10/01/2025

Kẽ hở từ những ‘thiên đường’ bán quốc tịch

Bỏ tiền mua quốc tịch mà không cần quá nhiều thủ tục phức tạp đang trở thành xu thế đầu tư của những người giàu có và cả tội phạm.

 

Kẽ hở từ những ‘thiên đường’ bán quốc tịch.

Bỏ tiền mua quốc tịch mà không cần quá nhiều thủ tục phức tạp đang trở thành xu thế đầu tư của những người giàu có và cả tội phạm.




Xu hướng mua bán quốc tịch ngày càng phổ biến  /// Reuters

Xu hướng mua bán quốc tịch ngày càng phổ biếnREUTERS.

Toàn cầu hoá mở ra cho con người nhiều cơ hội, trong đó có việc dễ dàng trở thành công dân của một quốc gia xa lạ thông qua chương trình đầu tư định cư. Theo đánh giá của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), xu hướng mua bán quốc tịch đã tăng trưởng nhanh chóng khi ngày càng nhiều người tìm kiếm “thiên đường an toàn về kinh tế và chính trị”, kèm theo những tính toán về kế hoạch bất động sản và thuế. Chương trình bán quốc tịch đổi lấy đầu tư kinh tế thực chất bắt đầu từ nhiều thập niên trước, nhưng mới nở rộ những năm gần đây. Không chỉ có các đảo quốc nhỏ mà ngay cả những nước lớn như Mỹ, Canada hay Anh cũng có chương trình này.
Đôi bên cùng có lợi

Thị trường buôn bán quốc tịch rất phong phú với nhiều mức giá khác nhau. Theo BBC, các đảo quốc vùng Caribbean nổi tiếng là thiên đường với mức đầu tư thấp, ít rủi ro, thủ tục dễ dàng và thời gian xử lý nhanh chóng. Chỉ với 100.000 USD, nhà đầu tư có thể trở thành công dân của đảo Dominica hoặc Saint Lucia. Nếu có trong tay 250.000 USD thì có thể sở hữu tấm hộ chiếu của Saint Kitts và Nevis, Antigua và Barbuda hay Grenada.

Còn sở hữu hộ chiếu của đảo quốc nhỏ nhất thế giới Saint Kitts và Nevis, nhà đầu tư được miễn thị thực nhập cảnh đến gần 130 quốc gia và vùng lãnh thổ. Tương tự, hộ chiếu Antigua và Barbuda hay Grenada cũng cho phép công dân nhập cảnh hơn 120 quốc gia mà không cần xin thị thực. Bên cạnh đó, một số đảo quốc vùng Caribbean còn tung gói ưu đãi lớn về thuế, bao gồm không đánh thuế thu nhập cá nhân và không cần khai thuế. Nếu bỏ ra số tiền lớn hơn để trở thành công dân các nước châu Âu hay Mỹ, nhà đầu tư càng có hộ chiếu “mạnh”, được định cư, nhiều cơ hội làm giàu và các chế độ phúc lợi khác.
Trong khi đó, các nước thu hút “công dân mới” qua hình thức này cũng có nhu cầu lớn. Theo tờ The Economist, nguồn đầu tư vào quốc tịch đem về những khoản doanh thu lớn cho các nước vùng Caribbean, vốn rất cần tiền mặt. Hơn một thập niên triển khai chương trình, Saint Kitts và Nevis bán được hơn 10.000 hộ chiếu với giá giao dịch 250.000 USD. Đây là số tiền không nhỏ so với quốc đảo chỉ có GDP 1 tỉ USD này. Với khoảng 2.000 suất quốc tịch bán được mỗi năm, Đại sứ Dominica tại LHQ Vince Henderson không ngần ngại gọi đây là phao cứu sinh cho hòn đảo này sau khi bị bão Erika tàn phá năm 2015. Trong năm 2017, nếu tổng ngân sách của Dominica là 340 triệu USD thì có đến 148 triệu USD từ chương trình bán quốc tịch. Một đảo quốc nhỏ khác là Antigua và Barbuda thừa nhận chương trình bán hộ chiếu giúp nền kinh tế này tránh được nguy cơ vỡ nợ. Các hòn đảo ở Thái Bình Dương cũng mở chương trình tương tự để bù vào phần tài chính công hao hụt vì thiên tai.
Không chỉ các nước nhỏ, ngành kinh doanh quốc tịch còn là món hời lớn cho các nước thuộc Liên minh Châu Âu (EU) trong những năm gần đây. Bằng chính sách cho đầu tư vào chứng khoán hoặc bất động sản để trở thành công dân, đảo Cyprus thu hút những người Nga và Trung Quốc giàu có tới đây, dựng nên hàng loạt biệt thự khắp đảo. Trong khi đó, Malta thu về mỗi suất đầu tư ít nhất 650.000 euro, vượt quá số tiền thuế thu nhập mà một công dân nước này đóng cả đời. Thậm chí như Mỹ, chương trình EB-5 cũng mang về hơn 1 tỉ USD mỗi quý cho nước này.
 
 
Về góc độ luật quốc tế, việc quyết định ai mang quốc tịch của mình là quyền của từng quốc gia. Trong một số trường hợp, vấn đề quyết định quốc tịch được điều chỉnh bởi công pháp quốc tế như người không quốc tịch. Luật quốc tịch mỗi nước có quy định riêng, tuy nhiên tình trạng một người mang hai hoặc nhiều quốc tịch có thể gây khó khăn khi có xung đột pháp luật như tranh chấp về bảo hộ ngoại giao. Trong khi đó, vấn đề mua bán quốc tịch chưa có quy định riêng trong luật quốc tế.
 

Dễ quá hóa nguy

Bên cạnh những nước đặt ra quy định nhà đầu tư phải cư trú hay trải qua quá trình xét duyệt chặt chẽ, thì rất nhiều quốc gia khác chỉ yêu cầu mua trái phiếu hoặc bất động sản, thậm chí chỉ cần gửi tiền vào tài khoản là sẽ sớm có quốc tịch trong vài tháng. Với việc mua bán hợp pháp và dễ dàng, chương trình đầu tư này đang bị xem là một lỗ hổng để tội phạm lợi dụng. Theo tờ The Economist, khách hàng của chương trình này thường là các đại gia muốn né các rào cản của tấm hộ chiếu để dễ dàng đi du lịch và đối tượng còn lại chính là những tội phạm trốn truy nã. Mặc dù theo ước tính của Hiệp hội Các tổ chức biên giới Borderpol, chỉ có khoảng 1% khách hàng là tội phạm rửa tiền hoặc chạy trốn án phạt, nhưng các chuyên gia cho rằng đây có thể là “cửa sau” cho những kẻ vi phạm pháp luật.
Theo tờ The Telegraph, nhiều trường hợp có tiền sử phạm tội vẫn có thể được cấp quyền công dân ở Bulgaria. Trong khi đó, với quy định lỏng lẻo ở các đảo quốc Caribbean, chương trình gặp rắc rối vì tội phạm. Cụ thể, hộ chiếu Saint Kitts và Nevis được tìm thấy trong túi một số nhân vật vi phạm lệnh cấm vận Iran hay nghi phạm Jho Low trong vụ bê bối tham nhũng liên quan đến Quỹ đầu tư 1MDB của Malaysia. Một trường hợp đặc biệt khác là ông chủ sòng bạc Francesco Corallo ở Ý. Ông này bị Ý buộc tội trốn thuế và hối lộ nhưng bỗng dưng trở thành đại diện thường trực của Dominica tại Tổ chức Nông lương LHQ (FAO) nhờ vào việc mua hộ chiếu ngoại giao dù khi đó đang nằm trong danh sách truy nã gắt gao của Interpol.

Bên cạnh đó, chương trình đầu tư này gây ra nhiều cuộc tranh luận ở các nước phát triển. Một số quan chức châu Âu cho rằng bán quốc tịch cho nhà đầu tư nước ngoài rõ ràng đã làm suy giảm giá trị của việc trở thành công dân EU, vì hầu hết họ không dùng ngôn ngữ của nước xin quốc tịch, cũng không chia sẻ lý tưởng và nguyên tắc của EU.

Tuy nhiên, EU không có cơ chế nào để buộc một quốc gia thành viên dừng bán quốc tịch. Ông Michele Cercone, phát ngôn viên của Cao uỷ Tư pháp, tự do và an ninh EU, khẳng định: “Các nước thành viên có chủ quyền đầy đủ để quyết định đối tượng và yêu cầu đối với công dân của họ”. Ông cũng cho biết tòa án EU ở Luxembourg đã xem xét nhiều trường hợp nhưng tất cả đều phụ thuộc vào điều kiện do mỗi nước thành viên đưa ra. Trong khi thừa nhận quyền của Malta trong việc bán quốc tịch, các chuyên gia cho rằng nước này phải tính đến nguyên tắc hợp tác chân thành trong EU. Với trường hợp cho phép nhà đầu tư ngoài khối mua quốc tịch, Malta bị cho là vi phạm nguyên tắc trên.

 

Ngọc Mai