28/11/2024

Nhờ Tuổi Trẻ, đường tới trường hãy bớt gian nan

Giải thưởng Làm báo cùng Tuổi Trẻ tháng 8-2017 đã trao đến hai bạn đọc phản ảnh về nỗi gian truân trong giáo dục, với câu chuyện thầy cô gian nan cắm bản vùng cao và phụ huynh xếp hàng xuyên đêm để nộp đơn cho con vào lớp 1.

 

Nhờ Tuổi Trẻ, đường tới trường hãy bớt gian nan.

 

Giải thưởng Làm báo cùng Tuổi Trẻ tháng 8-2017 đã trao đến hai bạn đọc phản ảnh về nỗi gian truân trong giáo dục, với câu chuyện thầy cô gian nan cắm bản vùng cao và phụ huynh xếp hàng xuyên đêm để nộp đơn cho con vào lớp 1.

 

Câu chuyện “Cố thủ xuyên đêm trước trường chờ nộp đơn lớp 1 cho con” (Tuổi Trẻ Online ngày 8-8) xảy ra ở trước Trường tiểu học Trần Quốc Toản (ấp An Chu, xã Bắc Sơn, huyện Trảng Bom, Đồng Nai), với hàng chục phụ huynh trên địa bàn đã “đóng chốt” trước cổng trường ròng rã hơn một ngày đêm để chờ nộp đơn.

Mặc dù nhà trường đã thông báo đúng 7h30 ngày 8-8 mới nhận hồ sơ đăng ký nhập học vào lớp 1, nhưng ngay từ 6h ngày 7-8, các phụ huynh đã xếp hàng ngoài cổng trường để mong giành được cho con mình một suất học trong số 65 suất cho năm học 2017-2018. 

Nhiều gia đình đã phải cử người thay nhau giữ chỗ, chen lấn, chờ đợi hơn 24 tiếng mới nộp được hồ sơ cho con. Và do trường chỉ nhận 65 hồ sơ nên còn rất nhiều phụ huynh khác dù vất vả xếp hàng cũng đành phải ra về trong buồn bã, mệt mỏi.

Anh T. (ngụ xã Bắc Sơn, người báo tin nóng này đến báo Tuổi Trẻ) kể rằng việc xếp hàng, chen lấn để nộp hồ sơ cho con vào Trường tiểu học Trần Quốc Toản đã xảy ra từ 2-3 năm nay. 

“Tối 7-8, tôi ra trường thăm dò để nộp hồ sơ nhập học cho con thì thấy đã có hàng chục người xếp hàng dài trước cổng trường, nhiều người mang theo mùng mền ngủ qua đêm. Dù cũng muốn cho con học gần nhà nhưng nhìn cảnh chen chúc xếp hàng như vậy, sợ quá nên tôi đành bỏ cuộc” – anh T. nói.

Kể về nỗi khổ của các bậc phụ huynh tại đây với báo Tuổi Trẻ, anh T. bày tỏ mong muốn báo chí lên tiếng để thúc đẩy ngành giáo dục và nhà trường có giải pháp chấm dứt tình trạng này. 

Theo anh T., khu vực ấp An Chu có rất đông công nhân sinh sống, trong đó có nhiều đôi vợ chồng trẻ có con em đang trong độ tuổi đến trường và ai cũng mong muốn con em được học tại Trường tiểu học Trần Quốc Toản vừa gần nhà, đỡ các chi phí đưa đón, vừa tránh nguy hiểm do đi trái đường.

“Trường tiểu học Trần Quốc Toản là trường điểm, năm học 2017-2018 chỉ nhận 4 lớp 1 với tổng cộng 130 học sinh (trung bình 30-35 em/lớp). Nếu ngành giáo dục có giải pháp để có thêm học sinh vào trường này, ví dụ tăng thêm sĩ số học sinh của lớp, đầu tư xây thêm phòng học vì khuôn viên trường còn rộng, hoặc có thêm nhiều trường học chất lượng… thì phụ huynh sẽ đỡ vất vả hơn nhiều.” 

“Hai năm nữa, con thứ hai của tôi cũng bắt đầu vào tiểu học. Lúc đó, mong là không chỉ con tôi mà con của nhiều bậc phụ huynh khác trên địa bàn cũng có nơi, có chỗ học an toàn, thuận lợi, không còn cảnh gian nan xin học cho con như vừa rồi” – anh T. gửi gắm.

Cô giáo ĐÀO THỊ PHƯỢNG (tác giả bài viết “Gian nan này ai thấu thầy cô”, Tuổi Trẻ ngày 13-8):

untitled-1 copy

 

Mong sự thấu hiểu của cộng đồng

Tôi rất bất ngờ, xúc động khi bài viết, hình ảnh và clip của mình được đăng tải trên Tuổi Trẻ – tờ báo tôi rất yêu quý, tin tưởng. Càng bất ngờ, xúc động hơn khi câu chuyện tôi kể lại lan truyền cảm xúc, lay động nhiều trái tim của cộng đồng mạng đến vậy.

Theo dõi những phản hồi bài viết “Gian nan này ai thấu thầy cô” trên Tuổi Trẻ, tôi càng xúc động hơn khi nhận được sự thấu hiểu, chia sẻ của bạn đọc với những khó khăn, vất vả mà những giáo viên vùng sâu vùng xa chúng tôi phải trải qua.

Xuất phát từ những khó khăn về đường đi lại, cơ sở vật chất, trường lớp thiếu thốn, tôi muốn thông qua báo Tuổi Trẻ để gửi gắm những bài viết, hình ảnh cũng như nỗi niềm, tâm tư của mình đến mọi người. Tôi mong muốn sẽ nhận được sự thấu hiểu, chia sẻ, giúp đỡ của cộng đồng, để thầy cô và học sinh nơi rẻo cao an tâm dạy và học.

Dù con đường đến lớp dạy chữ còn đầy gian khó, bất trắc; dù điều kiện trường lớp còn nhiều thiếu thốn… nhưng tôi sẽ quyết tâm bám bản để mang con chữ, niềm vui đến cho các em.

DANH TRỌNG ghi

A LỘC