Nâng chất tư vấn học đường ở trường THCS

Trăn trở trước sự quan tâm chưa đúng mức, thầy Nguyễn Trương Quý Trọng (Trường THCS Hoàng Quốc Việt, Q.7, TP.HCM) đã thực hiện công trình nghiên cứu về sự cần thiết của việc xây dựng và đưa hoạt động tư vấn học đường vào các trường THCS.

 

Nâng chất tư vấn học đường ở trường THCS.

 

Trăn trở trước sự quan tâm chưa đúng mức, thầy Nguyễn Trương Quý Trọng (Trường THCS Hoàng Quốc Việt, Q.7, TP.HCM) đã thực hiện công trình nghiên cứu về sự cần thiết của việc xây dựng và đưa hoạt động tư vấn học đường vào các trường THCS.


Nâng chất tư vấn học đường  ở trường THCS - Ảnh 1.

Thầy Nguyễn Trương Quý Trọng trong một tiết dạy công nghệ tại trường – Ảnh: P.NGUYỄN

Công trình này đã nhận được nhiều lượt bình chọn nhất trong chương trình “Tri thức trẻ vì giáo dục” 2017.

Gỡ rối tâm lý cho học sinh

Công trình nói trên xuất phát từ một lần đọc báo, thầy Trọng nhận thấy hoạt động tư vấn học đường ở các nước tiên tiến rất được chú trọng. 

Không chỉ tư vấn về tâm lý, mà còn tư vấn hướng nghiệp, giáo dục giới tính, phương pháp học tập, các mối quan hệ trong trường học, ứng xử ngoài đời…

Bên cạnh đó, ngoài việc là giáo viên công nghệ, thầy Trọng từng đảm nhiệm vai trò giáo viên chủ nhiệm nên càng thấu hiểu tầm quan trọng của tư vấn học đường. 

 

 

Khi đó, nhà trường thường phân cho thầy các lớp “gai góc” nhất. Có năm thầy chủ nhiệm một lớp 7 mà có đến 4-5 học sinh thường xuyên nghỉ học.

“Các em nghỉ học vì mê game. Tôi cứ ra tiệm net là tìm được các em, ra thường đến nỗi mấy ông chủ quán nhớ mặt tôi luôn” – thầy Trọng kể.

Những ngày ấy, thầy Trọng đến nhà từng học sinh này để vận động các em về lớp, rồi phối hợp với phụ huynh chăm sóc, quản lý các em chặt chẽ từ lớp học tới nhà.

Qua những lần theo sát học sinh như vậy, thầy Trọng nhận thấy vai trò quan trọng của tư vấn học đường với học sinh. 

“Các em THCS tuổi còn quá nhỏ, chỉ cần gia đình, nhà trường lơi lỏng một chút là sẩy chân ngay. Vì thế, nhà trường cần phải có những thầy cô chuyên gỡ các nút thắt tâm lý của lứa tuổi này một cách nhanh chóng, cụ thể” – thầy Trọng nói.

Thực tế hiện nay đa số các trường không có giáo viên chuyên về tư vấn học đường, không có biên chế cho hoạt động này, vì thế ban giám hiệu thường nhờ các thầy cô có kinh nghiệm “choàng gánh”. 

Trong khi đó các thầy cô này hầu hết là giáo viên đứng lớp, điều này đôi khi lại trở thành rào cản khiến học sinh ngại ngần, không dám tìm đến tư vấn. 

Ngoài ra, đa số giáo viên tư vấn thường lấy kinh nghiệm cá nhân để giải quyết tình huống tâm lý của học sinh, hầu như không qua đào tạo chuyên môn, nên hoạt động tư vấn học đường không chuyên nghiệp, với những ca khó việc xử lý vô cùng vất vả…

“Kinh nghiệm có thể đúng trong trường hợp này nhưng lại sai trong trường hợp kia, vì đó chỉ là ý kiến cá nhân. Trong hoạt động tư vấn tâm lý, không thể lấy ý kiến cá nhân của mình để áp đặt lên học sinh. 

Ví dụ, chuyện yêu đương ở lứa tuổi học trò là có, mình không khuyến khích, không cấm đoán, nhưng sẽ định hướng cho các em; còn với các thầy cô tư vấn lớn tuổi, thường sẽ không “thoáng” như vậy, sẽ tư vấn theo hướng chặn đứng, không cho phép…” – thầy Trọng chia sẻ.

“Học sinh THCS tuổi còn quá nhỏ, chỉ cần gia đình, nhà trường lơi lỏng một chút là sẩy chân ngay. Vì thế, nhà trường cần phải có những thầy cô chuyên gỡ các nút thắt tâm lý của lứa tuổi này một cách nhanh chóng, cụ thể

Thầy NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ TRỌNG

Đưa tư vấn học đường vào nề nếp

Để tìm hiểu về thực trạng của hoạt động tư vấn học đường, thầy Trọng đã bỏ ra nhiều tháng nghiên cứu, khảo sát học sinh và cán bộ, giáo viên trên địa bàn Q.7 (TP.HCM), đồng thời tham khảo ý kiến các chuyên gia tâm lý và giáo dục.

Từ khảo sát này, thầy Trọng nhận thấy hầu hết học sinh đều tự loay hoay giải quyết vấn đề khó xử của mình bằng cách tìm hiểu ở sách báo, mạng Internet, hay học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau. 

Tuy nhiên, những kênh thông tin trên thường thiếu định hướng, thiếu sàng lọc, kiểm chứng, phần lớn không phù hợp với lứa tuổi học trò… nên các em rất khó giải quyết vấn đề của bản thân một cách rốt ráo và đúng đắn.

Dựa theo công trình nghiên cứu của thầy Trọng, muốn nâng cao chất lượng tư vấn học đường, trước tiên phải nâng cao nhận thức của cán bộ quản lý, giáo viên và phụ huynh về vai trò của tư vấn học đường, tăng cường thông tin về hoạt động này trong các cuộc họp với cha mẹ học sinh. 

Đặc biệt, phải đưa hoạt động tư vấn học đường vào nề nếp, xem đây là hoạt động bắt buộc và thường xuyên trong các hoạt động của nhà trường.

“Phòng tư vấn học đường nên xây dựng chuyên đề cho học sinh theo từng tháng. Ví dụ, vào tháng 3, tháng 4, các em lớp 9 bắt đầu chọn trường THPT, phòng sẽ tổ chức cho học sinh thực tập để làm quen với một số nghề; tìm hiểu năng khiếu, khuynh hướng nghề nghiệp, sở thích của từng học sinh để khuyến khích, hướng dẫn, bồi dưỡng khả năng nghề nghiệp thích hợp nhất cho các em” – thầy Trọng giải thích.

Bên cạnh đó, thầy Trọng cũng đề xuất việc xã hội hoá hoạt động tư vấn học đường. Nhà trường phối hợp với các cơ sở sản xuất, xí nghiệp, nhà máy, các làng nghề… để đưa học sinh đến tham quan học tập, hoặc tìm hiểu về nhu cầu lao động, vận động học bổng đào tạo… 

Từ đó tạo nền tảng cho học sinh chọn nghề, chọn trường, phân luồng học sinh sau khi tốt nghiệp THCS.

Cẩm nang hướng dẫn tư vấn học đường

Thầy Trọng đang ấp ủ dự định thực hiện một cuốn cẩm nang hướng dẫn tư vấn những vấn đề tâm lý thường gặp trong học sinh, dành cho các giáo viên kiêm nhiệm.

“Đa số thầy cô rất nhiệt tình, nhưng chủ yếu sử dụng kinh nghiệm để tư vấn. Nhiều thầy cô phải tự mò mẫm học hỏi đó đây để tư vấn, rất vất vả và mất thời gian, chưa kể những kiến thức đó có thể sai” – thầy Trọng nói.

Nâng chất tư vấn học đường  ở trường THCS - Ảnh 4.

PHƯƠNG NGUYỄN