Ngày thành lập Quân đội nhân dân VN và ngày Quốc phòng toàn dân (22.12), những người lính đã đi qua chiến tranh thường gặp nhau ôn lại những kỷ niệm của những ngày lửa đạn.
Bất tử, giữ non sông: Đồng đội 113 người nằm lại.
Ngày thành lập Quân đội nhân dân VN và ngày Quốc phòng toàn dân (22.12), những người lính đã đi qua chiến tranh thường gặp nhau ôn lại những kỷ niệm của những ngày lửa đạn.
Trong câu chuyện của họ, luôn nhắc đến đồng đội đã ngã xuống, bất tử với non sông.
Cả đại đội Công an nhân dân vũ trang (nay là Bộ đội biên phòng) quân số 120 người, hy sinh 113 người trong ngày đầu đánh trả quân xâm lược 17.2.1979 tại Lạng Sơn và 7 người còn sống sót, đều coi cuộc sống hiện tại là do đồng đội trao gửi.
Những ngày cuối năm 2009 ở thôn Tập An Nam, xã Phổ Văn, huyện Đức Phổ (Quảng Ngãi) nắng vẫn se se lạnh. Khi chúng tôi ghé thăm, hai vợ chồng đại tá về hưu Trần Ngọc Giao đang cần mẫn với vườn đậu phộng vừa nhú mầm, trải đều từng hàng thẳng tăm tắp tơ non mơn mởn.
Trong 7 người còn sống, có Anh hùng lực lượng vũ trang Nguyễn Công Thuận, đang ở TP.Vinh (Nghệ An).
Trận đầu gạch đá
Ngôi nhà cấp 4 cũ kỹ của Anh hùng lực lượng vũ trang Nguyễn Công Thuận nằm giữa những nhà cao tầng sáng lấp lánh ở P.Hà Huy Tập, TP.Vinh (Nghệ An). Ông Thuận kể: “Nhập ngũ năm 1969, mình vào đại đội trinh sát Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Nghệ An, chiến đấu ở miền Tây Nghệ An và chiến trường Xiêng Khoảng (Lào). Tháng 10.1975 chuyển sang Công an nhân dân vũ trang (CANDVT), đến 1976 làm cán bộ tiểu đoàn 12 CANDVT đóng tại Chương Mỹ, Hà Tây (nay là Hà Nội). Năm 1977, tiểu đoàn nâng cấp lên trung đoàn thuộc Bộ Tư lệnh, mình được giao nhiệm vụ hành quân lên Lạng Sơn giải quyết tranh chấp biên giới”.
Công việc thường ngày của Anh hùng lực lượng vũ trang Nguyễn Công Thuận tại Hội Cựu chiến binh P.Hà Huy Tập, TP.Vinh, Nghệ An
Huy hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang của ông Nguyễn Công Thuận
Đại đội 3 do ông Thuận chỉ huy đóng quân tạm thời ở chân đồi 386, khu vực Hang Muối (Đồng Đăng) làm nhiệm vụ cơ động bảo vệ trục đường 4B từ Đồng Đăng lên Thất Khê. Thời điểm cuối năm 1977, phía Trung Quốc đã khơi vào sự kiện “nạn kiều”, kích động xúi giục người gốc Hoa ở VN sống yên ổn bao năm qua, tìm đường về Trung Quốc. Ngay lập tức, đơn vị ông phải tập trung vận động các gia đình người Hoa (từ dưới xuôi kéo lên) trở về nơi ở, không vượt biên trái phép, giữ gìn trật tự biên giới… Giữa năm 1978, hàng vạn người Hoa kéo về khu vực biên giới Lạng Sơn, tập trung chủ yếu ở khu vực Hữu Nghị Quan – Đồng Đăng và mắc kẹt tại đất ta sau khi phía Trung Quốc tuyên bố đóng cửa khẩu ngày 12.7.1978, yêu cầu người Hoa nhập cảnh phải có thị thực xuất cảnh của nước ta, chứng minh thư nhập cảnh của Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội. “Họ không qua được biên giới, cũng không chịu quay lại nên cứ nằm vạ vật hàng đoàn ven đường. Nhiều bữa, chúng tôi không cầm lòng phải bảo nhau san sẻ phần cơm bộ đội ít ỏi cho họ”, ông Thuận nhớ lại.
Sáng 20.8.1978, hàng trăm lính biên phòng Trung Quốc giả dạng dân thường lên chiếm ngọn đồi. Trên 70 chiến sĩ do ông Thuận chỉ huy chia làm nhiều mũi, tay không lên vận động thuyết phục. Gần ngày trời trầy trật dưới làn mưa gạch đá, bị thương gần 10 người, bộ đội ta mới tiếp cận đỉnh đồi và dùng võ thuật đẩy đuổi họ.
Sáng 25.8.1978, đại đội trưởng Nguyễn Công Thuận chỉ huy 1 mũi hỗ trợ đại đội 5 làm công tác bảo vệ các cán bộ phụ nữ tỉnh Lạng Sơn lên đồi Pò Cốc Phung (cạnh cửa khẩu Hữu Nghị) vận động người gốc Hoa. Từ điểm đứng chân, ông Thuận chứng kiến rõ ràng những tên côn đồ lao vào bao vây hành hung nhóm cán bộ phụ nữ, tấn công lực lượng chi viện của đại đội 6, đồn Hữu Nghị và giết thượng sĩ CANDVT Lê Đình Chinh.
15 giờ cùng ngày, đơn vị ông cùng đội hình trung đoàn và lực lượng địa phương được lệnh chiếm lại điểm cao, giành lại thi thể đồng đội.
Trong sự bảo vệ của đồng đội
Đã trải qua 38 năm rồi, tôi sống không vì tôi mà thay bao người đã ngã xuống trên biên giới. Nên mỗi ngày được sống, phải ý nghĩa ân tình cho xứng đáng niềm tin đồng đội gửi trao
Anh hùng lực lượng vũ trang Nguyễn Công Thuận
Giữa cuộc nói chuyện, Anh hùng lực lượng vũ trang Nguyễn Công Thuận dừng lại mở túi, lấy ra chiếc hộp thiếc đầy ắp huân, huy chương, tìm ngôi sao 5 cánh khắc chữ “Anh hùng lực lượng vũ trang” và bảo: “Danh hiệu này là của hơn 100 cán bộ chiến sĩ đại đội 3, trong đó có rất nhiều người hy sinh ngay trong ngày 17.2.1979”. Ông nhớ lại: “Cuộc chiến đấu không cân sức trong thế giằng co kéo dài. Đạn hết, anh em cũng hy sinh gần hết, 7 người bị thương chúng tôi dìu nhau xuống khe suối ẩn náu với vũ khí cuối cùng là 1 quả lựu đạn, chấp nhận cho nổ tự sát nếu địch phát hiện vây bắt”. Rồi trầm giọng: Tối 18.2.1979, cả nhóm gặp một trận địa pháo của ta ở xã Hoàng Văn Thụ (Văn Lãng, Lạng Sơn), lúc ấy tôi mới dám gục xuống bởi vết thương bị hoại tử, 6 anh em phải lấy bao tải buộc cành cây làm võng, khiêng tôi về hậu cứ trung đoàn, chuyển gấp vào Bệnh viện Bắc Sơn cấp cứu.
Thời điểm được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang, ông Thuận vẫn đang nằm điều trị tại bệnh viện và đơn vị phải nhận thay. Có người hỏi cảm nghĩ, ông nói thẳng: “Chiến công đánh chặn không cho cơ giới địch tiến vào lãnh thổ nước ta là của anh em toàn đơn vị. Nếu không có đồng đội bảo vệ, biết đâu tôi là con số hy sinh 114 của đại đội 3”.
Năm 1980, ông cùng đơn vị sang bảo vệ biên giới Bảo Lạc, Cao Bằng. Năm 1983, ông chuyển về trung đoàn bộ binh 692, sư đoàn 301 thuộc Quân khu thủ đô (nay là Bộ Tư lệnh thủ đô). Năm 1988, ông xin chuyển công tác về Quân khu 4 cho gần nhà, có điều kiện chăm sóc vợ con và trong 19 năm công tác chỉ là trợ lý kế hoạch tổng hợp, 11 năm liền đeo quân hàm thượng tá, đến năm 2007 về hưu mới được đeo hàm đại tá. Bạn bè quân ngũ của ông Thuận kể: Mỗi dịp mít tinh kỷ niệm ở cơ quan quân khu, mấy Anh hùng lực lượng vũ trang trong thời kỳ chống Mỹ được lên ngồi lễ đài, riêng anh Thuận vẫn đứng dưới đội hình cùng bộ đội.
Vợ ông Thuận là bà Nguyễn Thị Bé (66 tuổi, cựu chiến binh từng phục vụ 5 năm tại Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Nghệ An từ 1971 – 1976) kể: Vợ chồng cưới nhau năm 1976, có tới 3 mặt con nhưng ông nhất quyết không dùng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang để xin xỏ công việc cho vợ con, đề nghị tôn tạo căn nhà cấp 4 cũ kỹ, chắp vá xây cách đây gần 30 năm, như gợi ý của một số bạn bè. “Khi nghỉ hưu, ông ấy còn làm việc ở UBND P.Hà Huy Tập nhiều hơn. Ngơi tay còn ra chợ giúp tôi bán hàng rau quả”, bà Bé nói và cười hạnh phúc: “Tôi tự hào khi người đi chợ kháo nhau: Ông ấy là anh hùng bảo vệ biên giới phía bắc”. Riêng đại tá – Anh hùng lực lượng vũ trang Nguyễn Công Thuận thì nghiêm nghị: “Đã trải qua 38 năm rồi, tôi sống không vì tôi mà thay bao người đã ngã xuống trên biên giới. Nên mỗi ngày được sống, phải ý nghĩa ân tình cho xứng đáng niềm tin đồng đội gửi trao”.