29/11/2024

Đề thi ‘mở’, nên mở đến đâu?

Cũng là dạng đề thi mở, nhưng đề yêu cầu học sinh hoá thân vào vai ca sĩ Chi Pu, hoặc nêu ý kiến về đề xuất cải tiến tiếng Việt… gây băn khoăn.

 

Đề thi ‘mở’, nên mở đến đâu?

 

Cũng là dạng đề thi mở, nhưng đề yêu cầu học sinh hoá thân vào vai ca sĩ Chi Pu, hoặc nêu ý kiến về đề xuất cải tiến tiếng Việt… gây băn khoăn.

 

 

Đề thi mở, nên mở đến đâu? - Ảnh 1.

Một tiết học theo hướng đổi mới ở Trường THCS Trần Văn O7n, Q.1, TP.HCM – Ảnh: H.HG.

Thời gian gần đây nhiều trường trung học đã tích cực đổi mới cách ra đề theo hướng “mở” trong những đợt kiểm tra một tiết, kiểm tra cuối học kỳ… Nhưng không phải cứ “mở” là hay.

Nhiều đề “mở” thiếu định hướng

Mới đây, đề văn kiểm tra cuối học kỳ 1 cho học sinh lớp 10 của Trường THPT Hạ Hòa (Phú Thọ) có câu hỏi về ca sĩ Chi Pu (chiếm 7/10 điểm của đề):

“Tháng 10 vừa rồi, Chi Pu tung MV Từ hôm nay đánh dấu chuyển mình trở thành ca sĩ. Ngay lập tức, cô vấp phải nhiều tranh cãi trên mạng xã hội… Mặc cho dư luận “ném đá”, giọng ca Từ hôm nay cho biết cô không bị ảnh hưởng nhiều bởi điều này… 

 

 

Hãy hóa thân vào Chi Pu, viết một bài văn tự sự có sử dụng yếu tố biểu cảm, kể về một ngày của mình sau khi ra mắt MV Từ hôm nay”.

H.Nam, học sinh Trường THPT Nguyễn Du, Q.10 (TP.HCM), nhận xét về đề văn này: “Em nghĩ đa số học sinh sẽ thích đề thi trên vì tính “mở”, tụi em sẽ được “chém gió” thoải mái, không phải gò theo một bài học lý thuyết nào. Thậm chí có bạn sẽ đạt điểm cao vì hiểu rành rẽ Chi Pu. Nhưng với em thì đề này sẽ rất khó khăn, bởi em ít quan tâm ca sĩ này…”.

Theo ông Trương Minh Đức – giáo viên môn văn Trường THPT Lê Quý Đôn (Q.3, TP.HCM), cách ra đề như trên rất có thể làm cho học sinh hiểu lầm, rằng các em phải chịu khó đọc những chuyện lùm xùm liên quan đến giới showbiz, để có tư liệu làm bài. Như vậy là không ổn.

Ông Đức cho biết đề thi “mở” là tốt, nhưng một đề thi phải đạt đủ các yếu tố: không chỉ kiểm tra trình độ, năng lực của học sinh mà phải định hướng nhận thức, định hướng thẩm mỹ và giáo dục cho các em. Nhiều đề thi “mở” hiện nay chưa đạt được yêu cầu ấy. 

Ví dụ, Trường THPT chuyên Nguyễn Huệ (Hà Nội) đưa câu hỏi có nội dung liên quan việc đề xuất cải tiến tiếng Việt của PGS.TS Bùi Hiền vào đề thi cuối học kỳ 1 dành cho học sinh lớp 12.

“Đề thi yêu cầu học sinh phải viết về một vấn đề mà chính xã hội – những người lớn, còn đang tranh luận, chưa ngã ngũ là không phù hợp với đối tượng. Học trò lớp 12 liệu có đủ trình độ, sự hiểu biết, chuyên môn để thẩm định, đánh giá về đề xuất của PGS.TS Bùi Hiền? 

Như vậy, nội dung đề thi cũng phải phù hợp với tâm sinh lý lứa tuổi của học sinh thì mới đạt được mục tiêu giáo dục các em” – ông Đức nói.

Cần tập huấn việc ra đề “mở”

Năm 2016, dư luận cũng xôn xao về đề thi kiểm tra cuối học kỳ môn vật lý lớp 10 của Trường THPT Nguyễn Hữu Thọ, Q.4, TP.HCM. 

Theo đó, câu 5 của đề kiểm tra có nội dung: “Trong tập 1 bộ phim Hậu duệ của mặt trời, cảnh đại úy Yoo Shi Jin hất điện thoại trên tay bác sĩ Kang Mo Yeon thật ấn tượng. Giả sử chiếc điện thoại nặng 150g, được đại uý ném thẳng đứng lên cao với vận tốc 18 km/h từ vị trí cách mặt đất 1,5m. Chọn gốc thế năng ở mặt đất.

a. Tính động năng, thế năng, cơ năng của điện thoại ở vị trí ném.

b. Tính độ cao cực đại mà điện thoại lên đến.

c. Ở độ cao nào, có thế năng bằng một nửa động năng? Tính vận tốc lúc đó”.

Nhiều giáo viên ở TP.HCM đã nhận định về đề này: đưa cảnh phim vào đề thi có phần khiên cưỡng, không tạo ra tình huống gắn bó cho nội dung các câu hỏi sau đó. 

Riêng về nhiệm vụ giáo dục, định hướng lối sống cho học sinh thì đề thi đã gây tác dụng ngược. Cảnh hất điện thoại trong bộ phim trên sẽ giáo dục được gì cho học sinh? 

Đề thi cho rằng cảnh phim “thật ấn tượng”, đã ấn tượng thì rất có thể học sinh sẽ học theo, làm theo. Thử tưởng tượng, nếu ở ngoài đời, học sinh hất điện thoại của người không quen biết như phim, hậu quả sẽ như thế nào?…

Một cán bộ Sở GD-ĐT TP.HCM cho biết: “Trong quá trình đổi mới phương pháp giảng dạy và phương pháp kiểm tra, đánh giá, giáo viên không thể tránh khỏi những sơ suất, “tai nạn”… 

Đối tượng thụ hưởng những đổi mới này đương nhiên là học sinh. Thế nên, người ra đề phải rất thận trọng. Đề “mở” thường đưa vào những ngữ liệu mang tính thời sự. Nhưng vấn đề thời sự ấy phải mang tính phổ quát và định hướng được giá trị sống nền tảng, tốt đẹp cho học sinh. 

Như đưa câu chuyện Chi Pu vào đề thi, làm sao học sinh hiểu tường tận về hoàn cảnh, hậu trường của sự kiện liên quan đến ca sĩ này?”.

Làm thế nào để giảm bớt những “tai nạn” trong quá trình ra đề “mở”? Ông Trương Minh Đức đề xuất: “Giáo viên cần được tập huấn, định hướng và rút kinh nghiệm trong những cuộc họp chuyên môn. Bên cạnh đó cũng cần xét đến quy trình làm đề kiểm tra ở các trường: cần dân chủ và có tính phản biện hơn”.

Ngữ liệu vào đề “mở” phải được chọn lọc kỹ 

 

“Việc đổi mới hình thức kiểm tra, đánh giá là cần thiết, và Sở GD-ĐT TP.HCM khuyến khích các trường, giáo viên biên soạn nội dung câu hỏi gắn liền với thực tiễn, gần gũi với đời sống, tăng cường khả năng vận dụng của học sinh vào thực tế… Tuy nhiên, khi đưa các vấn đề đang được học sinh quan tâm vào làm ngữ liệu của đề kiểm tra hay đề thi phải được chọn lọc, gần gũi với cuộc sống hằng ngày của đại đa số người dân, có tính định hướng giáo dục cho học sinh”.

Ông Nguyễn Văn Hiếu (phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM)

 

 

“Mở”, nhưng phải trong khuôn khổ nhất định 

 

“Đề “mở” là tốt, nhưng nếu có “mở” cũng phải nằm trong khuôn khổ nhất định. Trước hết, bản thân người giáo viên phải có khả năng lựa chọn ngữ liệu để đưa vào đề thi. Ngữ liệu thường đạt các tiêu chí: thời sự, “hot”, được nhiều học sinh quan tâm…, nhưng phải cân nhắc: nội dung đó liệu có rơi vào trường hợp thí sinh làm bài tốt, điểm cao là do có quan tâm đến vấn đề, đọc nhiều tư liệu về vấn đề đó, chứ không phải do là người có suy nghĩ độc lập, lập luận rõ ràng? Tôi cho rằng yếu tố quan trọng của đề thi “mở” là đáp án cũng phải “mở”, có định hướng vấn đề rõ ràng chứ không mù mờ, dễ gây nhầm lẫn. Đặc biệt, đề thi “mở” cần định hướng phát triển nhân cách cho học sinh”.

Nguyễn Phước Bảo Khôi (giảng viên khoa ngữ văn Trường ĐH Sư phạm TP.HCM)

 

HOÀNG HƯƠNG