11/01/2025

Nội tiết tố làm đẹp có an toàn?

“Tiêm nội tiết tố” đang là các từ khóa rất hot với chị em tầm trung niên. Nhưng dùng thời gian dài thì có thể liên quan đến bệnh ung thư. Chị em cũng cần nhớ: thuốc tránh thai cũng là một dạng nội tiết tố.

 

Nội tiết tố làm đẹp có an toàn?

“Tiêm nội tiết tố” đang là các từ khóa rất hot với chị em tầm trung niên. Nhưng dùng thời gian dài thì có thể liên quan đến bệnh ung thư. Chị em cũng cần nhớ: thuốc tránh thai cũng là một dạng nội tiết tố.

Cách đây 8 tháng, chị M. (36 tuổi) được xác định mắc ung thư vú thể HER 2. Điều này làm chị sốc nặng, một phần vì chị đã được xác định có khối u lành trong vú đã nhiều năm, nay đột nhiên u lành trở thành ác tính khiến chị rất phân vân về nguyên nhân…

Và trong số nhiều nguyên nhân, chị M. lo lắng nghĩ nhiều đến việc chị tiêm tế bào gốc và nội tiết tố trước khi phát hiện bệnh hơn một năm.

Có nên dùng nội tiết tố?

Tế bào gốc và nội tiết tố đang là các từ khóa rất hot với chị em tầm trung niên. Các thẩm mỹ viện xịn nhất cũng đều có dịch vụ được đặt tên là tiêm tế bào gốc, nội tiết tố để làm đẹp da, kéo dài tuổi xuân, bên cạnh các dịch vụ làm đẹp khác. Giá thành dịch vụ tiêm botox, filler xóa nếp nhăn, nâng mũi… làm đẹp khá cao.

 

Theo chị M., trước khi được phát hiện bệnh khoảng hơn một năm, chị đã tiêm tế bào gốc và nội tiết tố làm đẹp tại VN. Sau mũi ở VN, chị dự định sang Đức để tiêm tiếp, nhưng bất ngờ khoảng tháng 4-2017 khi đi khám sức khỏe thông thường, chị được thông báo là bị ung thư. “Trước khi tiêm, tôi có khối u lành ở ngực và hiện nay u lành đã chuyển sang u ác…” – chị M. kể.

Có liên quan nếu dùng thời gian dài

Theo PGS.TS Trần Văn Thuấn – giám đốc Bệnh viện K, không có mối liên quan giữa khối u lành và u ác, việc chị M. có u lành nay chuyển thành ác tính có thể là khối u ác tính đã diễn biến âm thầm từ trước và chưa được phát hiện.

Ông Thuấn cho rằng đến nay chưa có chứng minh rõ ràng việc sử dụng nội tiết tố trong thời gian ngắn với bệnh ung thư, nhưng nếu dùng thời gian dài thì đã có những thống kê cho thấy có liên quan. 

“Thuốc tránh thai cũng là một dạng nội tiết tố và các nghiên cứu cho đến nay cho thấy nếu sử dụng thuốc tránh thai trong thời gian dài trên 10 năm thì nguy cơ ung thư ở nữ giới cao gấp 1,4-1,6 lần bình thường” – ông Thuấn cho biết.

Cẩn thận thực phẩm chức năng có thể gây suy gan

Tại Hoa Kỳ, tình trạng độc gan, tổn thương gan cấp tính do dùng rộng rãi các thuốc và những sản phẩm nguồc gốc thảo mộc đang gia tăng chứng tỏ những sản phẩm thực phẩm chức năng không được đăng ký kiểm duyệt chặt chẽ như một dược phẩm dễ gây nguy cơ cho người tiêu dùng, theo nghiên cứu của các bác sĩ chuyên gia tiêu hóa và gan, Đại học Y khoa Jefferson, Hoa Kỳ.

Những thực phẩm bổ sung có thành phần và nhiều hợp chất có thể gây tổn thương gan, đặc biệt là những sản phẩm chăm sóc cơ thể và giảm cân. 

Trong nghiên cứu này, các chuyên gia đã phân tích những thành phần, xác định được hơn 340 mẫu thu thập trong một nghiên cứu từ hệ thống dữ liệu những thuốc gây tổn thương gan qua 12 năm, bao gồm khoảng 1.800 bệnh nhân từ 375 báo cáo. 

Kết quả như sau: chỉ 44% thực phẩm chức năng được phát hiện có nhãn hiệu thành phần phản ánh chính xác như trên bao bì.

Ngoài ra, nhiều sản phẩm đã được tìm thấy những độc tố gây tổn thương gan, như các steroid hoặc các dược phẩm đồng hóa. Mức độ sai nhãn hiệu là 80% đối với những sản phẩm chứa steroid, 54% đối với thực phẩm bổ sung vitamin và 48% đối với những sản phẩm nguồn gốc thực vật.

Về mục đích sử dụng sản phẩm, sai lệch nhãn hiệu đối với sản phẩm chăm sóc cơ thể là 79%, giảm cân là 72%, “tăng cường sinh lực” là 60%, sản phẩm giúp khỏe nói chung 51%.

Một nghiên cứu khác ở Ấn Độ, gồm 1.440 bệnh nhân theo dõi hơn 1 năm, cho thấy đã bị tổn thương gan do hấp thụ ayurvedic và các thực phẩm bổ sung nguồn gốc thảo mộc. Sử dụng phổ biến nhất các thực phẩm bổ sung này là để điều trị khó tiêu/bụng đầy hơi (30%) và gia tăng ngon miệng (22%). Ngoài ra, 33% những người bị ảnh hưởng sức khỏe đã từng tiêu thụ các sản phẩm nêu trên được ra toa bởi những đại lý thuốc gia truyền không đăng ký. 

Mệt mỏi, chán ăn và vàng da được phát hiện ở thời điểm khởi phát tình trạng bệnh do uống thuốc không chính thống gây ra, lên đến 96% bệnh nhân…

Ngộ độc cấp tính gây ra do dùng các thực phẩm chức năng, thảo dược dưới dạng bào chế thành viên hoàn, viên nén, dạng cao hoặc sơ chế như phơi khô, sấy khô, hoặc tươi… ít được ghi nhận chính thức tại các cơ sở y tế vì thông thường người tiêu dùng sử dụng liều thấp.

Chỉ một số ít trường hợp ngộ độc cấp và nặng vào khám tại khoa cấp cứu các bệnh viện là do dùng liều cao, độc tính rất cao trong sản phẩm hoặc dùng sai chỉ định.

Thực tế tác dụng nguy hiểm tiềm ẩn khi dùng các sản phẩm không chính thống nêu trên rất khó đo lường, chưa được báo cáo rộng rãi tại các nước đang phát triển, bao gồm tại VN.

LAN ANH – HƯNG QUÝ