Tham gia hội đồng trường – cơ hội của sinh viên
Chia sẻ với Tuổi Trẻ về việc sinh viên tham gia hội đồng trường, giáo sư Dan Wessner, Đại học Future Generations và hiện là giảng viên tình nguyện của Đại học Nam Cần Thơ, nói: đó là cơ hội.
Tham gia hội đồng trường – cơ hội của sinh viên.
Chia sẻ với Tuổi Trẻ về việc sinh viên tham gia hội đồng trường, giáo sư Dan Wessner, Đại học Future Generations và hiện là giảng viên tình nguyện của Đại học Nam Cần Thơ, nói: đó là cơ hội.
“Tham gia hội đồng trường có thể giúp sinh viên vun đắp cho mình các phẩm chất để trở thành nhà lãnh đạo thực sự. Kỹ năng lãnh đạo được đánh giá rất cao trong thị trường lao động và mang lại cho các bạn sinh viên lợi thế cạnh tranh tuyệt vời bên cạnh thành tích học tập
Ông MICHAEL MCLEAN
Nói đúng nguyện vọng của sinh viên
Ở Mỹ, mô hình phổ biến là có đại diện sinh viên tham gia trong ban giám đốc (tương tự hội đồng trường) nhưng không bỏ phiếu. Người này là đại diện do sinh viên bầu ra, có thể là chủ tịch hội sinh viên.
Mục đích của trường đại học là để phục vụ việc học tập và trưởng thành của sinh viên, nên lẽ tự nhiên là tiếng nói của sinh viên rất có giá trị.
Những trải nghiệm của họ về cuộc sống ở trường đại học sẽ khác với đội ngũ giảng viên, cán bộ công nhân viên và ban tuyển sinh.
Chúng ta hãy trả lời câu hỏi: “Ai là người tốt nhất để lên tiếng về vấn đề ký túc xá sinh viên, những vấn đề quan ngại liên quan đến giới tính và tình dục, vấn đề an ninh, an toàn trong trường, việc uống rượu bia, nhậu nhẹt của sinh viên, các hoạt động của hội nhóm sinh viên và những niềm vui, đam mê trong học tập của sinh viên” thì các bạn sẽ có ngay câu trả lời liệu sinh viên có nên tham gia hội đồng trường hay không.
Tính thực chất của việc có đại diện sinh viên tham gia hội đồng trường là quan trọng nhất. Sẽ là vô nghĩa và thậm chí còn gây tổn hại nếu mời sinh viên tham gia nhưng không tôn trọng ý kiến của họ.
Về phía sinh viên, sự tham gia cũng cần xuất phát từ nguyện vọng muốn đại diện cho tiếng nói của sinh viên.
Thực tế có những sinh viên thực sự muốn hoạt động trong hội đồng trường. Những người này sẽ tự sắp xếp thời gian, công việc để tham gia hội đồng trường với thái độ của một người trưởng thành, chính trực.
Tâm huyết của họ thể hiện ở thời gian và sự hiện diện để góp phần xây dựng trường đại học của mình thành một nơi ngày một tốt hơn.
Tiếng nói thuyết phục từ đại diện sinh viên
Có rất nhiều ví dụ về những vấn đề mà đại diện sinh viên có thể lên tiếng một cách thuyết phục. Sẽ rất quý giá nếu hội đồng trường lắng nghe sinh viên về các khía cạnh như:
– Ký túc xá sinh viên và vấn đề chỗ ăn ở
– Tấn công mạ lị trên mạng xã hội
– Tiếp cận với những nguồn tài nguyên về học thuật và chuyên gia tư vấn
– Đảm bảo an toàn với giới và tình dục trong trường
– Rượu bia có trách nhiệm
– Đi lại
– Môi trường và biến đổi khí hậu
– Những vấn đề của các nhóm thiểu số (màu da, dân tộc và xu hướng tính dục khác biệt)
– Các hoạt động hội nhóm
– Nguyện vọng học tập
Ở Mỹ, nhiều phong trào của sinh viên đã nhận được sự ủng hộ rộng rãi trong xã hội như phong trào Black Lives matters (đấu tranh đòi đối xử bình đẳng với sinh viên người da màu), Take Back the Night (chống lại bạo lực tình dục, bạo lực gia đình, bạo lực trong các mối quan hệ) và phong trào Divestiture (lên tiếng về những vấn đề cụ thể như phản đối tình trạng ô nhiễm bởi công nghiệp hoá dầu, phản đối công ty đứng sau việc sử dụng chất độc hóa học ở Việt Nam trong thời kỳ chiến tranh, chống sử dụng lao động trẻ em trong ngành dệt may…).
Hội sinh viên sẽ có cơ chế riêng để thu thập và xử lý các mối quan tâm của sinh viên trên cơ sở đảm bảo tính chính trực. Sinh viên cũng cần quan tâm đến tổ chức đại diện cho mình và hội đồng trường thì nên lắng nghe sinh viên.
Giáo sư DAN WESSNER (người Mỹ)
Ông Michael McLean (người Canada, giảng viên tiếng Anh):
Đại diện sinh viên cần có tố chất lãnh đạo
Ông Michael McLean – Ảnh: NVCC
Ở Canada, hầu như tất cả các trường đại học đều có hội sinh viên và hội tổ chức rất nhiều hoạt động cho sinh viên.
Sự có mặt của hội là cần thiết để đại diện cho tiếng nói của sinh viên.
Chúng tôi – những giảng viên – cũng cần biết sinh viên của mình nghĩ gì về những điều đang xảy ra và có các điều chỉnh về việc giảng dạy, và lớn hơn là góp ý để tạo ra những điều chỉnh trong lĩnh vực giáo dục.
Vì vậy, tôi cho rằng sự tham gia của đại diện sinh viên do hội sinh viên lựa chọn trong hội đồng trường là cần thiết và hi vọng sự tham gia này có hiệu quả.
Để tham gia có hiệu quả vào hội đồng trường, người đại diện sinh viên cần thể hiện khả năng lãnh đạo, biết lắng nghe và mạnh dạn phát biểu trước đám đông, quyết đoán và có khả năng xem xét vấn đề từ nhiều góc nhìn.
Người đại diện sinh viên ở hội đồng trường phải là người biết thương lượng và thoả hiệp trong trường hợp những đề xuất đại diện cho sinh viên vấp phải những ý kiến trái chiều, và cư xử đúng mực, văn minh trong trường hợp những yêu cầu của sinh viên do mình đại diện vấp phải sự thờ ơ của các thành viên khác trong hội đồng trường.
Khi sinh viên biết tiếng nói của mình quan trọng và đến được với những người có trách nhiệm bên ngoài không gian lớp học, họ sẽ có thêm động lực tiếp tục cố gắng tạo ra những thay đổi tích cực.