Vòng kết nối những người tự kỷ
Gần 23h, trong một khán phòng ở TP.HCM, Lê Tấn Đạt, Raun Kaufman, Paul Chan và Nguyễn Thanh Thảo – những thành viên chủ chốt của nhóm “The Big Friends” châu Á – vẫn bận rộn trong vòng vây của những ông bố, bà mẹ có con đang điều trị tự kỷ.
Vòng kết nối những người tự kỷ.
Gần 23h, trong một khán phòng ở TP.HCM, Lê Tấn Đạt, Raun Kaufman, Paul Chan và Nguyễn Thanh Thảo – những thành viên chủ chốt của nhóm “The Big Friends” châu Á – vẫn bận rộn trong vòng vây của những ông bố, bà mẹ có con đang điều trị tự kỷ.
Đừng bao giờ bỏ cuộc. Nếu ngày xưa cha mẹ tôi đầu hàng và tống tôi vào một trường chuyên biệt nào đó thì hôm nay tôi đã không thể đứng đây, nói chuyện cùng các bạn
Raun Kaufman
Hôm nay họ dự cuộc trò chuyện với ông Raun Kaufman, do Lê Tấn Đạt – người sáng lập nhóm The Big Friends – tổ chức. Raun Kaufman là một người tự kỷ, đi hơn 100 quốc gia trong vòng gần 20 năm qua với vai trò một diễn giả giáo dục trẻ tự kỷ bằng phương pháp The Son – Rise.
Cây cầu cho những đứa bé khác biệt
Hội trường râm ran những câu chuyện của các phụ huynh. Mỗi người một nỗi niềm. Chị P. lặn lội từ Hà Nội vào TP.HCM để tận mắt nhìn, được hỏi trực tiếp Raun về trường hợp con chị: “Con tôi rất mê iPad và hầu như cháu chỉ giao tiếp với iPad và bánh snack. Xin cho tôi lời khuyên…”.
Một phụ huynh khác bối rối: “Con tôi không nhận biết dấu hiệu đèn xanh, đèn đỏ. Con thường chống đối rất quyết liệt và chỉ thích xem chương trình ca nhạc mỗi khi chống đối. Trong trường hợp của mình, tôi chưa biết làm thế nào…”.
Raun thoải mái: “Khi còn nhỏ, tôi cũng không giao tiếp với bất kỳ ai ngoài trò quay đĩa. Nó cũng giống như iPad của con bạn bây giờ vậy.
Lời khuyên của tôi là thay vì cùng con chơi iPad, bạn hãy tạo một căn phòng hoàn toàn không có tivi, iPad để con chơi trong đó với những trò chơi tương tác tốt hơn. Tin tôi đi, chúng ta không thể cạnh tranh được với 24 hình trên giây của những cái máy. Dù khó khăn nhưng các bạn phải làm”.
Raun lưu ý: “Đừng chống đối và làm ngược lại trẻ, vì như vậy là bạn đang biến mình thành kẻ chống đối trẻ và sẽ không bao giờ trở thành bạn của con được”.
Raun thích thú, đồng tình với một phụ huynh khác: “Ồ, thật tuyệt vời khi bạn để con cứ chạy nhảy liên tục và chạy nhảy như vậy cùng con. Tôi tin là một thời gian nữa bạn sẽ hiểu lý do vì sao con bạn thích như thế. Sẽ rất tuyệt vời. Hãy kiên nhẫn”.
Cứ thế, những câu chuyện, những chia sẻ mở ra… Raun kể một mẩu chuyện của chính ông: “Khi tôi 2 tuổi, tôi không nhìn, không nói chuyện, không có bất cứ mối quan hệ nào với bất kỳ ai. Tôi chỉ thích quay đĩa suốt cả ngày.
Và mẹ tôi đã ngồi xuống, chỉ để quay đĩa cùng tôi, không nói gì. Cho đến khi tôi nhận ra bà ấy trong thế giới của mình và từ từ bước ra khỏi thế giới tách biệt của mình bằng chính cây cầu mà mẹ bắc – chơi đĩa cùng tôi.
Nếu lúc đó mẹ quăng cái đĩa đi và gào thét, bắt trói tôi lại để tôi phải học, phải nói, phải nhìn mẹ, hẳn cả đời tôi sẽ không tìm thấy cây cầu ấy”.
Đừng quên hi vọng
Cách đây 5 năm, chàng sinh viên Lê Tấn Đạt – Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM – nhận dịch một tài liệu về chương trình dạy trẻ tự kỷ hoàn toàn mới ở Việt Nam: The Son – Rise.
Từ việc dịch thuê, Đạt nhận ra đó chính là luồng gió mới dẫn bạn đến một ngã rẽ đặc biệt thay vì trở thành nhân viên ngân hàng như ngành học.
Đạt say mê và lao vào nghiên cứu phương pháp giáo dục mới này từ câu chuyện người sáng lập The Son – Rise: Raun Kaufman và cha mẹ ông.
The Son – Rise là kỹ thuật tham gia cùng trẻ tự kỷ thay vì ép buộc trẻ theo ý mình. Bằng cách: “HÃY BẮT CHƯỚC CON!” – phương pháp The Son – Rise hướng dẫn.
Để bước vào thế giới của gia đình các bé tự kỷ, Đạt đã mất gần một năm chơi với trẻ ở các trung tâm, trường chuyên biệt, thực hiện từng bước theo phương pháp mới và dần tạo niềm tin với cha mẹ các bé bằng sự lăn xả, nhiệt huyết cũng như hiệu quả thay đổi từng ngày với các bé mà Đạt và nhóm tình nguyện tiếp xúc.
“Tôi đã gặp Paul Chan, một đầu bếp Singapore và cũng là cha của một bé tự kỷ 8 tuổi, đồng thời là chủ tịch một trung tâm phi lợi nhuận trẻ tự kỷ tại Singapore. Từ Paul tôi biết chị Thảo, có con tự kỷ đang theo chương trình The Son – Rise hiện sinh sống ở Indonesia. Tôi có được những người bạn lớn cùng chí hướng” – Đạt chia sẻ.
Để gắn kết và mở rộng vòng tròn giao tiếp với thế giới những người có con cái – hoặc chính họ – mắc chứng tự kỷ, Đạt sáng lập “The Big Friends” Việt Nam.
Buổi giao lưu là một cuộc hội ngộ sau 3 năm đeo đuổi chương trình giáo dục trẻ tự kỷ The Son – Rise mà Raun Kaufman nhận lời mời có mặt, không thù lao.
Nhóm của Đạt hiện giờ đang là cầu nối với Trung tâm can thiệp tự kỷ Hoa Kỳ tại Việt Nam và tiếp nối hành trình của Raun Kaufman cũng như những người bạn mà Đạt mong mỏi sẽ mang lại những điều bổ ích, can thiệp hiệu quả giúp người tự kỷ tại Việt Nam.
Raun Kaufman lặp lại trong suốt buổi nói chuyện: “Đừng quên hi vọng. Sự thay đổi lớn nhất nằm trong chính các bạn phải là niềm tin và hi vọng. Thế giới của con ở bên kia dòng sông. Để đi qua chiếc cầu ấy, con gặp rất nhiều khó khăn. Nhưng thế giới bên kia của con xứng đáng để chúng ta vượt qua”.
3 kỹ năng khác biệt của The Son – Rise
– Tham gia cùng con: Dựa trên mối quan tâm đặc biệt hoặc sở thích của con để trở thành người bạn của con.
– Nhận biết dấu hiệu đèn xanh, đèn đỏ khi chơi với con để tránh làm trẻ nổi giận.
– Tạo động lực khuyến khích con theo hướng dẫn của cha mẹ, từng bước một, không nôn nóng và lạm dụng phần thưởng để bé làm theo.
2 nguyên tắc tuyệt đối tránh
– Đừng nhìn chằm chặp vào trẻ khi tham gia với trẻ.
– Đừng áp sát con, để con có không gian riêng.
Phép mầu của tình yêu
Cuộc hội ngộ của Raun và những người bạn ở châu Á (từ trái qua: Paul Chan, Raun Kaufman, Lê Tấn Đạt, Nguyễn Thanh Thảo) Ảnh: LÊ VÂN
Raun Kaufman, 43 tuổi, giám đốc Trung tâm giáo dục tự kỷ Hoa Kỳ (The Autism Treatment Center of America), vốn là một trẻ tự kỷ khi mới 2 tuổi.
Lúc đó, IQ của ông được đánh giá chỉ dưới 30 điểm. Raun có tất cả các triệu chứng đặc trưng của một trẻ tự kỷ nặng: không nói chuyện, không giao tiếp, chỉ quan tâm một thứ duy nhất là trò quay đĩa.
Sau nhiều năm tự dạy con bằng phương pháp giáo dục riêng của mình, cha mẹ Raun đã đưa cậu bé hoàn toàn khỏi thế giới riêng, Raun hoà nhập và đi học trở lại, tốt nghiệp ĐH Brown – một ĐH danh tiếng của Mỹ – ngành đạo đức y sinh.
Đây cũng là chất liệu để năm 1995, cha mẹ Raun Kaufman xuất bản cuốn sách Son – Rise: Phép mầu tiếp diễn. Đài truyền hình NBC cũng đã dựa trên cuốn sách này để thực hiện bộ phim tài liệu về gia đình Kaufman có tên: Son – Rise: Phép mầu của tình yêu.
Năm 1997, Đài truyền hình BBC cũng thực hiện bộ phim I want to my little boy back (Tôi muốn con tôi quay trở về).