12/01/2025

Xóm nhà thuyền với cả trăm con người ‘lênh đênh’

Nơi này có khoảng 50 chiếc thuyền, là “nhà” của 47 hộ dân với 160 nhân khẩu, chủ yếu là người ở tỉnh Hải Dương và các huyện An Lão, Thủy Nguyên của TP.Hải Phòng dạt về đây làm ăn rồi trụ lại từ những năm 1980.

 

Xóm nhà thuyền với cả trăm con người ‘lênh đênh’

Nơi này có khoảng 50 chiếc thuyền, là “nhà” của 47 hộ dân với 160 nhân khẩu, chủ yếu là người ở tỉnh Hải Dương và các huyện An Lão, Thủy Nguyên của TP.Hải Phòng dạt về đây làm ăn rồi trụ lại từ những năm 1980.




Cầu gỗ đi xuống xóm nhà thuyền

Cầu gỗ đi xuống xóm nhà thuyền

Vốn là nơi neo đậu của dân chài để lên bờ buôn bán, đoạn sông Tam Bạc giáp sông Cấm (P.Minh Khai, Q.Hồng Bàng, TP.Hải Phòng) mà người địa phương quen gọi “mom thuỷ đội”, do ở cạnh Xí nghiệp Thuỷ Đội của cảng Hải Phòng, trở thành xóm nhà thuyền, nơi nhiều phận đời chìm nổi cư ngụ.
Xóm nhà thuyền với cả trăm con người 'lênh đênh' - ảnh 1

TIN LIÊN QUAN

Xóm chài trên hồ Sê San

Giữa lòng hồ Sê San 4 (H.Ia H’Drai, Kon Tum) mênh mông gần biên giới Lào, Campuchia có một xóm chài nhỏ với hàng chục chiếc bè gỗ lặng lẽ bập bềnh, đơn độc..
Những con thuyền không rời bến
Đứng trên cầu Lạc Long nhìn xuống, khúc sông này lộn xộn và nhếch nhác vì khoảng 50 chiếc thuyền bê tông cốt thép lố nhố nương vào nhau. Bằng những sợi dây thừng to gần nửa cổ tay, những con thuyền không bao giờ rời bến níu mình vào bờ sông Tam Bạc trở thành nhà của những phận đời chìm nổi.
Xóm nhà thuyền với cả trăm con người 'lênh đênh' - ảnh 2

Một góc xóm nhà thuyền trên mom thuỷ đội

Trong một “nhà thuyền” bé nhất nhì xóm, bà Nguyễn Thị Gái (65 tuổi) đủng đỉnh đung đưa trên chiếc võng. Từ thời trung niên, người đàn bà không có quê hương này đã sống bằng nghề ăn xin, một thời từng “chăn dắt” mấy chục trẻ ăn xin, nay chỉ thi thoảng xin ăn ở cổng các đình chùa. Khi tôi đến, bà cảnh giác: “Cán bộ hỏi chuyện làm gì, bắt tôi đi trại à, tôi giờ có làm gì đâu”. Chồng đã mất, bà còn 4 con trai. “Ba thằng lớn lấy vợ rồi biệt tăm, chỉ còn thằng út cũng ở dưới thuyền với con gái nó”, bà nói. Chiếc thuyền của bà Gái rộng khoảng 10 m2, mua cách đây 4 năm với giá 4 triệu đồng, đồ đạc giá trị nhất là mấy cái nồi nhôm.
Con trai út của bà Gái là Nguyễn Văn Phúc, làm nghề đánh giày. Phúc cao và gầy nên bị nhiều người cho là nghiện, nhưng Phúc nói “tôi gầy vì thiếu ăn”. Cách đây 5 năm, Phúc quen một cô gái và khi cô này có bầu, nhà gái thách cưới 9 mâm cỗ khiến bà Gái phải vay mượn khắp nơi (giờ vẫn nợ 2 triệu đồng) để biện lễ lấy vợ cho Phúc. Cuộc sống vất vả quá nên vợ Phúc bỏ đi, bế theo con gái Nguyễn Thị Anh Thư. “Năm ngoái, có người báo, vợ em đưa con em đi ăn xin rồi đánh đập con bé. Em đi tìm, bế về, qua tết em sẽ đưa con bé vào trại trẻ mồ côi để nó được đi học, chứ em không lo được”, Phúc buồn bã nói, tay xoa đầu đứa con gái 4 tuổi.
Cạnh “nhà” Phúc là “nhà” của cặp vợ chồng già Lê Văn Sinh (82 tuổi) và Lê Thị Luy (81 tuổi). Hai cụ đều là dân thuyền chài, lênh đênh sông nước. “Tôi không có quê, còn ông Sinh gốc xã Trường Thọ, H.An Lão, TP.Hải Phòng. Vợ chồng tôi ở đây 50 năm rồi, từ hồi khu này còn là bến tàu khách Hải Phòng – Quảng Ninh”, cụ Luy nói. Ở tuổi xưa nay hiếm, hai cụ vẫn đều đặn đi thả lưới đánh cá vì “nắng hay mưa cũng không nghỉ được, nghỉ thì lấy gì mà ăn”. Khoảng 2 giờ chiều là hai cụ đi thả lưới, 4 giờ sáng dậy thu lưới về xem có con gì thì mang ra chợ Bến Bính bán. “Khổ lắm, vì tuổi này người ta sống nhờ vào con cái, trong khi chúng tôi vẫn lọ mọ bờ sông bãi sú”, cụ Luy than. Hai cụ có 7 người con nhưng đều nghèo khó nên không thể nhờ vả được gì.
Theo trung tá Nguyễn Đức Lợi, Trạm trưởng Trạm cảnh sát đường thủy Máy Chỉ, đơn vị quản lý khúc sông này, mom thủy đội có khoảng 50 chiếc thuyền, là “nhà” của 47 hộ dân với 160 nhân khẩu, chủ yếu là người ở tỉnh Hải Dương và các huyện An Lão, Thuỷ Nguyên của TP.Hải Phòng dạt về đây làm ăn rồi trụ lại từ những năm 1980. “Có người còn hộ khẩu ở quê, có người mất sạch giấy tờ và không đăng ký thường trú nhưng chúng tôi vẫn kết hợp với UBND P.Minh Khai quản lý”, ông Lợi nói.
Tuy nhiên, dù là dân tứ xứ nhưng tình hình an ninh trật tự ở xóm nhà thuyền khá ổn định. “Hầu như trong khu vực này không phát sinh tệ nạn. Chúng tôi cử anh em xuống thăm hỏi, kiểm tra thường xuyên, còn chụp ảnh từng người, từng thuyền để quản lý cho dễ. Đặc biệt khi trời mưa bão sẽ kết hợp với chính quyền địa phương đưa người dân lên Trường PTTH dân lập Lương Thế Vinh gần đó để đảm bảo an toàn”, trung tá Lợi chia sẻ.
Xóm nhà thuyền với cả trăm con người 'lênh đênh' - ảnh 3

TIN LIÊN QUAN

Sống giữa dòng Gianh

Họ không có đất, phải mượn đất hàng xóm để dựng lên những ngôi nhà sàn tạm bợ sống qua ngày; trong khi số khác đành chấp nhận cảnh ăn đời ở kiếp trên những khoang thuyền bức bí lênh đênh giữa dòng sông Gianh.
Thấp thỏm lo tương lai
Khi mới “thành lập”, xóm thuyền mom thủy đội chỉ gồm các thuyền nan, thuyền gỗ loại nhỏ. Gần đây, do nhân khẩu tăng dần, người ta mua các tàu hút cát cũ bằng bê tông cốt thép với giá 30 – 40 triệu đồng/chiếc và cải tạo để ở. Các tàu này khá lớn, đủ không gian để chia phòng, thậm chí làm vườn hay chăn nuôi gà vịt. Để thuận tiện khi di chuyển, người dân đóng nhiều cầu gỗ từ tàu lên bờ. Những hôm thủy triều lên, các cầu gỗ bị ngập, khi ấy xóm nhà thuyền trông không khác gì vùng sông nước miền Tây Nam bộ.
Xóm nhà thuyền với cả trăm con người 'lênh đênh' - ảnh 4

Xóm nhà thuyền với cả trăm con người 'lênh đênh' - ảnh 5

Rửa bát, tắm giặt và mọi sinh hoạt đều diễn ra trên thuyền.ẢNH: LƯU QUANG PHỔ

Ngày trước, để có điện nước sinh hoạt, người dân trong xóm phải kéo dây, bắc ống từ các nhà dân trên bờ. “Giá điện, nước dùng nhờ như thế đắt gấp đôi giá nhà nước, nhưng được người ta cho nhờ là quý lắm rồi. May sao khi ông Nguyễn Hải Bình, nguyên Bí thư Quận uỷ Hồng Bàng, xuống thăm, thấy chúng tôi khổ quá nên đã can thiệp với ngành điện để chúng tôi được dùng điện. Điện về từ năm ngoái rồi, mấy nhà chung nhau 1 đồng hồ, trả tiền theo giá nhà nước, chúng tôi phấn khởi lắm”, bà Nguyễn Thị Tươi (60 tuổi) xúc động nói. Tuy nhiên, mọi chất thải sinh hoạt của toàn bộ xóm nhà thuyền vẫn xả xuống sông…
Xóm nhà thuyền với cả trăm con người 'lênh đênh' - ảnh 6

Trẻ em xóm nhà thuyền trước giờ đi học

Gần 10 năm nay, trẻ con ở xóm cũng đã được đi học khi nhà thờ Chính tòa Hải Phòng tổ chức dạy miễn phí hết bậc tiểu học. Nhà thờ cung cấp sách vở, mời một số cô giáo ở Trường tiểu học Đinh Tiên Hoàng đứng lớp. Sau khi học hết lớp 5, các em được học tiếp ở các trường trong khu vực. Hơn 10 trẻ em trong xóm đang được học THCS.
 
 
Xóm nhà thuyền với cả trăm con người 'lênh đênh' - ảnh 7
Sống ở đây cũng an toàn, tiện lợi, dễ kiếm việc làm. Nếu về quê hay lang bạt ở khúc sông khác thì bấp bênh lắm

Xóm nhà thuyền với cả trăm con người 'lênh đênh' - ảnh 8
 
Chị Đoàn Ngọc Tuyền, một người dân xóm nhà thuyền

 

Để mưu sinh, người dân trong xóm cũng bỏ dần nghề đánh lưới. Một số làm nghề thợ lặn, số khác lên bờ lái taxi, làm công nhân, rửa bát thuê. Thanh niên mới lớn đã biết tìm việc phụ giúp gia đình.

“Nếu không có việc thì chúng em rủ nhau đi đánh lưới, cũng kiếm ra tiền”, Nguyễn Văn Ngọc (22 tuổi, con trai bà Tươi) vừa bế con vừa nói. Ngọc lấy vợ từ năm 18 tuổi, vợ Ngọc sinh năm 1999, nhà trên bờ nhưng cũng theo chồng xuống nhà thuyền ở. Ngọc làm đủ nghề, vợ thì bán hàng ở chợ Đổ gần đó. Đôi vợ chồng trẻ dự định tích cóp để mua một căn nhà tập thể cũ rồi đưa mẹ lên bờ.
Lo lắng nhất của người dân xóm nhà thuyền là bị đuổi khỏi mom thuỷ đội. “Sống ở đây cũng an toàn, tiện lợi, dễ kiếm việc làm. Nếu về quê hay lang bạt ở khúc sông khác thì bấp bênh lắm”, chị Đoàn Ngọc Tuyền (41 tuổi), sống cùng chồng và 2 con trong nhà thuyền, nói. Mỗi lần có cán bộ xuống, người dân lại gửi gắm ước nguyện được bố trí một khu đất trên bờ như cách P.Máy Chai (Q.Ngô Quyền, TP.Hải Phòng) đã làm với 22 hộ dân chài trên sông Cấm.
Nhắc đến chuyện này, ông Đoàn Hồng Thắng, Chủ tịch UBND P.Minh Khai, cho biết: “Chúng tôi cũng rất mong các hộ dân ở đây được an cư nhưng việc sắp xếp, bố trí cho bà con phải do TP quyết”.

Lê Tân