Xe máy có cần niên hạn sử dụng?
Sau ý kiến “Đừng do dự khi giải quyết xe “quá đát”, diễn đàn giới thiệu thêm các ý kiến bàn về việc có nên quy định niên hạn sử dụng với xe máy để cấm lưu thông với loại xe quá cũ.
Xe máy có cần niên hạn sử dụng?
Sau ý kiến “Đừng do dự khi giải quyết xe “quá đát”, diễn đàn giới thiệu thêm các ý kiến bàn về việc có nên quy định niên hạn sử dụng với xe máy để cấm lưu thông với loại xe quá cũ.
* PGS.TS NGUYỄN HỒNG THÁI (phó trưởng khoa kinh tế Trường đại học Giao thông vận tải):
Cần quy định thời gian sử dụng
Để loại bỏ những phương tiện giao thông thường có hai cách:
– Một là thông qua kiểm định phát hiện những lỗi kỹ thuật trong quá trình vận hành không còn đảm bảo các yếu tố an toàn, gây ô nhiễm môi trường.
– Thứ hai là thông qua niên hạn sử dụng, khi hết niên hạn xem như chất lượng của phương tiện không còn nữa, nên chấm dứt lưu hành để đảm bảo an toàn giao thông và tránh gây ô nhiễm môi trường.
Có ý kiến cho rằng chất lượng xe còn phụ thuộc vào nhu cầu sử dụng, quá trình bảo trì bảo dưỡng… nên có những xe lưu hành hơn chục năm vẫn còn tốt, theo tôi số lượng đó không nhiều, trong khi các quy định, luật thì mang yếu tố chung nhất, áp dụng cho đại đa số.
Tôi cho rằng không chỉ ban hành về niên hạn đối với xe máy mà cần quy định trong quá trình sử dụng cần phải kiểm định lại. Quy trình kiểm định này sẽ kiểm tra các yếu tố về kỹ thuật và cả yếu tố về môi trường, có thể hiểu là quy trình kiểm định sẽ bao gồm cả vấn đề kiểm soát khí thải.
Tuy nhiên do chi phí kiểm định cao, có quá nhiều xe máy nên thời gian bao lâu cần kiểm định xe nhằm đảm bảo hiệu quả là việc cần nghiên cứu kỹ lưỡng trước khi ban hành các quy định.
* PGS.TS NGUYỄN LÊ NINH (uỷ viên Hội đồng tư vấn khoa học – kỹ thuật – môi trường thuộc Uỷ ban MTTQ TP.HCM):
Chỉ nên kiểm soát khí thải xe máy
Tuy nhiên vấn đề kiểm soát khí thải góp phần làm cho môi trường trong lành hơn là việc nên làm, đây cũng là một trong những giải pháp góp phần loại dần những xe máy không đảm bảo an toàn”.
Còn sâu xa của vấn đề kiểm soát phương tiện cá nhân, theo tôi, nằm ở khía cạnh xã hội. Người ở nông thôn cứ đổ dồn về các thành phố lớn, các khu công nghiệp nhưng quy hoạch hạ tầng, xã hội ở các thành phố không đồng bộ khiến phương tiện cá nhân gia tăng.
Thí dụ như khi công nhân làm việc ở các nhà máy xí nghiệp trong nội đô nhưng sinh sống ở những khu vực vùng ven, ngoại thành – những nơi này không có hệ thống xe công cộng giá rẻ kết nối nên bắt buộc họ phải đi xe máy.
Để giải quyết bài toán kiểm soát phương tiện cá nhân, tôi nghĩ là cần quy hoạch lại những “cụm dân cư khép kín” – ở đó có hệ thống hạ tầng đồng bộ như có đường sá, phương tiện công cộng đi lại, trường học, bệnh viện, trung tâm thương mại… Đây mới là yếu tố cơ bản, lý tưởng để người dân dần bỏ phương tiện cá nhân chuyển sang sử dụng phương tiện công cộng.
Sẽ đưa vào Luật giao thông
Theo lãnh đạo Cục Đăng kiểm VN, hiện nay xe máy cũ nát vẫn lưu thông trên đường không bảo đảm an toàn giao thông đang là mối quan tâm của xã hội.
Đây là vấn đề mới phát sinh nên các cơ quan chức năng sẽ cân nhắc và đưa vào soạn thảo để sửa đổi bổ sung trong Luật giao thông đường bộ mới. Về đề xuất của Bộ Giao thông vận tải trình Thủ tướng Chính phủ xem xét áp dụng lộ trình kiểm tra khí thải xe máy, cũng nằm trong chủ trương chờ sửa đổi bổ sung trong Luật giao thông đường bộ.
“Hiện Cục Đăng kiểm cũng nằm trong tổ soạn thảo sửa đổi Luật giao thông đường bộ mới, nên chúng tôi sẽ đưa ra bàn trong tổ soạn thảo vấn đề niên hạn sử dụng và kiểm tra khí thải xe máy để đề xuất bổ sung điều chỉnh luật” – vị lãnh đạo này cho biết.
N.ẨN
Phải khai báo và hủy đăng ký xe cũ
Với ưu tiên an toàn đường bộ và đáp ứng tiêu chuẩn ô nhiễm không khí, các nước trên thế giới phần lớn quy định rõ ràng về việc khai báo những sản phẩm xe và xe máy quá hạn sử dụng – gọi là “end of life vehicles (ELVs)”. Tuỳ quy định từng nước, từng tiểu bang/khu vực, các loại xe sẽ có “tuổi thọ” khác nhau để định nghĩa thế nào là quá hạn.
Nhiều nước cũng thống nhất rằng xe máy và ôtô nói chung đều phải trải qua một đợt sát hạch được tiến hành trong một giai đoạn nhất định. Điều này có nghĩa họ không quan tâm “tuổi đời” của xe tính từ ngày sản xuất, chỉ biết rằng nếu động cơ, lốp xe, hệ thống đèn, thậm chí cả… mũ bảo hiểm nếu không vượt qua đợt sát hạch thì không được tham gia giao thông.
Như thế, chủ xe sẽ quyết định “gia hạn” bằng cách thay mới những phụ tùng chưa đạt yêu cầu, hoặc huỷ đăng ký xe và bán lại – hoặc bị tịch thu giao lại cho các cơ sở kiểm định và kinh doanh phụ tùng.
Nhật Bản có hệ thống thanh tra đăng kiểm xe gọi là “shaken”, trong đó xe máy sau ba năm từ ngày đăng ký lần đầu sẽ phải tự động đưa đi kiểm tra tổng quát. Sau đó cứ mỗi hai năm phải kiểm tra một lần.
Tại Singapore, chủ xe có nhiều lựa chọn khi muốn hủy đăng ký xe. Cơ quan giao thông đường bộ (LTA) là đơn vị chịu trách nhiệm chỉ định những cơ sở hợp pháp về phế liệu, rã phụ tùng hay tiến hành lưu trữ xe cũ để bán lại.
Nếu không trình được tài liệu huỷ đăng ký ở Singapore, chủ xe sẽ bị xử lý hình sự, đối diện mức phạt 2.000 đôla Singapore hoặc 3 tháng tù.
Tại Ấn Độ, chính phủ đề xuất tự nguyện huỷ đăng ký và cấm lưu hành đối với các xe có tuổi đời 15 năm từ ngày đăng ký đầu tiên. Tuy nhiên thời hạn áp dụng và chính sách tiêu huỷ, xử lý xe hết hạn vẫn chưa được thống nhất.
NHẬT ĐĂNG