28/11/2024

Tiết kiệm, xây trường tặng học trò Ba Na

Một ngôi trường mới, khang trang, trị giá trên 2 tỉ đồng đã được xây từ nguồn “thắt lưng buộc bụng” của thị xã để tặng học trò Ba Na.

 

Tiết kiệm, xây trường tặng học trò Ba Na.

 

Một ngôi trường mới, khang trang, trị giá trên 2 tỉ đồng đã được xây từ nguồn “thắt lưng buộc bụng” của thị xã để tặng học trò Ba Na.

 

 

Tiết kiệm, xây trường tặng học trò Ba Na - Ảnh 1.

Học sinh Ba Na đã được học trong điểm trường khang trang, sạch sẽ tại Ba Làng – Ảnh: B.D.

Ông Lê Minh Hiền – phó chủ tịch HĐND thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai – cười tươi dẫn chúng tôi đi thăm ngôi trường vừa mới được xây dựng, nằm giữa ba ngôi làng Ba Na. 

Đây là điểm trường thuộc Trường tiểu học Lê Văn Tám, mà theo ông là “món quà đặc biệt cho thầy cô giáo và học trò Ba Na”.

Giảm tối đa tiền trà nước, điện, văn phòng phẩm…

Theo ông Hiền, do học sinh sống rải rác ở nhiều làng, cách xa điểm trường chính – Trường tiểu học Lê Văn Tám (xã Tú An), nên từ trước đến nay nhà trường bố trí giáo viên dạy tại ba điểm trường ở làng Hòa Bình, làng Nhoi, làng Pờ Nang, nhằm giảm khoảng cách từ nhà các em tới trường. 

 

 

Tuy nhiên, môi trường học tập ở ba điểm phụ này rất hạn chế nên học sinh không mấy hứng thú. “Ở các điểm trường đó phòng học nằm trơ trọi, vắng vẻ giữa các làng, không có nhà vệ sinh, mỗi điểm chỉ 10-15 học sinh” – ông Hiền nói. 

Qua các đợt khảo sát, HĐND thị xã An Khê nhận thấy nếu để tình trạng này kéo dài sẽ ảnh hưởng đến chất lượng dạy và học.

Từ thực tế này, HĐND thị xã An Khê đã quyết định cắt giảm các khoản chi tiêu không cấp thiết để tạo quỹ, xây một điểm trường tập trung. 

Theo bà Nguyễn Thị Thanh Lịch – bí thư Thị uỷ An Khê, từ đề xuất của HĐND thị xã, các phòng ban, cán bộ viên chức đã hưởng ứng nhiệt tình, thống nhất cân đối các khoản chi từ năm 2014-2016 nhằm gầy dựng cho được một nguồn quỹ xây trường.

Món quà tặng thầy cô, học sinh Ba Na

Chúng tôi tiết kiệm tối đa mọi khoản, từ việc chi trà nước, tiền điện cho đến từng tờ giấy, văn phòng phẩm… Tất cả vì ngôi trường cho các học sinh Ba Na

Bà Nguyễn Thị Thanh Lịch (bí thư Thị ủy An Khê, Gia Lai)

Mấy tháng gần đây, từ một khu đất hoang nằm giữa những cánh đồng mía ở xã Tú An đã mọc lên một ngôi trường khang trang gồm 7 phòng học. Trường được đưa vào sử dụng từ đầu năm học 2017-2018 này. 

Mở cửa vào từng phòng học, đâu cũng thấy cảnh tinh tươm, sạch sẽ: bàn ghế thơm mùi gỗ đóng mới, bục giảng cao ráo, ngoài cửa lớp là những chùm hoa tươi, hoa nhựa được thầy cô và học trò trang trí để tạo thêm không gian sinh động.

Bà Nguyễn Thị Thanh Lịch cho biết ngôi trường là tấm lòng của toàn thể cán bộ viên chức thị xã dành tặng học sinh, thầy cô vùng khó khăn này, với kinh phí xây dựng trên 2 tỉ đồng. 

“Nghe trường nằm ở thị xã thì có vẻ… có điều kiện, nhưng thực tế chẳng khác gì ở một nơi hẻo lánh. Học sinh 100% là con em đồng bào dân tộc Ba Na, việc đi học còn khó hơn cả đi… khám bệnh. 

Thầy cô giáo hầu như sáng nào cũng phải đến từng nhà để đưa các em tới lớp. Nhiều em cha mẹ bỏ bê, các thầy cô phải tới nhà nấu ăn, rồi giặt quần áo để các em đến trường gọn gàng, tươm tất” – bà Lịch nói.

Điểm trường này được đặt tên là “Ba Làng” vì gom ba điểm trường ở ba làng lại thành một điểm tập trung. Các thầy cô ở điểm trường này cho biết lâu nay thấy con em phải học ở các điểm trường nhỏ lẻ, chật chội, phụ huynh khá bức xúc; nên khi thấy tổ chức xây trường mới, đồng loạt phụ huynh, thanh niên các làng đã ra phụ giúp. 

Người thì khuân gạch, người dựng hàng rào, cả nhân sự trong UBND xã Tú An cũng đi bứng từng gốc cây về, góp thêm mảng xanh trong khuôn viên trường.

Cô giáo Nguyễn Thị Chiến – chủ nhiệm lớp 1A4 tại điểm trường Ba Làng – kể rằng từ ngày có điểm trường mới, học sinh đến lớp đều đặn hơn. Các thầy cô cũng được tách riêng từng lớp ra và giảng dạy có hiệu quả hơn trước… 

Ông Lê Minh Hiền cho biết thêm, hiện HĐND thị xã đang kêu gọi, tiếp tục vận động các nguồn lực, các nhà hảo tâm để tạo thêm không gian, các công trình phụ, sân chơi cho học sinh điểm trường Ba Làng.

Thầy cô làm “bảo mẫu” của học trò

Thầy Đào Thế Duy – hiệu phó Trường tiểu học Lê Văn Tám – cho biết ở điểm trường Ba Làng có trên 100 học sinh, tất cả đều là con em đồng bào Ba Na. Rất nhiều em trong số này mồ côi cha hoặc mẹ, có trường hợp 3-4 anh em mồ côi cả cha lẫn mẹ, tự lớn lên, tự đi học, tự nuôi nhau.

Thương học trò của mình bơ vơ, các thầy cô giáo phụ trách lớp cứ ngày hai buổi sáng – tối lại đến nhà đưa đón các em đi học, giặt giũ quần áo, nấu cơm cho các em.

“Chúng tôi làm tất cả để học sinh được đi học. Chỉ có đi học thì may ra mới thay đổi được mọi thứ ở vùng đất nghèo khó này” – thầy Duy nói.

THÁI BÁ DŨNG