10/01/2025

Chống tin giả, cần phải làm gì?

Thời gian qua, tin giả vẫn rộ trên mạng xã hội, đặc biệt là những tin giả xuất hiện trong thời điểm thiên tai vừa rồi. Người dùng mạng xã hội cần làm gì để rút ra bài học từ các vụ việc đã xảy ra?

 

Chống tin giả, cần phải làm gì?

 

Thời gian qua, tin giả vẫn rộ trên mạng xã hội, đặc biệt là những tin giả xuất hiện trong thời điểm thiên tai vừa rồi. Người dùng mạng xã hội cần làm gì để rút ra bài học từ các vụ việc đã xảy ra?

 


Chống tin giả, cần phải làm gì? - Ảnh 1.

Hàng trăm người dân lo lắng tụ tập tại trụ sở UBND huyện Bắc Trà My (Quảng Nam) khi có tin đồn vỡ đập thủy điện – Ảnh: FB

Sau đây là ý kiến của bạn đọc LÊ THỊ THIÊN HƯƠNG (Chương trình nghiên cứu Internet và xã hội VPIS – Đại học KHXH&NV – Đại học Quốc gia Hà Nội).

“Hiện nay, nhiều người Việt Nam coi các mạng xã hội là kênh chủ yếu để tiếp cận và chia sẻ thông tin hằng ngày. Trong khi đó, chất lượng nguồn thông tin này không được đảm bảo, không có nguồn tin cậy, chưa nói đến vô số những tài khoản ảo đăng tin bịa đặt, gây ảnh hưởng tới cá nhân và cả xã hội.

Tin giả vỡ đập, siêu bão

Gần đây, khi lũ lụt thiên tai thường xảy ra ở Việt Nam, tràn lan trên Facebook là các thông tin thất thiệt về chủ đề này. Tháng 9 vừa qua, một thanh niên ở Thái Nguyên bị xử phạt vì tung tin trên Facebook là vỡ đập Hồ Núi Cốc, kèm thêm dòng chữ “Mình không câu like đâu nhé”, trong khi đập này vẫn… vững như bàn thạch.

 

 

Ngay đầu tháng 11-2017, khi cơn bão số 12 vào tàn phá miền Trung, lại có tin lan tràn trên mạng là “vỡ đập thủy điện Sông Tranh” làm người dân nơi này bấn loạn, hoang mang tìm nơi trú tránh. Tin này ngay sau đó cũng được xác định là tin giả 100%.

Mới gần đây lại xuất hiện tin “xuất hiện cơn bão số 13 mang tên Hải Yến sắp đổ bộ vào miền Trung Việt Nam” đăng trên một tài khoản Facebook và được chia sẻ rộng rãi, gây hoang mang, lo sợ cho nhiều người, nhất là những người vừa trải qua thiệt hại từ cơn bão số 12. 

Thông tin này sau đó cũng được làm rõ là siêu bão số 13 mang tên Hải Yến là cơn bão của… 4 năm trước, được dự báo là “mạnh nhất lịch sử Biển Đông”, dự kiến đổ bộ vào Đà Nẵng ngày… 10-11-2013.

Những thông tin thất thiệt có thể gây thiệt hại nặng về kinh tế, ảnh hưởng nặng nề đến tâm lý nạn nhân, thậm chí có thể dẫn đến hành động tự tử của nạn nhân. 

Trong khi đó, mạng xã hội có tốc độ lan truyền siêu nhanh và không biên giới, rất khó chấm dứt hay khắc phục hậu quả một cách hoàn toàn và nhanh chóng.

Chống tin giả, cần phải làm gì? - Ảnh 2.

Tăng cường kiểm chứng thông tin

Dường như vấn đề chính ở Việt Nam là tin giả ngày càng nhiều, người dùng mạng xã hội vẫn chưa rút ra được bài học từ các vụ việc đã xảy ra. Tại sao nhiều người lại tin vào tin giả đến thế? 

Ở đây, ngoài năng lực kém hay cố tình câu “view”, việc nhiều người Việt Nam hay tin và truyền bá tin thất thiệt trên mạng cũng là dấu hiệu của sự mất niềm tin vào các nguồn truyền thông chính như báo chí.

Một vấn đề khác là nhiều người Việt Nam chưa thực sự có thói quen kiểm chứng thông tin trước khi nhận được. Trong khi đó, ở kỷ nguyên kỹ thuật số này, kỹ năng tư duy phản biện (critical thinking) là đặc biệt cần thiết. 

Tuy nhiên, kỹ năng phổ thông này chưa được coi trọng ở Việt Nam, cho dù ở nhiều nước phát triển trên thế giới đã đưa vào chương trình đào tạo học sinh phổ thông.

Nên nhớ rằng mạng xã hội là nơi ai cũng có thể đóng vai trò… nhà báo, nhà phân tích nghiệp dư, vì thế người tiếp nhận thông tin phải ít nhất nắm được kỹ năng kiểm tra xem thông tin lấy từ nguồn nào (ví dụ như tác giả ghi nguồn từ báo khác thì cần kiểm tra xem nguồn đó đáng tin cậy hay không – đó có phải là báo có uy tín đã đưa tin này chưa). 

Tiếp theo, cũng nên xem động cơ đưa tin của người dùng mạng xã hội đó thế nào. Liệu họ có phải là người thích sự chú ý, thích câu view, hay họ bán hàng online? Nếu đúng thế thì càng phải thận trọng, không nên tin và tiếp tục chia sẻ cho người khác nếu như chưa kiểm chứng cẩn thận.

Về phía cơ quan chức năng cần nhanh chóng có các giải pháp cụ thể để hạn chế, chấm dứt các thể loại tin đồn nhảm. Một mặt, cần có các biện pháp giáo dục cũng như nâng cao chế tài xử phạt nghiêm khắc, nhất là đối với những tin đồn làm gia tăng nỗi hoang mang trong thời điểm đang có thiên tai. 

Mặt khác, các cơ quan báo chí và truyền thông nên tích cực phản ánh tin giả một cách hệ thống, để người đọc dễ dàng kiểm chứng thông tin, ví dụ như tạo mục Thật – Giả như báo Tuổi Trẻ đã làm.

Chừng nào chưa phối hợp tốt các giải pháp này thì người dân còn phải chịu nhiều hậu quả do tin giả tràn lan gây ra. Mặt trái này của mạng xã hội, chúng ta không thể chủ quan được.

LÊ THỊ THIÊN HƯƠNG (Chương trình nghiên cứu Internet và xã hội VPIS – Đại học KHXH&NV – Đại học Quốc gia Hà Nội)