28/11/2024

Ẩm thực Việt đâu chỉ có phở hay bánh mì…

Đó là lời nhận xét của nhiều người nước ngoài sau khi đến Việt Nam và tận mắt thấy được sự đa dạng của ẩm thực nơi đây. Trước đó, nói đến đồ ăn Việt Nam, họ chỉ biết phở và bánh mì.

 

Ẩm thực Việt đâu chỉ có phở hay bánh mì…

 

TTO – Đó là lời nhận xét của nhiều người nước ngoài sau khi đến Việt Nam và tận mắt thấy được sự đa dạng của ẩm thực nơi đây. Trước đó, nói đến đồ ăn Việt Nam, họ chỉ biết phở và bánh mì.

TTO – Đó là lời nhận xét của nhiều người nước ngoài sau khi đến Việt Nam và tận mắt thấy được sự đa dạng của ẩm thực nơi đây. Trước đó, nói đến đồ ăn Việt Nam, họ chỉ biết phở và bánh mì.

Ẩm thực Việt đâu chỉ có phở hay bánh mì... - Ảnh 1.

Anh Zachary Devaney thích thú nhìn bạn thưởng thức rau trong món bánh xèo và bánh căn của Việt Nam – Ảnh: DUYÊN PHAN

Tối một ngày gần cuối năm, hai chị em cô gái người Mỹ Rachael và Madeline Dickson chăm chú ngồi lắng nghe người hướng dẫn của mình giải thích các thành phần của món bún bò tại một quán ở quận 3 (TP.HCM). Cô bạn hướng dẫn nói đến đâu, cả hai trầm trồ đến đó.

Ngỡ ngàng với bắp chuối bào, rau muống chẻ

Đến đoạn giới thiệu rau ăn kèm, Madeline đã phải lên tiếng hỏi lại, giọng không giấu được vẻ ngạc nhiên “cái này thật sự là hoa của cây chuối và rau muống đó hả?” khi gắp một nhúm bắp chuối bào và rau muống chẻ cho vào tô của mình.

Với hai cô nàng lần đầu tiên đến Việt Nam này, cái gì cũng lạ lẫm, vì trước đó họ chỉ biết hai món Việt là phở và bánh mì. “Tôi thậm chí còn không biết trong bánh mì có thể có patê, và cũng chưa từng ăn nhiều nước mắm như thế này bao giờ”, Madeline cười chia sẻ.

Bún bò là một trong những “trạm dừng” của tour khám phá món ăn Việt mà nhóm bạn của Madeline tham gia. Đi cùng với hai chị em Madeline là nhóm bạn ba người cũng đến từ Mỹ. 

Trước đó, nhóm bạn này đã được trải nghiệm cảm giác đi xe máy giữa lòng Sài Gòn, được chở đi ăn bánh xèo, bánh căn và chả cuốn Phan Rang ở Phú Nhuận.

Ẩm thực Việt đâu chỉ có phở hay bánh mì... - Ảnh 2.

Anh Gaurav Ajimani và chị Miriam Guzman (Mỹ) học làm món cuốn diếp tại Vietnam Cookery Center (TP.HCM) – Ảnh: NGỌC ĐÔNG

Anh chàng Zachary Devaney, một thành viên của nhóm, hào hứng cho biết ẩm thực Việt thật sự rất khác biệt so với những gì anh biết trước kia. 

“Tôi chỉ biết đến bánh mì và phở, nhưng khi sang đây tôi rất bất ngờ vì sự đa dạng của ẩm thực nơi đây”, Zachary nói.

“Lúc ăn bánh xèo, chúng tôi được giải thích cặn kẽ từng loại rau, ăn như thế nào, vô cùng thú vị khi không những được biết rõ về những thứ mình ăn mà còn thông qua đó mở mang thêm hiểu biết về ẩm thực Việt. Tôi thích cách kết hợp nhiều hương vị trong một món ăn, như lúc ăn bánh xèo vậy, chúng tôi cuốn rất nhiều thứ, nhiều lớp với nhau”, cô bạn người Mỹ gốc Trung Quốc Jennifer Xue phụ họa.

Anh Đào Xuân Thịnh – điều hành viên của Saigon Food Tour, đơn vị tổ chức chuyến đi của nhóm Madeline – cho biết dịch vụ của anh tập trung vào những món ăn Việt Nam chưa phổ biến ở các nước khác để giới thiệu, nhằm mang đến cho du khách một cái nhìn đa dạng và cũng “thuần Việt” hơn về ẩm thực Việt Nam.

Trong khi đó, chàng trai Hàn Quốc Kim Joon Ha không chỉ có dịp thưởng thức nhiều món ăn Việt Nam sau 2 lần đến thăm đất nước này, lần thứ 3 quay trở lại đây, anh còn có cơ hội được nấu và ăn cơm cùng với một gia đình Việt Nam.

Anh chàng say sưa kể về những món mình đã ăn ở Việt Nam, từ mì Quảng, phở bò, đến gỏi cuốn, bánh mì. 

Anh còn được giải thích về ý nghĩa “xả xui” của hột vịt lộn theo quan niệm của một số người Việt. Nghe Joon Ha muốn ăn thử vịt lộn cho biết, chị chủ nhà nhiệt tình đi ngay ra chợ mua về luộc cho anh ăn.

Ẩm thực Việt đâu chỉ có phở hay bánh mì... - Ảnh 3.

Chị Madeline Dickson (thứ hai từ trái qua) và các bạn tìm hiểu về món bánh xèo và bánh căn của Việt Nam – Ảnh: DUYÊN PHAN

Tuyệt vời với canh chua

Nhiều du khách mê nấu nướng còn muốn tự tay mình thực hiện được món ăn mà mình yêu thích. Vậy là dù chỉ ở Việt Nam có mấy ngày, họ cũng tranh thủ tìm đến các lớp học nấu ăn.

Tại buổi học nấu món canh chua do M.O.M Cooking Class tổ chức, vợ chồng anh Brad và chị Nina Howell đến từ Tennessy, Mỹ chăm chú quan sát cách đầu bếp phi tỏi, làm nước cốt me, lột vỏ bạc hà để chuẩn bị cho món canh chua cá. Khi biết đây là món canh phổ biến trong bữa ăn của người miền Nam, vợ chồng anh rất thích thú. 

“Đây là một trải nghiệm cực kỳ thú vị, không chỉ học nấu ăn mà chúng tôi còn được dẫn đi chợ Việt Nam chính hiệu, được gặp gỡ mọi người” – Brad nói.

Trong khi đó, Kayla Lake, cô gái đến từ California, cho biết nơi mình sống có người Việt ở, nên từ nhỏ cô đã biết đến ẩm thực Việt và rất muốn mình có thể tự nấu được một món ăn Việt Nam. 

Tuy nhiên, khi sang đây cô mới biết nguyên liệu ẩm thực Việt phong phú đến như vậy, chỉ tính riêng các nguyên liệu dạng sợi như mì, phở, bún… đã hơn chục loại rồi.

Cùng tham gia lớp học nấu canh chua, anh Jay Park đến từ Hàn Quốc vừa chăm chú nghe hướng dẫn cách nấu, vừa không quên tranh thủ quay video lại cảnh vợ mình, chị Jaeyoung Chang, thực hành cắt cà, lặt ngò gai… Cả hai vợ chồng rất thích thú khi thấy nhiều loại rau, đặc biệt là rau thơm.

“Đây là lần đầu tiên tôi nấu món này và tôi nhận ra là dù chỉ trong một thời gian ngắn, người ta vẫn có thể làm ra được một món ăn tràn ngập hương vị thơm ngon như thế này”, anh Jay xuýt xoa.

Anh Nguyễn Đình Lê Hòa, người sáng lập M.O.M Cooking Class, cho biết ngoài việc chỉ cho khách các nguyên liệu mà người Việt Nam thường dùng, lớp học nấu ăn của anh cũng mang hơi hướng “hiện đại” khi hướng dẫn khách biến tấu một số loại nguyên liệu trong món ăn, vì ở nhiều nước khó có thể tìm được nguyên liệu như Việt Nam.

Ẩm thực chính là một trong những lý do lớn nhất khiến chúng tôi sang thăm Việt Nam. Chúng tôi rất thích các món ăn có nhiều hương vị, chúng tôi cũng rất thích các món ăn có nhiều rau, vậy nên đồ ăn Việt là lựa chọn xuất sắc

Chị MIRIAM GUZMAN (Chicago, Mỹ)

qd_pho_29-2

Đông đảo khách tham quan thưởng thức phở trong Ngày của phở tại TP.HCM chiều 12-12 – Ảnh: QUANG ĐỊNH

Ẩm thực Việt một năm nhìn lại

Năm 2017, ẩm thực Việt Nam đã có nhiều cơ hội để quảng bá ra thế giới hơn với điểm nhấn là việc thành lập Hiệp hội Văn hóa ẩm thực Việt Nam vào tháng 10.

Hiệp hội có tên tiếng Anh là Vietnam Cuisine Culture Association (VCCA) với 115 thành viên.

Hiệp hội được thành lập nhằm tôn tạo, khai thác, lưu giữ và phát triển văn hóa ẩm thực Việt Nam; thúc đẩy phát triển du lịch, quảng bá văn hóa ẩm thực Việt Nam và hình ảnh quốc gia đến bạn bè quốc tế.

Hiệp hội này cũng được kỳ vọng sẽ là bệ phóng đưa Việt Nam trở thành “bếp ăn của thế giới”.

Trong thời gian tới, hiệp hội lên kế hoạch triển lãm Ẩm thực cung đình tại Huế vào tháng 1-2018, tổ chức các lớp đào tạo, nâng cao tay nghề đối với các đầu bếp, pha chế.

Vào tháng 3, thành phố Hội An (Quảng Nam) được Hiệp hội Đầu bếp quốc tế chứng nhận là “thủ phủ ẩm thực của Việt Nam” trong khuôn khổ Liên hoan ẩm thực quốc tế lần thứ 2-2017 được tổ chức tại phố cổ Hội An.

Tháng 4-2017, Hà Nội được báo The Telegraph (Anh) xếp thứ hai trong danh sách 18 thành phố có ẩm thực hấp dẫn nhất thế giới.

Báo này gọi Hà Nội là địa điểm minh chứng cho sự cân bằng giữa vị mặn, ngọt, chua, cay trong các loại thực phẩm, đồng thời dẫn chứng các món ăn mà khách quốc tế đến thăm thành phố này nhất định phải thử gồm phở tíu (món ăn được làm từ phở và thịt heo trộn cùng với nhiều gia vị đi kèm như hành phi, tỏi khô, rau thơm, dưa leo, giá, đậu phộng giã nhỏ… và chan thêm một chút nước dùng có vị chua, ngọt), bánh mì, cà phê trứng.

Bên cạnh đó, từ ngày 8 đến 10-12, tại tổ hợp đa chức năng Hà Nội – Moskva (Incentra) đã diễn ra “Lễ hội ẩm thực đường phố Việt Nam” lần thứ 2 nhằm quảng bá nền văn hóa ẩm thực độc đáo của Việt Nam đến với người dân Nga.

Đặc biệt, ngày 12-12 vừa qua, tại nhà hàng White Palace (TP.HCM), báo Tuổi Trẻ tổ chức “Ngày của phở” và chính thức đề xuất ngày 12-12 là “Ngày của phở Việt Nam”.

V.MINH

NGỌC ĐÔNG