Tập đoàn Cao su VN làm ăn kiểu… ‘đốt tiền’
Từ năm 2006-2011, Tập đoàn Cao su VN (VRG) và một số đơn vị thành viên đã đầu tư nhiều khoản kiểu “đốt tiền” vào các lĩnh vực ngoài ngành nghề chính và công ty “sân sau” của một số lãnh đạo tập đoàn; cụ thể họ đã đốt 8.300 tỉ đồng.
Tập đoàn Cao su VN làm ăn kiểu… ‘đốt tiền’.
Từ năm 2006-2011, Tập đoàn Cao su VN (VRG) và một số đơn vị thành viên đã đầu tư nhiều khoản kiểu “đốt tiền” vào các lĩnh vực ngoài ngành nghề chính và công ty “sân sau” của một số lãnh đạo tập đoàn; cụ thể họ đã đốt 8.300 tỉ đồng.
Ông Lê Quang Thung, nguyên chủ tịch HĐTV VRG, cùng 4 lãnh đạo, cán bộ một số đơn vị thành viên vừa bị khởi tố, đã đưa ra nhiều chủ trương, quyết định đầu tư ngoài ngành kinh doanh chính hàng ngàn tỉ đồng…
Kết luận của Thanh tra Chính phủ (TTCP), giai đoạn 2006-2011 VRG có tổng số tiền sai phạm lên đến 8.300 tỉ đồng.
Vung vãi tiền nhà nước
Tính đến tháng 12-2011, tổng số vốn VRG đầu tư ra ngoài ngành nghề kinh doanh chính khoảng 2.500 tỉ đồng. Cụ thể, VRG đã đầu tư hơn 391 tỉ vào 3 đơn vị: Công ty cổ phần đầu tư thuỷ điện VRG Phú Yên, Công ty cổ phần Ximăng FICO Tây Ninh, Tổng công ty Xây dựng miền Trung nhưng trong 5 năm liên tục (từ 2006-2011) không có lợi nhuận được chia.
Hơn 600 tỉ cũng được đem đầu tư vào 5 đơn vị: Công ty cổ phần thương mại và du lịch Cao su hơn 200 tỉ (chủ yếu là kinh doanh khách sạn Majestic- VRG tại TP Móng Cái, Quảng Ninh) nhưng chỉ năm 2008 có lợi nhuận được chia hơn 200 triệu đồng còn các năm sau đó đều lỗ.
Gần 400 tỉ còn lại đầu tư vào Công ty cổ phần Sài Gòn VRG, Công ty CP điện Việt Lào, Công ty CP thép ESSAR, Công ty CP EVN Quốc tế trong 4 năm liên tục (từ 2008-2011) đều không có lợi nhuận được chia.
VRG còn đầu tư vào Ngân hàng SHB bằng việc mua lại hơn 20 triệu cổ phần với tổng giá trị hơn 220 tỉ nhưng mua với giá cao hơn thị trường dẫn đến tăng chi phí và lãng phí vốn đầu tư hơn 18 tỉ đồng.
Công ty mẹ, công ty con cùng sai phạm
Năm 2006 VRG cho phép các đơn vị thành viên thành lập công ty đầu tư sang Campuchia. Đến năm 2012, có 16 đơn vị thành viên thực hiện đầu tư 20 dự án trồng cao su tại Campuchia với tổng mức đầu tư hơn 23.000 tỉ đồng.
Đặc biệt, mỗi đơn vị của VRG lại có suất đầu tư khác nhau, từ 103 triệu đồng/ha tới 221 triệu đồng/ha. Đáng chú ý có 4 dự án với tổng mức đầu tư hơn 4.000 tỉ đồng trồng cao su ra nước ngoài nhưng chưa được Bộ Kế hoạch – đầu tư cấp giấy chứng nhận đầu tư ra nước ngoài.
Thậm chí, Công ty CP Cao su Phú Riềng – Kratie đầu tư trồng 6.000ha cao su tại Campuchia nhưng không được cơ quan có thẩm quyền thẩm định, vi phạm các quy định của Nhà nước về đầu tư xây dựng…
Từ 2006-2010 đơn vị này trồng hơn 5.000ha cao su nhưng có đến hơn 4.000ha (chiếm gần 90%) phải thanh lý do cây bị chết hoặc không thể phát triển được dẫn đến số thiệt hại có thể lên tới gần 500 tỉ đồng.
Tương tự Công ty CP Cao su Tây Ninh, Công ty CP Cao su Phước Hoà, Công ty TNHH MTV Cao su Mang Yang, Cao su Phú Riềng, Cao su Đồng Nai… cũng vung vãi tiền đầu tư vào nhiều công ty ngoài ngành nghề kinh doanh chính nhưng thua lỗ, không được chia cổ tức hoặc nguy cơ mất vốn hoàn toàn.
Lãnh đạo lập công ty “sân sau”
VRG không chỉ đầu tư ngoài ngành thua lỗ mà còn đốt tiền vào công ty “sân sau” và gây ra những hậu quả nặng nề. Theo kết luận thanh tra, một số lãnh đạo VRG và đơn vị thành viên “góp vốn” vào Công ty CP Chế biến và xuất nhập khẩu thủy sản Đồng Tháp (DSEC) và thao túng công ty “sân sau” này.
Kể từ khi thành lập vào năm 2007 đến năm 2012, DSEC liên tục lỗ. Tuy nhiên Công ty tài chính TNHH MTV Cao su VN vẫn cho DSEC vay tiền bằng những hợp đồng vay, hồ sơ thế chấp và bảo lãnh không đủ căn cứ pháp lý. DSEC kinh doanh không hiệu quả, nhiều khoản vay sử dụng sai mục đích gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 144 tỉ đồng và dư nợ phải trả lên đến trên 253 tỉ đồng.
Trách nhiệm Bộ NN&PTNT đến đâu?
Riêng năm 2016, VRG đã thoái vốn tại 24 đơn vị ngoài ngành kinh doanh chính. Trong đó, Thủ tướng Chính phủ đã cho phép VRG thoái vốn của tập đoàn tại 5 công ty thủy điện gồm Công ty cổ phần Thủy điện Geruco Sông Côn, Công ty cổ phần VRG Bảo Lộc, Công ty cổ phần VRG Đắk Nông, Công ty cổ phần VRG Phú Yên và Công ty cổ phần VRG Ngọc Linh.
Thời điểm đó Thủ tướng cũng yêu cầu việc thoái vốn phải kèm theo điều kiện giải toả nghĩa vụ bảo lãnh của tập đoàn, chuyển nghĩa vụ trả nợ của tập đoàn sang các công ty thuỷ điện.
Theo một quan chức của Bộ NN&PTNT, các hoạt động đầu tư ngoài ngành của VRG gồm thủy điện, bất động sản, tài chính… Một trong những hạng mục đầu tư ngoài ngành thua lỗ của VRG là Công ty tài chính TNHH MTV Cao su VN. Thời điểm cuối năm 2015, Công ty tài chính Cao su có vốn điều lệ gần 1.100 tỉ đồng, nhưng lỗ lũy kế lên đến trên 1.700 tỉ đồng.
Trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 13-12, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn cho biết ngày 14-12, Thủ tướng sẽ có cuộc làm việc với bộ này về vấn đề của VRG, nhưng chủ đề cụ thể là về tiến trình cổ phần hoá tập đoàn này.
Ông Tuấn cũng cho hay bộ đang đợi báo cáo cuối cùng của VRG về các dự án thua lỗ, hiện trạng đầu tư ngoài ngành… Theo ông Tuấn, các hạng mục đầu tư thua lỗ của ngành cao su chủ yếu ở giai đoạn trước 2010.
Trả lời câu hỏi sai phạm kéo dài và để quá lâu không xử lý có phải là trách nhiệm của bộ? Ông Tuấn cho rằng Bộ NN&PTNT đã đề nghị và xử lý trong phạm vi của bộ, còn trách nhiệm khởi tố hay bắt giam là quyết định của cơ quan điều tra.
Tôi đang chờ báo cáo từ tập đoàn, nhưng theo tôi được biết thì các cá nhân, tổ chức liên quan đã khắc phục được một phần các khoản thua lỗ.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn