29/11/2024

Tôi tin nhiều nơi tuyển dụng thật

Sau bài viết “Tôi không “chạy” việc, sao không tin?” đã có nhiều người chia sẻ câu chuyện tìm việc bằng chính khả năng của mình với niềm tin vẫn có nhiều cơ quan, tổ chức đang tuyển dụng người một cách thực chất.

 

Tôi tin nhiều nơi tuyển dụng thật.

 

Sau bài viết “Tôi không “chạy” việc, sao không tin?” đã có nhiều người chia sẻ câu chuyện tìm việc bằng chính khả năng của mình với niềm tin vẫn có nhiều cơ quan, tổ chức đang tuyển dụng người một cách thực chất.

 

Dưới đây là chia sẻ của bạn đọc D. Kim Thoa, chuyên mục Bạn đọc làm báo xin giới thiệu.

“Trong 12 năm làm việc với tư cách một công nhân viên chức tính tới nay và trải qua hai lần xin việc, tôi vẫn vẹn nguyên một niềm tin rằng có rất nhiều cơ quan, tổ chức trong xã hội chúng ta đang tuyển người thực chất và không phải chỗ nào cũng “chạy” mới có việc làm.

Tôi biết ở một số nơi có thể vẫn còn điều nọ điều kia, nhưng từ trải nghiệm của chính mình, tôi tin vẫn có nhiều nơi có “cửa” cho những người biết làm việc thực sự.”

D. Kim Thoa

Năm 2005, tôi tốt nghiệp loại giỏi khoa văn học, hệ đào tạo cử nhân chất lượng cao khóa đầu tiên của Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn – Đại học Quốc gia Hà Nội. Cha mẹ tôi đều đã qua đời trước đó ba năm do bị ung thư, khi tôi đang là sinh viên năm thứ hai. 

Kể từ thời điểm đó, tôi cũng đã bắt đầu làm thêm, viết bài cộng tác, dịch tin tức từ xa cho một số trang báo điện tử. Nhưng khi ra trường, đương nhiên ai cũng muốn có một công việc ổn định.

 

 

Tôi còn nhớ là sau khi ra trường, vì được chuyển tiếp lên học thạc sĩ nên tôi vẫn còn ở thêm một thời gian nữa tại ký túc xá Mễ Trì (Q.Thanh Xuân, Hà Nội). Ngày đi làm thêm, tối về lên thư viện đọc sách. 

Và trong một lần lên thư viện, tôi đọc được trên trang quảng cáo của báo Lao Động thông tin Đài tiếng nói Việt Nam tuyển biên tập viên mảng văn học nghệ thuật. Thấy mọi tiêu chí đặt ra với ứng viên phù hợp với mình, tôi nộp hồ sơ thi.

Lần thi đó có ba phần gồm tự luận, phỏng vấn và thi giọng đọc. Trong số hơn một chục giám khảo ở kỳ thi phỏng vấn và thi giọng đọc năm 2005, tôi vẫn còn nhớ những giám khảo sau này đã là “sếp” hoặc là đồng nghiệp của mình như nhà thơ Trần Đăng Khoa, nhà thơ Trịnh Bích Ba, NSƯT Hà Phương…

Đến ngày thông báo kết quả, tôi vui mừng thấy tên mình trong danh sách năm biên tập viên văn học nghệ thuật trúng tuyển. Vậy là tháng 6-2005 tôi ra trường thì từ tháng 9-2005 tôi đã về công tác tại ban văn nghệ Đài tiếng nói Việt Nam. Tất cả chi phí của tôi chỉ là 120.000 đồng lệ phí thi tuyển, ngoài ra không gì khác.

Sau chín năm công tác tại Đài tiếng nói Việt Nam, vì hoàn cảnh gia đình, tôi buộc phải rời Hà Nội vào Sài Gòn sinh sống. 

Quá trình tìm việc tương tự lại diễn ra ở một tờ báo, với gần ba năm làm cộng tác viên mới được công nhận là phóng viên quốc tế của báo, và tôi cũng hoàn toàn không mất một đồng tiền nào để “chạy” công việc này.

Có phải muốn tìm được việc thì phải “chạy”? Tuổi Trẻ mong nhận được chia sẻ về vấn đề này từ các chuyên gia, bạn đọc, nhất là những người đã tìm được công việc bằng chính khả năng của mình. Bài viết xin gửi về email: [email protected] hoặc: [email protected].

Sau này, có một số người lúc thân tình có hỏi tôi là hai lần ấy “chạy” mất bao nhiêu. Thậm chí có những người còn hỏi có biết cửa nào để “đút” cho người nhà của họ. Và điều khiến tôi ngạc nhiên là họ không tin tôi được tuyển dụng mà không tốn tiền lo lót. 

Nếu bây giờ ai đó hỏi tôi rằng tôi đã “mất bao nhiêu” để xin việc, tôi sẽ tự tin nói rằng tôi thực sự đã rất “tốn kém”.

Cái “tốn kém” mà tôi đề cập đó là toàn bộ những năm tháng tôi nỗ lực học tập và rèn luyện để làm tốt những gì mình có thể, để thuyết phục nhà tuyển dụng rằng tôi có một giá trị nào đó có thể góp sức vào công việc họ cần chứ không đơn thuần chỉ là tấm bằng tốt nghiệp loại giỏi, mặc dù tôi rất tự hào về nó.

Bạn Nguyễn Bá Anh Chi (24 tuổi, nhân viên ban kinh doanh Tổng công ty Điện lực Miền Trung – EVN CPC):

Cần thi tuyển khách quan

2

Ảnh: T.LỰC

Tôi tốt nghiệp loại xuất sắc ngành kiểm toán của Đại học Kinh tế Đà Nẵng. Sau một năm du học tại Anh, tôi trở về Việt Nam tìm việc. Tôi “rải” đơn ứng tuyển nhiều cơ quan tại Đà Nẵng và TP.HCM.

Khi nhận điện thoại của EVN CPC gọi về thi tuyển, thật tình trong đầu tôi lúc ấy vẫn có suy nghĩ liệu cuộc thi này có minh bạch, khách quan hay không, có phải đi “cửa sau” không?

Kết thúc vòng 1 gồm thi viết, tiếng Anh, tin học, chuyên môn và kiểm tra IQ, tôi bước vào vòng 2 bằng trả lời phỏng vấn của hội đồng tuyển dụng gồm phó giám đốc và các trưởng ban.

Cứ nghĩ tới đây là xong rồi nhưng không ngờ tôi phải tiếp tục trải qua vòng 3, phỏng vấn trực tiếp với tổng giám đốc. Sau đó, thật vui khi tôi được thông báo đã trúng tuyển. Hiện tôi đang trong thời gian thử việc và được mọi người trong ban hỗ trợ khá nhiệt tình.

Biết tin tôi nhận việc tại EVN CPC, gia đình và người quen vui vẻ chúc mừng nhưng cũng có một số người hỏi làm cách nào vào được nơi này, có quen biết hay “chạy chọt” gì không?

Ngay đến anh lái xe taxi đưa tôi từ cơ quan về nhà cũng hỏi làm cách nào để “chạy” vào đơn vị ấy. Tôi không buồn lắm vì trước giờ xã hội đã râm ran câu chuyện “chạy chọt” để có việc làm – một tâm thức đã hình thành như vậy nên rất khó để thay đổi ngày một ngày hai.

Chỉ mong rằng trong tương lai, nhiều cơ quan nhà nước, doanh nghiệp thay đổi hình thức tuyển dụng khách quan, minh bạch để thực sự tìm được người đáp ứng công việc và lấy lại niềm tin rằng người có khả năng sẽ tìm được việc mà không cần phải “chạy”.

TẤN LỰC ghi

D.KIM THOA