11/01/2025

Giấc mơ trên phố

Khi những thành viên của Quỹ “Tiếp sức đến trường” có mặt trong căn phòng trọ nhỏ xíu, đầy sách cũ, Nguyễn Tuấn Sinh lần đầu tiên mở tờ giấy báo nhập học vào khoa kỹ thuật xây dựng Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM ra trước mặt mẹ.

 

Giấc mơ trên phố.

 

Khi những thành viên của Quỹ “Tiếp sức đến trường” có mặt trong căn phòng trọ nhỏ xíu, đầy sách cũ, Nguyễn Tuấn Sinh lần đầu tiên mở tờ giấy báo nhập học vào khoa kỹ thuật xây dựng Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM ra trước mặt mẹ.


Chắc chắn trong tương lai sẽ còn rất nhiều công trình cần được xây dựng ở thành phố này và những vùng miền khác. Em ước mình được góp tay vào sự biến đổi ấy

NGUYẾN TUẤN SINH

Một tuần nay cậu đã giấu kỹ phong thư ấy vào cuốn học bạ cấp III. Sinh cúi mặt thì thầm: “Em nhờ chỗ làm thêm giữ giúp lương từ mấy tháng nay, hi vọng ráng đủ để nhập học. Không dám nói mẹ biết, sợ mẹ lo…”.

Từ “ráng” đến “ráng”

Bà Nguyễn Thị Thành, mẹ Sinh, lau nước mắt chảy tràn trên khuôn mặt gầy gò, mắng yêu con trai: “Cái thằng cứ ngu vậy đó. Để mẹ ráng xin nợ tiền nhà may ra lo được tiền học”… Câu chuyện của hai mẹ con đi từ chữ “ráng” này qua chữ “ráng” kia. Mẹ ráng vì con, còn con thì ráng vì một ngày mai tươi sáng mà trong ấy có mình, có mẹ.

Bà kể chồng chết, con chưa đầy 2 tuổi, bà bồng con từ Quảng Nam vào TP.HCM tìm cách buôn bán. “Cực quá, mấy chị đồng hương giới thiệu cho thằng bé đến Mái ấm Tân Bình để được ăn học. Vì con mà phải ráng xa con” – bà Thành nói. Rồi bà đổ bệnh, Sinh xin hồi gia để lo cho mẹ. 15 tuổi, Sinh vừa đi học vừa phụ bán quán, bán vé số, chăm sóc mẹ ốm.

“Đến cả ước mơ của con tôi cũng không biết, không dám mong nó thực hiện được. Tôi thật có lỗi với con” – bà Thành ngậm ngùi. 

Còn Sinh thì nói: “Mỗi ngày đạp xe đi học nhìn thấy những con đường, khu phố quanh mình thay đổi rất nhanh. Những công trường xây dựng mọc lên rồi dọn đi để lại một khu nhà mới, đẹp, hiện đại. Chắc chắn trong tương lai sẽ còn rất nhiều công trình cần được xây dựng ở thành phố này và những vùng miền khác. Mình ước được góp tay vào sự biến đổi ấy”. 

Sinh cho biết bạn đã tìm hiểu kỹ về ngành xây dựng và ước mơ được theo ngành này.

Sự tự tin rắn rỏi ấy của Sinh thể hiện ngay trong học bạ ở Trường THPT Hàn Thuyên (Phú Nhuận, TP.HCM). Điểm không cao nhưng tăng đều từ trung bình đến khá qua từng học kỳ. Nhận xét của cô Lê Thị Thanh Uyên lớp 11: “Rất cố gắng, phấn đấu trong học tập. Đáng khen”; cô Mai Thị Xuân lớp 12: “Có năng lực trong các môn tự nhiên. Dù hoàn cảnh khó khăn nhưng luôn có ý thức học tập tốt”.

Bên xe sách cũ

Bà Huỳnh Tuyết Nga, người mà Sinh gọi “má Nga” suốt những năm sống ở Mái ấm Tân Bình, xúc động kể: “Cực, vất vả hơn ở đây nhiều nhưng vẫn chịu khó học, mỗi lần qua thăm chúng tôi, con lại khoe mới mượn được sách, tài liệu của bạn này, bạn kia để học thêm. Vừa rồi con cho biết đã đủ điểm đậu vào ngành yêu thích nhưng sợ không đủ tiền theo học. Sinh trình bày với tôi một kế hoạch: xin bảo lưu điểm một năm để đi làm, tích lũy ít tiền sang năm mới vào học. Tôi nghe vậy thì không bằng lòng, sợ con lỡ mất cơ hội nhưng lại không có khả năng giúp con”.

Từ ngày về với xe sách cũ khó nghèo ngày càng ế ẩm của mẹ, Sinh chia ngày ra làm ba buổi: sáng phụ bưng bê trong quán mì quảng, chiều đi học, tối phụ giúp đại lý vé số. “Biết năm lớp 12 là năm học rất quan trọng, tôi bàn với con tạm nghỉ làm, thiếu thốn hơn chút nữa cũng đã quen” – bà Thành kể. Phòng trọ chật chội bí bức, Sinh mang sách vở ra vỉa hè, nơi có xe sách cũ của mẹ, vừa giúp mẹ dọn sách, tránh nắng, chạy mưa, vừa học bài.

Ngồi bên xe sách cũ của bà Thành một buổi sáng, người mua mấy cuốn sách, tạp chí thì thưa thớt nhưng lại có nhiều hơn những người đồng cảnh buôn gánh bán bưng bên hông chợ tự phát đến hỏi thăm việc học của Sinh, giúi cho bà Thành con cá khô, gói chà bông. Thì ra chuyện một cậu bé nuôi giấc mơ đại học bên xe sách cũ này đã được nhiều người chứng kiến từ nhiều năm.

Từ hôm thi xong, Nguyễn Tuấn Sinh đi phụ ở đại lý vé số, tích lương lại đến cuối tháng này mới nhận để chuẩn bị đóng tiền học. Bạn cũng vừa đăng ký phục vụ một quán gà rán buổi tối, chuẩn bị cho ban ngày đi học.

“Nếu tiền lương sắp tới không đủ, mình đành xin bảo lưu đến năm sau. Vừa tính vậy thì bạn bè giới thiệu học bổng “Tiếp sức đến trường” của báo Tuổi Trẻ. Nhất định mình sẽ trở thành một kỹ sư xây dựng và có những công trình tốt” – Sinh nói.