‘Mùa’ tuyển sinh 2018 sẽ có nhiều ngành mới
“Mùa” tuyển sinh 2018 sẽ có nhiều ngành mới được đào tạo đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực như dinh dưỡng, du lịch, đô thị học… thay vì phải “núp bóng” ngành khác.
‘Mùa’ tuyển sinh 2018 sẽ có nhiều ngành mới
“Mùa” tuyển sinh 2018 sẽ có nhiều ngành mới được đào tạo đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực như dinh dưỡng, du lịch, đô thị học… thay vì phải “núp bóng” ngành khác.
Thí sinh dự thi THPT Quốc gia 2017 – Ảnh: NHƯ HÙNG
Danh mục giáo dục, đào tạo cấp IV trình độ ĐH vừa được ban hành, kèm theo thông tư số 24 ngày 10-10-2017 của bộ trưởng Bộ GD-ĐT, bao gồm 23 lĩnh vực với 366 ngành đào tạo (gọi chung là danh mục 2017).
Ngoài sự thay đổi về mã ngành còn có thay đổi về thành phần trong các nhóm ngành, nhiều ngành mới xuất hiện; có những ngành mang tính chuyên môn hóa cao mà trước đây là chuyên ngành. Thông tư có hiệu lực kể từ ngày 25-11-2017.
Mã ngành gồm 7 chữ số
Nếu mã ngành theo danh mục giáo dục, đào tạo cấp IV trình độ CĐ, ĐH ban hành kèm theo thông tư số 14 ngày 27-4-2010 của bộ trưởng Bộ GD-ĐT (gọi chung là danh mục 2010) có 8 chữ số, thì mã ngành theo danh mục đào tạo ĐH vừa mới ban hành là chuỗi số liên tục gồm 7 chữ số.
Theo đó, từ trái sang phải, chuỗi 7 chữ số được quy định như sau: chữ số đầu tiên quy định mã trình độ đào tạo; chữ số thứ hai và thứ ba quy định mã lĩnh vực đào tạo; chữ số thứ tư và thứ năm quy định mã nhóm ngành đào tạo; hai chữ số cuối quy định mã ngành đào tạo.
Như vậy, trước đây con số 52 là mã trình độ đào tạo, thì nay là con số 7. Trong khi đó, theo khung trình độ quốc gia Việt Nam đối với trình độ ĐH là trình độ bậc 6. Thí sinh, sinh viên, người làm công tác quản lý giáo dục cần lưu ý điều này.
Những ngành đào tạo thí điểm chính thức
Những ngành mới, đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực chính thức có tên trong danh mục nói trên. Còn nhớ trước đây, theo sự phát triển của nền kinh tế, một số ngành đã qua đào tạo thí điểm, nhưng do chưa có tên trong danh mục 2010 nên phải chịu cảnh “núp bóng” ngành khác trong danh mục.
Có thể đơn cử hai ngành của Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn: ngành du lịch (lĩnh vực du lịch, khách sạn, thể thao và dịch vụ cá nhân) phải lấy tên là quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành thuộc lĩnh vực kinh doanh – quản lý; ngành đô thị học thuộc lĩnh vực kiến trúc và xây dựng trước đây phải lấy tên là quy hoạch vùng và đô thị.
Quản lý hoạt động bay trước đây thuộc nhóm ngành quản lý công nghiệp, thì nay thuộc nhóm ngành khai thác vận tải.
Nhóm ngành máy tính, công nghệ thông tin cũng được sắp xếp lại cho phù hợp với xu thế phát triển ngành nghề hiện nay.
Cụ thể, nhóm ngành máy tính có các ngành khoa học máy tính, mạng máy tính và truyền thông dữ liệu, kỹ thuật phần mềm, hệ thống thông tin, kỹ thuật máy tính, công nghệ kỹ thuật máy tính; nhóm ngành công nghệ thông tin có ngành công nghệ thông tin và ngành an toàn thông tin, trong đó ngành an toàn thông tin là ngành học rất mới, được đào tạo đầu tiên tại 8 cơ sở đào tạo trọng điểm về an toàn thông tin, bao gồm: Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, Học viện Kỹ thuật quân sự, Học viện Kỹ thuật mật mã, Học viện Công nghệ bưu chính – viễn thông, Trường ĐH Công nghệ thông tin – ĐHQG TP.HCM, Trường ĐH Công nghệ – ĐHQG Hà Nội, Trường ĐH Bách khoa – ĐH Đà Nẵng và Học viện An ninh nhân dân.
Có thể nói danh mục mã ngành mới được lập nên trên cơ sở sắp xếp các ngành đã có trước đây và bổ sung những ngành nghề theo nhu cầu xã hội.
Danh mục sẽ mở ra nhiều cơ hội để người học có thể chọn ngành học phù hợp hơn, và cơ sở giáo dục có thể triển khai chương trình đào tạo đúng với kỳ vọng ban đầu khi mở ngành.
Nhiều ngành đào tạo chuyên môn hoá
Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 diễn ra trên 3 lĩnh vực chính gồm công nghệ sinh học, kỹ thuật số và vật lý, đòi hỏi nhiều ngành nghề mang tính chuyên môn hóa cao.
Vì vậy, có thể dễ dàng nhìn thấy trong danh mục mới này nhiều ngành trước đây được xếp ở chuyên ngành thì nay được xếp thành ngành học độc lập.
Hoặc sự xuất hiện trở lại của các ngành trước đây biến mất do sắp xếp lại, ví dụ, điện tử – viễn thông (trước đây là điện tử – truyền thông), kỹ thuật cấp thoát nước…
Bên cạnh đó, trong danh mục 2017, ở lĩnh vực sức khoẻ có thêm nhóm ngành mới như dinh dưỡng, rất gần với các ngành như sinh học, công nghệ sinh học, thực phẩm; kỹ thuật y học bao gồm các ngành kỹ thuật xét nghiệm y học, kỹ thuật hình ảnh y học, kỹ thuật phục hồi chức năng, trong đó nhiều ngành trước đây thuộc nhóm ngành dịch vụ y tế…
105 ngành đào tạo mới so với danh mục năm 2010
Số ngành đào tạo từ 262 ngành ở năm 2010, nay là 367 ngành, tăng 40%. Sự thay đổi tập trung chủ yếu ở 3 lĩnh vực an ninh, quốc phòng; khoa học giáo dục và đào tạo giáo viên; khoa học xã hội và hành vi. Các lĩnh vực không có sự tăng thêm ngành là nghệ thuật, khoa học sự sống, thú y.
Năm lĩnh vực có nhiều ngành đào tạo nhất là khoa học giáo dục và đào tạo giáo viên – 41 ngành (11,2%); nghệ thuật – 34 ngành (9,3%); kỹ thuật – 33 ngành (9,0%); an ninh, quốc phòng – 31 ngành (8,4%) và nhân văn – 28 ngành (7,6%).
TS LÊ THỊ THANH MAI (ĐH Quốc gia TP.HCM)
Theo Tuổi Trẻ