Tăng thuế đột biến, cá tra nguy cơ mất thị trường Mỹ
Bộ Thương mại Mỹ (DOC) vừa quyết định đánh thuế chống bán phá giá với cá tra của VN lên mức 2,39 USD/kg, cao gấp 3 lần so với đợt đánh thuế trước. Đây cũng là mức thuế chống bán phá giá (CBPG) cao nhất từ trước đến nay.
Tăng thuế đột biến, cá tra nguy cơ mất thị trường Mỹ
Bộ Thương mại Mỹ (DOC) vừa quyết định đánh thuế chống bán phá giá với cá tra của VN lên mức 2,39 USD/kg, cao gấp 3 lần so với đợt đánh thuế trước. Đây cũng là mức thuế chống bán phá giá (CBPG) cao nhất từ trước đến nay.
Ngày 13-9, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) thông báo về quyết định sơ bộ thuế chống bán phá giá của đợt xem xét hành chính lần thứ 13 (POR13) đối với mặt hàng cá tra phi lê đông lạnh từ Việt Nam giai đoạn từ 1-8-2015 đến 31-7-2016.
Theo đó, DOC đánh thuế đối với cá tra của Việt Nam trong đợt xem xét này ở mức 2,39 USD/kg (cao gấp 3 lần mức thuế suất riêng lẻ trong kỳ xem xét hành chính lần thứ 12).
Đây cũng là mức thuế chống bán phá giá cá tra cao nhất từ trước đến nay và sẽ dẫn đến nhiều nguy cơ cho xuất khẩu cá tra vào thị trường Mỹ.
Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (VASEP) cho hay, đây mới chỉ là kết luận sơ bộ của DOC và các doanh nghiệp vẫn còn thời gian 6 tháng để kháng nghị nhằm giảm thuế.
Mức thuế mà các doanh nghiệp phải chịu trong kết luận của DOC là bất hợp lý và nếu được giữ nguyên sẽ tác động tiêu cực đến xuất khẩu cá tra Việt Nam trong thời gian tới.
Với mức thuế cao đến 2,39 USD/kg thì không công ty nào của Việt Nam có khả năng xuất khẩu vào Mỹ.
Theo VASEP, trải qua 13 kỳ xem xét hành chính trong vụ kiện CBPG thì đây là lần đầu tiên DOC đã có những điều chỉnh hoàn toàn thiếu cơ sở pháp lý và bỏ qua các qui định thông thường từ trước đến nay khi đưa ra quyết định sơ bộ vừa qua.
Kết quả sơ bộ đợt xem xét hành chính lần thứ 13 thể hiện sự không công bằng, trái với các qui định về luật chống bán phá giá thông thường đồng thời mang tính áp đặt và vô lý đối với các doanh nghiệp đang xuất khẩu sản phẩm cá tra phi lê đông lạnh vào thị trường Hoa Kỳ.
Cụ thể, DOC đã áp dụng các yếu tố bất lợi có sẵn (Adverse Facts Available – AFA) và tính biên độ phá giá 2,39 USD/kg đối với bị đơn bắt buộc là công ty GODACO khi cho rằng công ty không hợp tác trong quá trình xem xét và không cung cấp đầy đủ các dữ liệu cần thiết cho DOC.
Điều này hoàn toàn thiếu cơ sở khi Công ty GODACO đã có sự chuẩn bị tốt nhất trong việc cung cấp đầy đủ dữ liệu được yêu cầu liên quan đến các yếu tố sản xuất, số liệu bán hàng… cũng như trả lời đầy đủ, đúng hạn các câu hỏi của DOC.
Nếu DOC căn cứ vào hồ sơ và số liệu do GODACO cung cấp để làm cơ sở tính mức thuế phá giá như những lần xem xét trước đây thì chắc chắn GODACO sẽ có một mức thuế suất không đáng kể.
Một điều được cho là vô lý hơn là DOC đã dùng mức thuế tính theo AFAs để tính mức thuế trung bình cho các công ty được hưởng thuế suất riêng rẽ khác trong khi các công ty này đã cung cấp đầy đủ hồ sơ dữ liệu theo đúng thời hạn và yêu cầu của DOC.
Đây là một việc chưa có tiền lệ, thể hiện sự áp đặt chủ quan thiếu cơ sở của DOC trong quá trình xem xét.
Ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký VASEP, cho biết hiệp hội này phản đối quyết định thiếu công bằng của DOC, đề nghị phải xem xét kỹ lưỡng các hồ sơ, dữ liệu đầy đủ mà GODACO đã cung cấp để làm cơ sở tính toán và đưa ra mức thuế chính xác và hợp lý cho các công ty, không được quyền áp dụng các yếu tố bất lợi có sẵn (AFA) để tính mức thuế.