Cần chính sách xuất khẩu mới cho thị trường Mỹ
Văn phòng Chính phủ vừa có công văn nêu ý kiến của Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ ngành nghiên cứu, đánh giá tác động của luật cải cách thuế mới của Mỹ đối với VN.
Cần chính sách xuất khẩu mới cho thị trường Mỹ
Văn phòng Chính phủ vừa có công văn nêu ý kiến của Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ ngành nghiên cứu, đánh giá tác động của luật cải cách thuế mới của Mỹ đối với VN.
Doanh nghiệp thép VN đang gặp nhiều bất lợi ở thị trường Mỹ ẢNH: NGỌC THẮNG
Theo đó, Thủ tướng yêu cầu liên bộ Tài chính – Công thương phối hợp với Bộ KH-ĐT nghiên cứu nhằm có phản ứng kịp thời, báo cáo Chính phủ trước ngày 1.3 năm nay. Đặc biệt, Thủ tướng yêu cầu các bộ rà soát các sản phẩm của VN xuất khẩu sang Mỹ, nhất là các sản phẩm có hàm lượng nguyên liệu, linh kiện nhập khẩu từ Trung Quốc để có cảnh báo, khuyến nghị các doanh nghiệp (DN) khi Mỹ áp dụng thuế chống bán phá giá đối với sản phẩm này.
Gây bất lợi cho quốc gia xuất khẩu
Chính sách cải cách thuế mới của Mỹ tập trung giảm thuế cho các DN sản xuất tại Mỹ. Cụ thể, thuế thu nhập DN giảm từ 35% xuống 21% và lợi nhuận sau này của các công ty Mỹ thu được từ hoạt động kinh doanh ở nước ngoài phần lớn sẽ không bị đánh thuế hoặc đánh cao nhất ở mức 10,5%.
Chuyên gia kinh tế tài chính, TS Nguyễn Trí Hiếu nhận định, chính sách thuế của Mỹ trước mắt có thể chưa ảnh hưởng trực tiếp đến kinh tế VN, mà ảnh hưởng đến Trung Quốc nhiều hơn, do Mỹ áp thuế chống bán phá giá nhiều mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc. “Việc giảm thuế thu nhập DN từ 35% xuống 21% là cực lợi cho các công ty Mỹ. Họ có thể dùng nguồn tài chính này để tăng vốn chủ sở hữu, tăng lương cho người lao động, tăng cổ tức. Khi mức lợi nhuận tốt hơn, việc chi tiêu trong nước Mỹ sẽ tăng, nhu cầu nhập khẩu hàng hóa từ các quốc gia khác sẽ tăng cao, trong đó có VN. Song có thể nói chính sách của Tổng thống Mỹ Donald Trump là khá “khó chịu” và khó đoán. Xu hướng vẫn là “siết” hàng hoá nhập khẩu, ưu tiên chính sách “nước Mỹ trước tiên” trong đó tập trung cho DN sản xuất trong nước, hạn chế tối đa nhập khẩu, tăng cường xuất khẩu… Và như vậy, sẽ có một số chính sách mới kèm theo cho công cuộc cải cách thuế, gây bất lợi cho các quốc gia xuất khẩu hàng sang Mỹ”, TS Hiếu phân tích.
Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cũng cho rằng, hiện Mỹ đang đánh thuế các mặt hàng của Trung Quốc. Song mặt hàng thép VN cũng được Mỹ gom vào “rổ” thép xuất xứ từ Trung Quốc và đánh thuế luôn. Đây là điều gây bất lợi cho xuất khẩu thép Việt. Ông Doanh khuyến nghị: “VN phải khiếu nại và nếu cần là kiện ra Tổ chức Thương mại thế giới liên quan đến việc áp thuế này. Bởi với chính sách giảm nhập siêu, áp thuế chống bán phá giá đối với hàng hóa nhập khẩu vào Mỹ, trong tương lai, không loại trừ nhiều mặt hàng của VN xuất sang Mỹ sẽ bị ảnh hưởng. Tuỳ theo mức họ đánh thuế, xuất khẩu của VN sang thị trường Mỹ chắc chắn sẽ giảm đi”.
Cơ hội cho hàng có thương hiệu
Không chỉ có thép, nguy cơ một số mặt hàng xuất khẩu sử dụng nguyên liệu từ Trung Quốc sẽ bị ảnh hưởng. Chuyên gia Lê Đăng Doanh cho rằng, VN cần chuẩn bị những mặt hàng thay thế nếu bị áp thuế cho một số mặt hàng đang chiếm kim ngạch xuất khẩu lớn vào thị trường này. “Mỹ chiếm 22% kim ngạch xuất khẩu VN ra nước ngoài. Thế nên, nếu việc áp thuế của Mỹ tiếp tục mở rộng, xuất khẩu của VN sẽ bị ảnh hưởng lớn, sẽ giảm là điều chắc chắn. Việc xử lý tranh chấp thương mại, nếu có, không phải diễn ra ngày một ngày hai, hiệu quả hay không thì cũng ảnh hưởng đến xuất khẩu của DN trong nước. Thế nên, chủ động đối phó bằng mở rộng thị trường, mở rộng mặt hàng xuất khẩu có thương hiệu là cần thiết”, ông
Doanh nhấn mạnh.
Từ Mỹ, chuyên gia tư vấn chiến lược Robert Trần cho rằng, cơ bản luật mới đều có cái hay là thúc đẩy thương mại phát triển. Và đây là cơ hội đưa các sản phẩm mới của VN vào Mỹ. Dẫn chứng một số mặt hàng có thương hiệu Việt mới được thị trường Mỹ chấp nhận như sữa, quả vú sữa… ông nói, DN Việt có thể thành lập công ty tại Mỹ, thâm nhập thị trường một cách bài bản, đưa hàng có thương hiệu vào thị trường này và giảm xuất thô. “Bởi các mặt hàng xuất khẩu VN nếu minh bạch về nguồn gốc nguyên liệu và được đưa vào thị trường này một cách chuyên nghiệp, bài bản, vẫn là ưu tiên hơn so với các thị trường vốn mang tiếng có gian lận trong sản xuất. Mỹ tuy bảo vệ sản xuất nội địa, nhưng sản xuất nội địa Mỹ không thể cung cấp đủ nhu cầu hàng hoá cho cả quốc gia. Rất nhiều cơ hội đưa hàng vào Mỹ vẫn còn bị bỏ ngỏ. Việc nhà xuất khẩu tham khảo ý kiến từ các đơn vị tư vấn thị trường trung gian để có chiến lược đưa hàng vào Mỹ một cách “chặt chẽ” là điều rất cần thiết”, ông Robert Trần nhấn mạnh.