Kết nối cung cầu hàng hoá theo vùng
Bộ Công thương phối hợp với UBND tỉnh Quảng Ngãi vừa tổ chức hội nghị kết nối cung cầu hàng hoá Quảng Ngãi năm 2017, thu hút 22 tỉnh, TP trong cả nước và 120 doanh nghiệp tham dự.
Kết nối cung cầu hàng hoá theo vùng
Bộ Công thương phối hợp với UBND tỉnh Quảng Ngãi vừa tổ chức hội nghị kết nối cung cầu hàng hoá Quảng Ngãi năm 2017, thu hút 22 tỉnh, TP trong cả nước và 120 doanh nghiệp tham dự.
Theo ông Đặng Văn Minh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi, trong những năm gần đây thông qua việc tổ chức hội chợ, triển lãm do tỉnh tổ chức và chương trình khuyến mãi đã tạo nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp quảng bá sản phẩm, thương hiệu, kết nối giao thương, mở rộng thị trường, tiếp cận trực tiếp với khách hàng. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc kết nối cung cầu hàng hóa vẫn còn nhiều trở ngại, nhất là các mặt hàng nông sản nông dân sản xuất ra không tiêu thụ được như: dưa hấu, bí đỏ, khoai lang tím, thịt heo hơi…
“Phần lớn các sản phẩm này đều bị thương lái Trung Quốc ký hợp đồng bao tiêu nhưng không thực hiện đã làm cho người nông dân điêu đứng, tác động bất lợi đến tốc độ phát triển kinh tế”, ông Minh nói và cho rằng đây là bài học kinh nghiệm của chúng ta về công tác xây dựng hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu cung – cầu hàng hoá.
Từ thực tế trên, ông Đặng Văn Minh gợi mở các địa phương phải chủ động xây dựng cơ sở dữ liệu thông tin cung – cầu theo chuyên ngành của mỗi địa phương và được tích hợp trong phạm vi vùng, tiến tới phạm vi cả nước để cung cấp thông tin cung cầu thị trường đến các doanh nghiệp, đồng thời phục vụ công tác quản lý nhà nước của địa phương, đẩy mạnh liên kết, phát triển vùng.
“Bộ Công thương cần nghiên cứu triển khai thí điểm xây dựng cơ sở dữ liệu thông tin cung cầu ở khu vực miền Trung – Tây nguyên. Ngoài ra, các doanh nghiệp cần xây dựng cho mình một thương hiệu riêng, chủ động nắm thông tin thị trường và liên doanh, liên kết hoạt động thành chuỗi sản xuất – tiêu thụ hàng hoá đảm bảo cung cầu thị trường và cạnh tranh về giá sản phẩm, hàng hóa để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng”, ông Minh đề nghị.
Theo nhiều đại biểu, nên tổ chức các hoạt động kết nối cung cầu theo hình thức chuỗi kết hợp nhiều sự kiện, hoạt động phong phú, đa dạng. Qua đó tạo điều kiện để các doanh nghiệp tiết kiệm thời gian, chi phí tham gia, đồng thời có cơ hội gặp gỡ với nhiều đối tác hơn, từ đó sẽ cộng hưởng, nâng cao hiệu quả và tính lan tỏa của chương trình.
Tại hội nghị đã diễn ra việc ký kết hợp tác giữa các doanh nghiệp và hệ thống phân phối, với gần 30 doanh nghiệp tham gia.
|
Hiển Cừ