29/11/2024

Bắt tay phát triển công nghiệp ôtô

Tại hội thảo “Công nghiệp ôtô và cơ hội phát triển mạng lưới sản xuất tại VN”, các nhà sản xuất ôtô trong nước khẳng định sẽ tăng cường hợp tác, liên kết để thúc đẩy phát triển ngành ôtô VN.

 

Bắt tay phát triển công nghiệp ôtô.

 

 Tại hội thảo “Công nghiệp ôtô và cơ hội phát triển mạng lưới sản xuất tại VN”, các nhà sản xuất ôtô trong nước khẳng định sẽ tăng cường hợp tác, liên kết để thúc đẩy phát triển ngành ôtô VN.

 

Cũng tại hội thảo do Bộ Công thương tổ chức sáng 12-10, lãnh đạo Bộ Tài chính và Bộ Công thương cam kết sẽ có chính sách hỗ trợ, ưu đãi cho ngành công nghiệp phụ trợ phát triển nhằm tăng tỉ lệ nội địa hóa ôtô như kỳ vọng của các doanh nghiệp cũng như mục tiêu đề ra của Chính phủ.

Liên kết để tăng tỉ lệ nội địa hóa

Phát biểu tại hội thảo, ông Võ Quang Huệ – phó tổng giám đốc Vingroup, phụ trách dự án sản xuất ôtô Vinfast – cho biết doanh nghiệp này đặt mục tiêu tỉ lệ nội địa hóa là 60% vào năm 2025, trong đó ưu tiên cho các nhà cung cấp linh kiện, phụ kiện trong nước với kỳ vọng đóng góp vào nền công nghiệp phụ trợ của VN. 

“Chúng tôi hi vọng sẽ liên kết với các nhà sản xuất linh kiện của VN để bàn thảo chiến lược, có một sản phẩm đạt yêu cầu chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế” – ông Huệ nói.

 
 

Theo ông Phạm Văn Tài – Công ty ôtô Trường Hải (Thaco), muốn phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ cần phải phát triển công nghiệp ôtô, đồng thời đề xuất miễn thuế tiêu thụ đặc biệt cho linh kiện phụ tùng sản xuất trong nước để giảm giá cho người tiêu dùng. 

Cần có chính sách dài hơi để doanh nghiệp trong nước đẩy mạnh đầu tư, cũng như liên kết, hợp tác sử dụng sản phẩm của nhau để bắt tay thúc đẩy ngành công nghiệp ôtô” – ông Tài đề xuất.

Trong khi đó ông Phạm Anh Tuấn, trưởng tiểu ban chính sách của Hiệp hội Các nhà sản xuất ôtô VN (VAMA), đề nghị cần giảm hoặc bỏ thuế nhập khẩu linh kiện, phụ kiện từ năm 2018 mà không gắn với điều kiện về sản lượng, nội địa hóa. 

Theo ông Tuấn, từ năm 2018, thuế nhập khẩu trong ASEAN về 0%, doanh nghiệp sản xuất chịu rất nhiều sức ép, chưa kể sự thay đổi liên tục của chính sách thuế.

“Sự thiếu ổn định của chính sách khiến chi phí sản xuất ôtô tại VN cao hơn các nước trong khu vực, doanh nghiệp sản xuất khó khăn và xuất khẩu cũng bị hạn chế” – ông Tuấn nói. 

Ông Toru Kinoshita, tổng giám đốc Công ty Toyota, cũng đề nghị có chính sách duy trì tăng trưởng sự ổn định thị trường, thúc đẩy phát triển các nhà cung ứng, ưu đãi đầu tư vào công nghiệp hỗ trợ và hỗ trợ giảm chênh lệch giá giữa xe sản xuất trong nước và xe nhập khẩu.

Sẽ ưu đãi thuế cho công nghiệp phụ trợ

Không đồng tình quan điểm trên của VAMA, bà Nguyễn Thị Thanh Hằng – phó vụ trưởng Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính) – cho rằng ngành công nghiệp ôtô đã được hưởng ưu đãi và bảo hộ suốt nhiều năm qua. 

Việc đề nghị giảm thuế nhưng không gắn với điều kiện về sản lượng và tỉ lệ nội địa hóa sẽ làm ảnh hưởng đến mục tiêu tỉ lệ nội địa hóa mà Chính phủ đang đặt ra trong phát triển ngành công nghiệp ôtô.

“Trong khi các doanh nghiệp trong nước rất quyết tâm xây dựng ngành công nghiệp ôtô, tôi khá thất vọng về các giải pháp đưa ra của VAMA. 

Dù được bảo hộ trong hơn 20 năm qua, từ 2004 đến nay, nhưng tỉ lệ nội địa hóa vẫn thấp. Các doanh nghiệp có thực sự muốn nâng nội địa hóa hay không?” – bà Hằng đặt câu hỏi, rồi khẳng định nếu không có điều kiện về tỉ lệ nội địa hóa, các doanh nghiệp sẽ nhập linh kiện rời để hưởng thuế linh kiện. 

Theo bà Hằng, Bộ Tài chính sẽ ủng hộ và có chính sách thuế ưu đãi công nghiệp hỗ trợ, phát triển theo hướng tăng nội địa hoá.

Ông Đỗ Thắng Hải, thứ trưởng Bộ Công thương, cũng ủng hộ quan điểm phải gắn công nghiệp ôtô với công nghiệp hỗ trợ để có giải pháp phát triển bền vững. 

Theo ông Hải, ngoài việc tập trung nâng cao năng lực sản xuất với một số sản phẩm ôtô chủ lực, thu hút tập đoàn đa quốc gia chưa có cơ sở sản xuất xe tại các nước ASEAN vào đầu tư, cần có chính sách hỗ trợ, kết nối doanh nghiệp trong nước với nước ngoài để sản xuất linh kiện, phụ tùng, thay thế nhập khẩu và tiến tới xuất khẩu…

Vingroup và Bosch hợp tác sản xuất ôtô

mauxe 4(read-only)

Đây là mẫu xe nhận được nhiều bình chọn trong số các mẫu do Vinfast đưa ra lấy ý kiến khách hàng – Ảnh: DNCC

Ngày 12-10, tại buổi ký kết biên bản ghi nhớ, hợp tác toàn diện với Tập đoàn Vingroup trong lĩnh vực sản xuất ôtô – xe máy điện, Bosch – nhà cung cấp công nghệ và linh kiện ôtô lớn nhất thế giới – cam kết sẽ cung cấp cho Vinfast các phụ tùng, thiết bị đảm bảo chất lượng, độ chính xác và phù hợp với quy trình sản xuất.

Ngoài ra, Bosch cũng hỗ trợ, tư vấn cho doanh nghiệp này triển khai phần mềm cho ôtô, xe máy và phần mềm quản lý doanh nghiệp, thiết lập trung tâm đào tạo nghề.

Theo kế hoạch, Vinfast sẽ thành lập một trung tâm đào tạo kỹ thuật cơ điện tử và cơ khí công nghiệp theo tiêu chuẩn Đức để tập hợp đủ đội ngũ nhân lực có trình độ, vận hành các dây chuyền sản xuất hiện đại và tiến tới nhận chuyển giao dần công nghệ từ các đối tác nước ngoài…

Công Trung

NGỌC AN