29/11/2024

Tết sẻ chia cho thầy, trò vùng bão lũ: Nặm Păm còn lắm nỗi lo

Vùng đất Nặm Păm (huyện Mường La, tỉnh Sơn La), nơi tang thương trong cơn lũ dữ vào tháng 8-2017, giờ đây đang hồi sinh với hàng trăm ngôi nhà tái định cư mới. Tuy nhiên, bà con vẫn còn nhiều nỗi lo, nhất là khi cái tết đang đến gần.

 

Tết sẻ chia cho thầy, trò vùng bão lũ: Nặm Păm còn lắm nỗi lo

 Vùng đất Nặm Păm (huyện Mường La, tỉnh Sơn La), nơi tang thương trong cơn lũ dữ vào tháng 8-2017, giờ đây đang hồi sinh với hàng trăm ngôi nhà tái định cư mới. Tuy nhiên, bà con vẫn còn nhiều nỗi lo, nhất là khi cái tết đang đến gần.





 
Tết sẻ chia cho thầy, trò vùng bão lũ: Nặm Păm còn lắm nỗi lo - Ảnh 1.

Người dân Nặm Păm dựng nhà mới ở khu tái định cư – Ảnh: Hà Thanh

 

Chuẩn bị tết lo lắm, tiền không có, ruộng không có. Mình lo không có gạo nếp để gói bánh chưng đón tết

Chị Hoàng Thị Quân

Đêm ngày 2, rạng sáng 3-8-2017 là dấu mốc mà không người dân nào ở Nặm Păm có thể quên được. Tháng 8-2017, rốn lũ Nặm Păm là nơi tang thương nhất Mường La. Đi dọc từ bản Hua Nặm đến Huổi Liếng, bản Hốc, tiếp đến là bản Bâu, bản Piệng, bản Ít, lên cao nữa là bản Huổi Hốc, Huổi Sói, đâu đâu cũng trơ đá tảng, đá sỏi, có nơi trắng vành khăn tang.

Nhưng từ chính nơi tang thương đó, đồng bào cả nước đã đồng lòng hướng về, chung tay cứu trợ, hỗ trợ bà con Nặm Păm đứng lên làm lại từ đầu.

Vực dậy từ nơi tang thương

 

Trong cơn lũ, riêng tại bản Hua Nặm có 36 hộ bị cuốn trôi nhà cửa, 8 hộ bị nhà sập đổ và hư hỏng nặng, 71 hộ nằm trong vùng nguy hiểm. Sau lũ, chính quyền đã bố trí tái định cư cho bà con với 115 nền nhà, 2 nền nhà văn hoá và nhà lớp học. 

Chị Hoàng Thị Quân (22 tuổi, thôn Hua Nặm) xúc động nói: “Trước khi lũ về, ở đây chỉ toàn sông suối thôi, chính quyền lấp đất lên cao để cho chúng tôi ở. Nếu không có đất ở, dân chẳng biết tết này sống ở đâu nữa”.

Ở điểm tái định cư Huổi Liếng cách bản cũ khoảng 1,7km, gia đình chị Tòng Thị Hoa (39 tuổi) không còn nhìn thấy khung cảnh tang thương trước đây. Ba tháng trước, gia đình chị Hoa cùng với 36 hộ dân có nhà bị lũ cuốn trôi, sập đổ ở bản Huổi Liếng được bố trí tái định cư ở chỗ mới. Tại nơi này, máy ủi, máy xúc đang ngày đêm làm việc để sớm xây dựng đường giao thông cho bà con dễ dàng đi lại.

Còn với 79 hộ dân bản Hốc và Huổi Hốc, nơi tái định cư mới nằm đối diện trụ sở trung tâm xã Nặm Păm đã có nước, có điện kéo về tận nhà. Có nhà mới, họ bắt đầu lập lại cuộc sống với con bò, con dê, làm chiếc chổi chít mang ra chợ bán hay trồng cây xoài, cây nhãn mà Nhà nước hỗ trợ.

Lên nơi tái định cư, bà con bản Hốc phải tập quen ở với nhà mới xây nền ximăng, mái tôn, nhưng trong hồi ức của họ vẫn nhớ về nếp nhà sàn người Thái xưa. 

Ông Lù Văn Lả (48 tuổi) nghẹn giọng: “Nhớ nhà lắm, cha ông từ xưa đến giờ ở nhà sàn quen rồi, ở nhà này không quen. Năm nay không biết ăn tết sao, có tí sắn thì lũ cuốn mất rồi. Nhà nước cho một con bò, mình mạnh dạn vay thêm 10 triệu đồng nữa mua thêm một con bò. Mấy bận bò ốm, mình khóc suốt à, nhưng giờ nó khỏe rồi. Mình phải làm lại, quen với cuộc sống thôi”.

Tết sẻ chia cho thầy, trò vùng bão lũ: Nặm Păm còn lắm nỗi lo - Ảnh 3.

Chưa có điện trẻ em phải dùng đèn pin, đèn dầu để học bài – Ảnh: HÀ THANH

Mong có điện, có gạo nếp đón tết

Khó khăn trước mắt của đồng bào Nặm Păm là ở một số điểm tái định cư mới chưa có điện, nước sạch chưa đến được với từng hộ dân. 18h, chúng tôi có mặt ở điểm tái định cư bản Huổi Liếng. Chỉ một số ít ngôi nhà có bóng đèn điện thắp sáng, còn lại cả bản chìm trong đêm đen đặc quánh.

Có vài nhóm người tụ họp với nhau sau bữa cơm tối, ngồi quây quần đốt đống củi xua tan cái lạnh miền sơn cước. Trong nhà, đám trẻ con chung nhau ngọn nến, ngọn đèn dầu hay chiếc đèn pin để học bài.

Em Lò Văn Dũng (học sinh lớp 9) là “anh cả” của đám nhỏ bản Huổi Liếng mới. Dũng kể từ ngày chuyển về nơi ở mới, đám trẻ ở bản phải đi học rất vất vả. “Đi bộ từ 5h sáng mới kịp tới trường, ngày mưa đi lại khó khăn hơn, chúng em phải mang thêm đôi ủng hoặc đi chân đất. 

Ở nhà chưa có điện, mấy cây nến Nhà nước cho đã hết rồi, em phải xin dầu của các chú bên công trình để làm đèn dầu học bài, thỉnh thoảng dùng đèn pin soi” – cậu bé 15 tuổi bày tỏ.

Lũ đã qua, tết đang cận kề, bà con Nặm Păm cũng háo hức mong đón một cái tết ấm cúng bên gia đình. Ước mong duy nhất của chị Tòng Thị Hoa lúc này là có điện về trước tết để “xem được tivi chúc mừng năm mới, xem được bạn bè khó khăn, cũng gặp nạn như mình bây giờ thế nào, xem Nhà nước mình thế nào…”.

Ông Nguyễn Thành Công, bí thư Huyện ủy Mường La, cho biết chính quyền đang chuẩn bị điều kiện tốt nhất cho bà con đón tết vui tươi, đầm ấm, đảm bảo phần gạo nếp cho bà con nấu bánh chưng, đảm bảo nhu yếu phẩm cần thiết. Thời gian tới, có lộ trình hỗ trợ cho mỗi hộ con bò, dê và trồng cây ngắn ngày, đến tháng 9-2018 – vào đúng dịp khai giảng – mọi sinh hoạt của dân sẽ ổn định hơn.

Mời bạn đọc tham gia sẻ chia

Chương trình “Tết sẻ chia cho thầy, trò vùng bão lũ” dự kiến trao 4.800 phần quà tổng trị giá 2,4 tỉ đồng (mỗi phần quà 500.000 đồng) cho người dân bị thiệt hại do bão lũ trong năm 2017.

Mời bạn đọc cùng tham gia chương trình, có thể ủng hộ trực tiếp tại tòa soạn (60A Hoàng Văn Thụ, P.9, Q.Phú Nhuận, TP.HCM) hoặc tại các văn phòng đại diện của báo Tuổi Trẻ trên cả nước.

Hoặc chuyển qua tài khoản báo Tuổi Trẻ số 113000006100, Ngân hàng Công thương chi nhánh 3 TP.HCM; chủ tài khoản: báo Tuổi Trẻ. Tài khoản USD: 007.137.0195.845. Tài khoản EUR: 007.114.0373.054. Swift code: BFTVVNVX007. Nội dung ủng hộ chương trình “Tết sẻ chia cho thầy, trò vùng bão lũ”.

BÁO TUỔI TRẺ

HÀ THANH – DƯƠNG LIỄU