Cuộc chiến taxi chưa hạ nhiệt
11/10/2017Dù hôm qua, một số tài xế taxi Vinasun đã bắt đầu lột đề can phản đối Uber, Grab ra khỏi xe, nhưng cuộc chiến giữa taxi công nghệ và truyền thống không vì thế mà giảm nhiệt.
Cuộc chiến taxi chưa hạ nhiệt
Dù hôm qua, một số tài xế taxi Vinasun đã bắt đầu lột đề can phản đối Uber, Grab ra khỏi xe, nhưng cuộc chiến giữa taxi công nghệ và truyền thống không vì thế mà giảm nhiệt.
Doanh nghiệp – tài xế đổ lỗi cho nhau
Ngày 9.10, trao đổi với Thanh Niên, ông Tạ Long Hỷ, Phó tổng giám đốc Công ty CP Ánh Dương Việt Nam, kiêm Giám đốc Taxi Vinasun, khẳng định việc dán đề can phản đối Uber, Grab không phải là chủ trương của công ty mà có thể bắt nguồn từ sự bức xúc dồn nén của một số tài xế. Theo ông Hỷ, số lượng tài xế của Vinasun lên đến hàng nghìn, có thể có vài trăm tài xế không kìm được bức xúc do quyền lợi bị thiệt hại đã dẫn đến việc dán đề can để phản đối, cũng không loại trừ đối thủ cài người kích động. “Do sự việc đột ngột xảy ra vào ngày cuối tuần (chủ nhật) nên đến sáng nay (thứ hai, ngày 9.10) chúng tôi đã tổ chức họp khẩn và thống nhất yêu cầu anh em lái xe phải gỡ toàn bộ đề can ngay lập tức. Với những xe đang hoạt động rước khách không thể gỡ ngay ngoài đường thì khi quay về các đội để giao ca phải gỡ ngay. Việc gỡ đề can khẩu hiệu phải xong trước 7 giờ sáng mai (10.10)”, ông Hỷ nói.
Nhưng các tài xế mà chúng tôi gặp thì khẳng định, đây là chủ trương từ công ty và họ phải làm theo. Tài xế M. cho biết từ tối 7.10, các tài xế được phát mỗi người một khẩu hiệu để dán lên xe của mình. Đây là yêu cầu từ tổ trưởng theo “lệnh của bên trên” chỉ đạo như vậy. “Thực sự dán những dòng này chạy xe tôi cũng thấy mắc cỡ, không khác gì cầm cờ biểu tình. Vậy mà giờ lãnh đạo còn phát biểu với báo chí đổ lỗi cho tài xế là không thể chấp nhận được”, anh M. bức xúc.
Để kiểm chứng, chúng tôi tìm tới một số khu vực khác gặp nhiều tài xế khác nhau, họ đều khẳng định đây là chủ trương của công ty. “Công bằng hay không là vấn đề của nhà nước, bên nào làm ăn vi phạm pháp luật đã có pháp luật lo. Công ty kêu làm thì phải làm thôi chứ tài xế đâu biết gì”, tài xế T. nói.
Tỷ lệ nộp thuế tương đương
“Tội” lớn nhất của Grab, Uber mà các doanh nghiệp (DN), hiệp hội taxi trong nước dùng để “tố” trong thời gian qua là được ưu đãi thuế, nộp thuế ít, trốn thuế. Vậy sự thực nghĩa vụ thuế của các DN này như thế nào? Cao hay thấp so với taxi truyền thống?
Theo tìm hiểu của chúng tôi, chính sách thuế áp dụng đối với xe Uber, Grab được thực hiện như sau: các cá nhân kinh doanh hợp tác với Uber, Grab (tài xế) chịu thuế 4,5% trên phần được hưởng 80% tổng doanh thu. Trong đó thuế giá trị gia tăng (GTGT) 3%; thuế thu nhập cá nhân (TNCN) 1,5%. Phần 20% tổng doanh thu còn lại, Uber, Grab nộp thuế GTGT 3% và thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) 2%. Còn chính sách thuế áp dụng với taxi truyền thống là GTGT 10% (thuế GTGT phải nộp bằng thuế GTGT đầu ra trừ thuế GTGT đầu vào); thuế TNDN 25% trên lợi nhuận (theo phương pháp kê khai).
Ông Nguyễn Thái Sơn, Giám đốc Công ty tư vấn thuế Sài Gòn, giải thích Uber, Grab ăn chia doanh số với tài xế lái xe theo tỷ lệ 20% – 80% nên DN nhận doanh thu bao nhiêu thì tính thuế bấy nhiêu. Tài xế Uber, Grab cũng phải nộp thuế GTGT, TNCN của phần 80% doanh thu còn lại. Với cách ấn định thuế trên doanh thu, dù Uber, Grab có lỗ cũng phải đóng thuế. Còn các DN taxi trong nước được khấu trừ các chi phí trước khi tính thuế TNDN, nên có năm một số DN không phải đóng thuế, hoặc đóng thuế TNDN rất thấp nếu tính trên doanh thu.
Giám đốc Công ty luật Minh Đăng Quang, ông Trần Xoa, cũng khẳng định, thuế suất thuế TNDN đối với DN taxi trong nước 25% nhưng tính trên lãi. Nghĩa là DN có lãi thì mới đóng thuế, không có lãi thì cũng không phải nộp thuế. Trong khi đó, tỷ lệ thuế của Uber, Grab là tính trên doanh thu, DN có lỗ cũng phải nộp thuế này nên mới có ấn định mức thuế suất 2%. Nhìn vào 2 mức thuế “tưởng” DN taxi trong nước đóng nhiều hơn nhưng thực tế nhiều DN số thuế TNDN nộp thấp hoặc không nộp. “Nói DN khác nộp thuế nhiều hay ít, chính sách thuế có công bằng hay không, DN gian lận, trốn thuế hay không cũng phải có cơ sở chứ không thể nói bừa”, ông Trần Xoa nhận định.
Số liệu thực tế nếu tính trên doanh thu như cách tính với Uber, Grab cho thấy, Công ty taxi Mai Linh năm 2015 có tỷ lệ thuế TNCN, GTGT, TNDN và thuế khác trên doanh thu là 3,47%, 2016 là 3,93%. Công ty Vinasun tỷ lệ tương tự là 7,65% vào năm 2015 và 7,29% vào năm 2016. Nếu trừ đi thuế TNCN, tỷ lệ thuế 2016 Công ty Mai Linh chỉ ở mức 3,49%, còn Vinasun là 5,11% doanh thu, tương đương với tổng mức thuế của Uber, Grab là 5%, tài xế của 2 hãng này đóng 4,5%.
Theo thống kê của ngành thuế, 10 DN vận tải lớn trên địa bàn TP.HCM thì có 2 DN phát sinh thuế GTGT được khấu trừ, một số DN khác có tỷ lệ nộp thuế GTGT trên doanh thu dưới 3%. Hầu hết DN còn lại đều có tỷ lệ nộp thuế TNDN trên doanh thu ở mức thấp, chỉ khoảng 0,01 – 0,06%, thậm chí không phát sinh thuế TNDN phải nộp.
Ông Trần Ngọc Tâm, Cục trưởng Cục Thuế TP.HCM, cho biết cơ quan thuế đang thực hiện thu đúng theo quy định hiện nay đối với các DN taxi, Uber, Grab. Riêng Uber, Cục Thuế vừa ra quyết định truy thu thuế và xử phạt Uber 66,68 tỉ đồng. Cho đến thời điểm này Uber vẫn chưa thực hiện nộp số tiền này vào ngân sách nhà nước. Cơ quan thuế hiện vẫn đang xử lý vụ việc này.
Công ty Grab VN cũng có văn bản phản hồi thông tin mỗi năm Grab chuyển 3.600 tỉ đồng ra nước ngoài là hoàn toàn sai lệch và thiếu căn cứ. Grab VN khẳng định luôn nghiêm túc thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế của mình, việc đóng góp nghĩa vụ thuế vào ngân sách nhà nước của Grab VN luôn tăng trưởng gần 300% mỗi năm.
Taxi truyền thống bị “quản” quá chặt
Luật sư Trương Thanh Đức, Công ty luật Basico, cho rằng nguyên nhân dẫn đến mâu thuẫn giữa taxi truyền thống và taxi công nghệ bị đẩy lên cao như hiện nay là do quản lý yếu kém, không ban hành chính sách kịp thời tạo ra sự không hợp lý, bất bình đẳng trong môi trường cạnh tranh. Taxi truyền thống hiện nay bị quản quá chặt, phải thông qua đến 13 điều kiện kinh doanh, vi phạm nghiêm trọng đến tự do kinh doanh của DN. Trong khi Uber, Grab là mô hình kinh doanh mới, được tự do kinh doanh, nhà nước không được ngăn cản mà chỉ có thể xử lý theo kiểu phạm đâu phạt đấy. Khi chưa có quy định cụ thể đã đưa ra thí điểm, rõ ràng có bất cập về mặt chính sách.
Theo ông Đức, bất cứ một mô hình kinh doanh nào cũng phải chấp hành pháp luật. Vấn đề hiện nay của các nhà quản lý là phải điều tiết cho hợp lý, giảm khó cho taxi truyền thống chứ không phải gây khó cho taxi công nghệ. Phải ủng hộ cái mới, cái hiệu quả, hợp lý. Công nghệ là xu hướng mà bất kể DN nào cũng phải làm vì hiệu quả cho xã hội, bản thân DN cũng tốt hơn và đặc biệt là đem lại lợi ích cho người tiêu dùng. Tự do trong kinh doanh phải tự do cạnh tranh. Tuy nhiên, các hãng taxi truyền thống nên có chiến lược thích ứng, thay đổi, bắt kịp công nghệ thay vì có hành vi gièm pha DN, có thể vi phạm luật cạnh tranh như những ngày qua.
Ông Lê Trung Tính, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hành khách liên tỉnh và du lịch TP.HCM, cũng cho rằng Bộ GTVT nên gỡ bỏ các điều kiện kinh doanh đang gây khó cho taxi truyền thống như hạn chế số lượng taxi, ấn định giá cước hay việc tái kiểm định đồng hồ giá cước khi tăng, giảm giá gây tốn kém cho các DN. “Chúng ta đang sống trong nền kinh tế thị trường, nên để cung – cầu trên thị trường quyết định số lượng hay giá cả. UBND TP cũng cần tính toán quy hoạch các bãi đậu xe trên đường cho taxi, tránh tình trạng taxi phải chạy lòng vòng đón khách, vừa thiệt hại cho DN vừa gây ách tắc giao thông TP”, ông đề xuất.
Cứ giá rẻ, tiện lợi thì người dân sử dụng
Việc các hãng taxi truyền thống phản đối là do từ trước đến giờ họ độc quyền, nay bị một hãng khác cạnh tranh, mất thị phần nên xảy ra mâu thuẫn là điều đương nhiên. Taxi công nghệ giá rẻ, lại không phải lo ngại đồng hồ nhảy linh tinh hay tài xế chạy lòng vòng để tăng phí nên người tiêu dùng lựa chọn. Nhưng vào những giờ cao điểm, taxi công nghệ đẩy giá cao hơn taxi truyền thống thì người tiêu dùng lại quay sang chọn đi taxi truyền thống. Điều đó chứng tỏ cứ giá rẻ, tiện lợi thì sẽ được người dân sử dụng. Vậy để cạnh tranh, taxi truyền thống phải tìm ra cách giải quyết, có những kiến nghị với nhà nước để tạo môi trường cạnh tranh công bằng cho cả 2 loại xe. Vấn đề Uber, Grab có vi phạm pháp luật hay không, có trốn thuế hay không đã có cơ quan thuế, cơ quan quản lý nhà nước lo. Người tiêu dùng không quan tâm nên có dán đề can phản đối cũng không đem lại kết quả gì.
Luật gia Phan Thị Việt Thu, Phó chủ tịch Hội Bảo vệ người tiêu dùng TP.HCM
Phải lựa chọn phương thức nào thuận lợi hơn cho phát triển
Trước xung đột phải lựa chọn loại phương thức nào thuận lợi hơn cho mục đích phát triển chung. Trong trường hợp này, taxi công nghệ tiện lợi, giá rẻ, bảo đảm thời gian, an toàn, lịch trình của khách hàng, quyền lợi của người tiêu dùng được ưu tiên nên cần khuyến khích. Chính vì thế, thay vì yêu cầu Uber, Grab phải tuân thủ theo các quy định giống mình, các hãng taxi truyền thống nên đòi hỏi nhà nước “mở” các điều kiện kinh doanh để có được môi trường hoạt động dễ dàng hơn. Luật pháp luôn đi sau cuộc sống nên chỗ nào trong luật chưa có, chưa hợp lý thì nên thay đổi, bổ sung. Cái cũ nên học hỏi, hoàn thiện theo cái tiến bộ chứ không thể làm ngược, ép cái tiến bộ phải theo khuôn cái cũ được.
Ông Lê Trung Tính, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hành khách liên tỉnh và du lịch TP.HCM
Hà Mai (ghi)
|
Xem xét việc taxi truyền thống “nói xấu” Uber, Grab
Ngày 9.10, Bộ Công thương cho biết đã yêu cầu Cục Quản lý cạnh tranh thu thập các thông tin liên quan đến việc một số taxi truyền thống dán đề can phản đối Uber, Grab. Trả lời Thanh Niên, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, người phát ngôn của Bộ Công thương, cho rằng yêu cầu của Bộ với cơ quan quản lý cạnh tranh là thu thập chứng cứ xem có các hành vi vi phạm việc cạnh tranh không lành mạnh giữa các DN hay không. “Điều 43 của luật Cạnh tranh 2004 quy định cấm các DN gièm pha DN khác bằng hành vi trực tiếp hoặc gián tiếp đưa ra thông tin không trung thực, gây ảnh hưởng xấu đến uy tín, tình trạng tài chính và hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp đó. Do đó, chúng tôi yêu cầu Cục Quản lý cạnh tranh xem xét xem việc làm của các lái xe taxi truyền thống có thuộc hành vi nói trên hay không để báo cáo Bộ và sớm đưa ra phương án giải quyết”, ông Hải nói đồng thời cho biết thêm, ngay cả trong trường hợp các hãng Uber và Grab không có đơn khiếu nại thì cơ quan quản lý cạnh tranh vẫn vào cuộc bình thường để đảm bảo môi trường cạnh tranh bình đẳng.
Liên quan đến vụ việc, ông Đào Việt Long, Trưởng phòng Quản lý vận tải (Sở GTVT Hà Nội), cho biết ngay sau khi nhận được phản ánh về việc trên mạng xã hội lan truyền hình ảnh xe taxi dán biểu ngữ phản đối Quyết định 24 của Bộ GTVT và Uber, Grab, sở này đã có công văn gửi các đơn vị kinh doanh vận tải hành khách bằng taxi trên địa bàn, đề nghị tháo bỏ toàn bộ các biểu ngữ này trên các taxi do đơn vị quản lý; tuyên truyền, tập huấn đến đội ngũ lái xe của đơn vị không tham gia tụ tập đông người và phương tiện tại những địa điểm công cộng, gây mất an ninh trật tự, an toàn giao thông. Sở cũng yêu cầu các đơn vị kinh doanh nếu có ý kiến cần kiến nghị bằng văn bản, không sử dụng hình thức dán biểu ngữ như vừa qua. Tuy nhiên, theo ông Long, vẫn còn một số xe dán biểu ngữ. “Chúng tôi đang xem xét việc dán biểu ngữ trên xe có vi phạm quy định niêm yết (xe taxi phải đăng ký logo, biểu trưng logo niêm yết trên thân xe – PV) không, nếu tái diễn tình trạng này sẽ phối hợp với thanh tra xử lý”, ông Long nói.
Chí Hiếu – Mai Hà
|
Hà Mai – Thanh Xuân – Đình Mười