Giá cả nông sản luôn bấp bênh nhưng anh Võ Hoài Văn (27 tuổi, xã Hoà Thành, H.Đông Hoà, Phú Yên) quyết chọn sản xuất nông sản sạch để khởi nghiệp và đã thành công.
Liên kết đưa nông sản sạch ra thị trường
Giá cả nông sản luôn bấp bênh nhưng anh Võ Hoài Văn (27 tuổi, xã Hoà Thành, H.Đông Hoà, Phú Yên) quyết chọn sản xuất nông sản sạch để khởi nghiệp và đã thành công.
Lớn lên ở vùng nông thôn xã Hoà Thành, gắn bó tuổi thơ với nông nghiệp nên anh Văn trăn trở phải lập nghiệp bằng chính nghề nông. Ban đầu, anh chọn nuôi heo theo mô hình trang trại khép kín. Vì trang trại cần diện tích lớn, phải xa khu dân cư nên anh Văn chọn khu đất tại KP.Phú Hoà, TT.Hoà Hiệp Trung (H.Đông Hoà) để xây dựng.
Từ chuỗi thịt sạch…
Anh Võ Hoài Văn cho biết riêng rau sạch, mỗi ngày hệ thống siêu thị cung cấp hơn 200 kg rau củ các loại. Mỗi tháng doanh thu mỗi cửa hàng hơn 1 tỉ đồng
Anh Văn đã đầu tư nuôi hơn 100 con heo nái và 2.000 con heo thịt với sản lượng khoảng 200 tấn/năm. “Quy trình chăn nuôi heo theo mô hình khép kín nên phải kiểm soát dịch bệnh rất nghiêm ngặt. Heo nuôi đều được đánh số theo dõi, chuồng trại thì phải luôn thoáng mát, khử mùi, khử trùng sạch sẽ”, anh Văn chia sẻ.
Theo anh Văn, với số lượng heo nái của trang trại thì hằng năm sinh sản hơn 4.000 heo con, đủ cung cấp cho trang trại nuôi heo thịt. Để có đầu ra ổn định, anh liên hệ các nhà hàng, quán ăn giới thiệu về sản phẩm thịt sạch từ trang trại; đồng thời đầu tư mở 2 siêu thị mini với thương hiệu V’Mart để cung cấp thịt heo cho người tiêu dùng TP.Tuy Hòa (Phú Yên). “Toàn bộ số lượng heo này, mình giết mổ để cung cấp cho các nhà hàng, quán ăn và phân phối tại 2 siêu thị. Trong đợt heo rớt giá vừa rồi, người chăn nuôi điêu đứng nhưng trang trại của mình vẫn duy trì đàn nuôi, doanh thu từ trang trại có giảm nhưng bình quân vẫn lãi hơn 500.000 đồng/con. Không bị thua lỗ là do mình áp dụng quy trình nuôi khép kín, theo chuỗi giá trị từ chuồng đến tận tay người tiêu dùng”, anh Văn bộc bạch.
Sau khi mở hệ thống siêu thị, lượng thịt tiêu thụ ngày càng tăng nên anh Văn liên kết cùng người dân để phát triển theo chuỗi, đảm bảo nguồn thịt sạch cung cấp ra thị trường. Anh Văn cho biết: “Trang trại liên kết với 10 hộ dân bên ngoài nuôi khoảng 2.000 con với sản lượng khoảng 200 tấn/năm. Quy trình kỹ thuật được mình hướng dẫn kỹ, cung cấp thức ăn và bao tiêu luôn đầu ra cho bà con”. Ngoài thức ăn chế biến sẵn, để tăng chất lượng thịt heo, anh Văn còn bổ sung thêm các thức ăn như sắn, bắp và rau củ quả.
Sáng 23.6, Ban Quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM đến tỉnh Long An làm việc với Hợp tác xã Phước Thịnh và nhà máy giết mổ, chế biến thực phẩm San Hà về cung cấp thực phẩm sạch, an toàn cho TP.HCM.
Bà Văn Thị Đào ở KP.Phú Hiệp 1, TT.Hoà Hiệp Trung (H.Đông Hoà), người nuôi heo liên kết cùng anh Văn, cho biết: “So với nuôi heo thịt bình thường thì nuôi heo sạch luôn có lãi ổn định, dù giá heo có lên xuống bấp bênh. Giá heo thường hiện nay trên thị thường 33.000 đồng/kg thì bên anh Văn thu mua cao hơn từ 3.000 – 4.000 đồng/kg. Hơn nữa, khi giá heo xuống thấp chúng tôi cũng không lo đầu ra vì đã có chỗ anh Văn bao tiêu. Tôi nuôi liên tục, mỗi tháng xuất bán cho anh Văn 25 – 30 con heo, bình quân lãi hơn 10 triệu đồng”.
Đến vùng rau VietGAP
Không chỉ cung cấp nguồn thịt sạch cho người tiêu dùng TP.Tuy Hoà, anh Văn còn liên kết với các hộ dân ở xã Bình Ngọc, TP.Tuy Hòa trồng hơn 3 ha rau sạch và liên kết với HTX rau sạch Đà Lạt cung cấp củ quả sạch. “Tôi khảo sát nhu cầu rau sạch của người dân Tuy Hoà rất lớn. Vì thế, tôi liên kết với các hộ dân để sản xuất rau sạch theo tiêu chuẩn VietGAP”, anh Văn nói và cho biết khi liên kết, anh giám sát từ khâu giống, phân bón, tuyệt đối không sử dụng hóa chất mà sử dụng sản phẩm sinh học trong quá trình sản xuất. Rau thu hoạch chủ yếu được tiêu thụ qua hệ thống siêu thị V’Mart.
Chị Phan Thị Thanh Tâm, người trồng rau ở xã Bình Ngọc, TP.Tuy Hoà, cho biết mỗi ngày chị cung cấp cho siêu thị anh Văn từ 70 – 100 kg rau. “Những ngày thường là vậy, nhưng cuối tuần thì nhiều hơn. Vì trồng rau sạch theo chuỗi và có ký hợp đồng nên phía anh Văn bao tiêu sản phẩm với giá rất ổn định”, chị Tâm nói.
Theo chị Tâm, hiệu quả của liên kết sản xuất theo chuỗi đã nâng cao thu nhập gấp 3 lần so với cùng diện tích trồng trước đây. Chị Tâm nói: “Trước đây khi chưa có liên kết chuỗi, việc tiêu thụ rau phụ thuộc vào tư thương. Nhiều khi tư thương điện thoại bảo thu hoạch rau, nhưng sau đó họ không đến lấy hàng nên rất bị động, lượng rau hao hụt nhiều. Cũng có khi rau chưa đúng ngày nhưng tư thương bảo thu hoạch thì mình cũng phải thu hoạch. Bây giờ, liên kết làm ăn thì lượng rau tiêu thụ ổn định hằng ngày, rau đúng độ tuổi thì mới thu hoạch nên chất lượng rau đảm bảo hơn nhiều”.