằm hỗ trợ nông dân phát triển các mô hình kinh tế nông nghiệp dựa vào mùa lũ, giảm diện tích lúa vụ 3 vốn kém hiệu quả.
Theo các chuyên gia, 20 năm qua, việc đắp đê bao trồng lúa vụ 3 đã khiến ĐBSCL thất thoát hơn 4,6 tỉ m3 nước; 110.000 ha đất ngập lũ vùng Tứ giác Long Xuyên đã thành vùng “khô ráo” để trồng lúa; khoảng 45.000 ha đất ngập lũ ở Đồng Tháp cũng rơi vào cảnh tương tự. Vì vậy, việc tìm những mô hình vừa hiệu quả vừa có khả năng khôi phục lại vùng ngập lũ ở ĐBSCL là rất đáng kỳ vọng.
PGS-TS Dương Văn Ni, Khoa Môi trường và Tài nguyên thiên nhiên Trường ĐH Cần Thơ, cố vấn kỹ thuật dự án, cho biết hiện có một số mô hình kinh tế của người dân được chọn vào dự án để hỗ trợ cũng như theo dõi, xem xét nhân rộng gồm: lúa – sen, sen – cá, sen – du lịch – cá, lúa nổi – thuỷ sản… Các nông dân tham gia sẽ được tập huấn để triển khai.
Theo ông Andrew Wyatt, cán bộ quản lý Chương trình IUCN vùng ĐBSCL, hiện ở 3 tỉnh đầu nguồn của ĐBSCL đã có những mô hình tận dụng tốt mùa lũ, lợi nhuận gấp 3 lần so với làm lúa vụ 3. Mục tiêu lâu dài của dự án là nhân rộng các mô hình tốt ra toàn ĐBSCL thông qua quy hoạch sử dụng đất, nguồn nước và chiến lược trữ nước cho ĐBSCL của Bộ TN-MT. Trước mắt, khoảng 450 ha được chọn làm các mô hình sinh kế thí điểm, dự kiến sẽ giúp bảo tồn và phục hồi khả năng hấp thu lũ khoảng 6,7 triệu m3 nước mỗi năm.
Mô hình sen – cá – du lịch ở H.Tháp Mười, Đồng Tháp
|
Hướng đi không thể khác
Ông Trần Văn Kịch (ngụ ấp 1, xã Mỹ Hoà, H.Tháp Mười, Đồng Tháp), một trong những hộ dân được chọn làm mô hình điểm, dẫn chúng tôi đi thăm đầm sen rộng 4,3 ha kết hợp với nuôi cá lóc, trê, rô đồng. Ông cho biết đã làm mô hình này gần 10 năm nay vì “khỏe hơn trồng lúa, sen có thất mùa thì con cá vớt lại”. Tuy nhiên, nỗi lo giá cả thiếu ổn định vẫn thường trực. “Có lúc giá sen lên đến 70.000 đồng/kg nhưng có lúc chỉ còn 4.000 đồng/kg, chưa kể bị thương lái ép tới lui vì sen không để lâu được. Chỉ cần giá sen ổn định khoảng 14.000 đồng/kg thì dân xứ này trồng sen hết. Giá đó là cầm chắc lãi ngon hơn trồng lúa”, ông Kịch nói.
Ông Nguyễn Chí Thiện, Phó giám đốc Sở NN-PTNT Long An, cũng nhìn nhận: “Vấn đề bao năm nay là thị trường. Từng có những dự án làm trình diễn rất hiệu quả, nhưng khi hết dự án người dân không nhân rộng được”. Theo TS Đặng Kim Khôi, Viện Nghiên cứu chính sách Bộ NN-PTNT, chuyện đầu ra không thể giải quyết từng mô hình thậm chí là địa phương, doanh nghiệp mà phải là vai trò dẫn dắt từ các bộ, ngành T.Ư. “Đã có sản phẩm chủ lực quốc gia, sản phẩm chủ lực địa phương, ở từng sản phẩm không thể trông chờ vào người dân, doanh nghiệp mà phải là vai trò của nhà nước trong vai trò kiến tạo”, TS Khôi nói.
Chuyển hướng sản xuất từ lúa vụ 3 sang mô hình khác tuy khó nhưng theo Th.S Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia độc lập về sinh thái Mê Kông, đây là lựa chọn “không thể khác” và có thể mất 10 – 20 năm. Điều quan trọng là dự án phù hợp với Nghị quyết 120 của Chính phủ ban hành tháng 11.2017 về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu. “Nhân rộng các mô hình khôi phục vùng ngập lũ sẽ không dễ dàng, nhưng là bước khởi đầu rất ý nghĩa để thay đổi từ tư duy tăng gia sản xuất sang làm kinh tế nông nghiệp. Tức là sản xuất nông nghiệp bền vững, không can thiệp thô bạo vào tự nhiên, có tính lời, lỗ, tác động tới môi trường”, ông Thiện nói.
450 ha mô hình nông nghiệp “trữ lũ”
Tại H.Tháp Mười (Đồng Tháp), dự án chuyển 150 ha hiện đang trồng lúa sang mô hình canh tác sen – cá, sen – cá – du lịch… Tại H.Tân Hưng (Long An), 150 ha ở vùng đệm thuộc Khu bảo tồn đất ngập nước Láng Sen được chọn để làm thí điểm các mô hình canh tác sen khác nhau. Sen – du lịch sinh thái sẽ trở thành loại hình sinh kế chủ chốt ở khu vực này và một lựa chọn khác là mô hình vườn rau nổi.
Tại H.Tri Tôn (An Giang), 150 ha khu vực trồng lúa mùa nổi do Tổ chức GIZ thực hiện đã giảm còn 50 ha trong đợt hạn mặn năm 2016. Trên cơ sở kinh nghiệm của GIZ, 150 ha trên sẽ được chọn để phát triển hệ thống canh tác kết hợp lúa mùa nổi và thuỷ sản, vườn rau nổi.
|