10/01/2025

Công trình thanh niên tiêu biểu toàn quốc: Ấm lòng người nghèo

Từ nhiều năm qua, quán cơm xã hội Nụ Cười Sông Trà tại TP.Quảng Ngãi là điểm đến quen thuộc của người lao động nghèo.

 

Công trình thanh niên tiêu biểu toàn quốc: Ấm lòng người nghèo.

 

Từ nhiều năm qua, quán cơm xã hội Nụ Cười Sông Trà tại TP.Quảng Ngãi là điểm đến quen thuộc của người lao động nghèo.




Quán cơm xã hội Nụ Cười Sông Trà luôn đông kháchẢNH: HIỂN CỪ.

Giá mỗi suất cơm nơi đây chỉ 2.000 đồng nhưng được ăn no, đầy đủ dinh dưỡng, hợp vệ sinh nên bà con nghèo đều ấm lòng. Quán cơm do Tỉnh đoàn Quảng Ngãi quản lý, hoạt động từ tháng 3.2014. Đây là mô hình mới ở Quảng Ngãi, thể hiện vai trò xung kích của đoàn viên, thanh niên trong việc tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng. “Quán cơm xã hội Nụ Cười Sông Trà” được T.Ư Đoàn bình chọn là công trình thanh niên tiêu biểu toàn quốc.
“Sạch – no – ngon”
Theo anh Lê Văn Vin, Phó bí thư Tỉnh đoàn Quảng Ngãi, phương châm phục vụ của quán cơm là “sạch – no – ngon”, mỗi suất cơm được chuẩn bị tươm tất, nóng hổi với các món mặn, xào, canh, và trái cây tráng miệng. Thực đơn cũng thay đổi liên tục. Vì thế, cứ đến 11 giờ trưa từ thứ hai đến thứ bảy hằng tuần, quán cơm xã hội Nụ Cười Sông Trà lúc nào cũng đông khách.
Khách là những người làm nghề thu mua ve chai, bán vé số, phụ hồ, chạy xe ôm, người nhà của những bệnh nhân nghèo đang điều trị tại Bệnh viện đa khoa Quảng Ngãi, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn… Mỗi người mưu sinh khác nhau nhưng chung hoàn cảnh nghèo khó nên họ xem quán cơm là mái ấm gia đình. Do vậy, không khí trong suốt bữa ăn rất thân thiện, nụ cười luôn sẵn trên môi mọi người.
Bà Nguyễn Thị Hoanh (ở xã Phổ An, H.Đức Phổ) cho biết: “Có quán cơm xã hội Nụ Cười Sông Trà, những người nghèo như chúng tôi đỡ khổ nhiều lắm, không còn phải lo đói như trước. Đến đây ăn trưa, ai cũng khen cơm rất ngon và rẻ, được phục vụ ân cần, chu đáo. Thật hạnh phúc và ấm áp nghĩa tình”.
Thêm niềm vui cho người nghèo
“Việc thu 2.000 đồng/suất cơm là một sự tượng trưng để người nghèo không mặc cảm khi đến quán và cũng để nhắc nhở nhân viên phải tôn trọng, lịch sự, tế nhị trong việc phục vụ khách hàng. Người nghèo đến đây được tiếp thêm niềm vui, vơi đi nỗi khổ, gánh nặng về kinh tế”, anh Vin chia sẻ và cho biết thêm: Điểm riêng biệt so với nhiều quán cơm, bếp ăn xã hội khác, quán cơm xã hội Nụ cười Sông Trà luôn có đội ngũ tình nguyện viên trẻ, gồm 10 – 15 đoàn viên, thanh niên đến phục vụ miễn phí.
Là tình nguyện viên gắn bó từ ngày thành lập quán cơm đến nay, bạn Võ Ngọc Mỹ Dương, Phó chủ nhiệm Câu lạc bộ ngân hàng máu sống Tương Lai Xanh, cho biết để phục vụ tốt bà con nghèo đến ăn cơm, các thành viên chia nhau nhiệm vụ nấu nướng, giữ xe, mang suất cơm đến từng bàn, lau chùi, dọn dẹp quán…
“Công việc tuy không nặng nhọc nhưng khá vất vả. Dù vậy, các tình nguyện viên đều vui vì được góp chút công sức cho hoạt động của quán cơm. Nhìn bà con ăn ngon lành, nói cười vui vẻ, bọn em thật hạnh phúc”, Dương nói.
Công trình thanh niên tiêu biểu toàn quốc: Ấm lòng người nghèo - ảnh 2

TIN LIÊN QUAN

Những công trình vì đàn em

Mô hình ‘Nhà bán trú dân nuôi’ và ‘Trường mẫu giáo cho em’ là những công trình mang đậm dấu ấn của tuổi trẻ Quảng Ngãi, giúp học sinh nghèo vùng cao, vùng xa có nơi học tập, ăn ở khang trang.
Theo anh Vin, đến thời điểm này, quán cơm xã hội Nụ Cười Sông Trà đã phục vụ gần 122.000 suất cơm giá rẻ cho người nghèo, trong khi giá trị thực mỗi suất từ 10.000 – 12.000 đồng. Để có nguồn tiền duy trì quán, những năm qua, ngoài số tiền hỗ trợ 200 triệu đồng của tỉnh, còn có hàng trăm đơn vị, doanh nghiệp, các nhà hảo tâm hỗ trợ 2 tỉ đồng, 4 tấn gạo cùng các nhu yếu phẩm khác.
“Mỗi ngày, quán cơm chỉ phục vụ dưới 200 suất nên nhiều hôm mới mở cửa được 20 – 30 phút là hết. Do vậy, khi thấy bà con nghèo đến sau không còn cơm để ăn đành nhịn đói, chúng tôi thật sự xót lòng”, anh Vin trăn trở và mong muốn thời gian tới, Tỉnh đoàn Quảng Ngãi sẽ nhận được sự chung tay góp sức nhiều hơn nữa của cộng đồng để người nghèo luôn cười tươi mỗi khi đến quán cơm xã hội Nụ Cười Sông Trà, đồng thời tiếp thêm nghị lực cho họ trên con đường mưu sinh nhọc nhằn.

 

Hiển Cừ