11/01/2025

GrabBike – Những cuốc xe đời – Kỳ 2: Đồng tiền đắng

Chạy GrabBike là để kiếm tiền, nhưng cầm được tiền không phải lúc nào cũng dễ dàng.

 

GrabBike – Những cuốc xe đời – Kỳ 2: Đồng tiền đắng

Chạy GrabBike là để kiếm tiền, nhưng cầm được tiền không phải lúc nào cũng dễ dàng.




Thánh “bào” Trương Anh Vũ 	 /// Ảnh: Nguyễn Tập

Thánh “bào” Trương Anh VũẢNH: NGUYỄN TẬP

Bị “quỵt” tiền
Người phương Tây có câu rất hay: “Chim sớm sẽ bắt được sâu to” (The early bird gets the worm). Thật chí lý. “Chim sớm” là tôi dậy từ 5 giờ 30 sáng, vệ sinh sạch sẽ ra đường lúc 6 giờ 15, chỉ một lúc sau đã bắt ngay được một “sâu to” gần… 100 kg. Khách ngồi lên, xe bị trì hẳn.
Cuốc xe chưa đến 2 km theo biểu giá là 12.000 đồng. Đến nơi, khách đưa… 10.000 đồng và nở nụ cười rất duyên: “Không có tiền lẻ. Thôi, thiếu 2.000 đồng nhé”, rồi quay lưng đi thẳng bỏ lại thằng tài xế tôi, tay cầm tờ 10.000 đồng đứng ngẩn ngơ không nói nên lời.
Sáng “mở hàng” vầy chắc ngày hôm nay… ế rồi, nghĩ vậy nhưng cũng đành tự an ủi mình còn may hơn mấy tài xế Grab khác. Tài xế Triệu Vỹ khu vực Q.Tân Bình kể, có cụ già cỡ 90 tuổi nhờ người khác đặt Grab giùm. Ông kêu người ta đặt ở đường số 5 Q.Bình Tân. Chở tới đó, cụ bảo không phải và mắng Vỹ xối xả “ngu không biết đường mà cũng chạy”. Vỹ lại mở bản đồ định vị chạy thử ra đường số 5 Bình Hưng Hoà cách đó 10 km, cụ cũng nói không phải và tiếp tục mắng. Ráng tìm tiếp đến đường số 5 gần công viên Gia Phú, lúc đó cụ mới kêu đúng nhà.
“Cuốc xe 32.000 đồng (dù thực chất lần đó đi hơn 20 km, lòng vòng hơn một tiếng rưỡi). Xong xuôi, ổng đưa mình… 25.000 đồng vì “mọi lần ta đi chỉ 25.000 đồng thôi”. Lúc đó mình cũng chỉ biết cười mếu máo”, Vỹ tâm sự.
GrabBike - Những cuốc xe đời - Kỳ 2: Đồng tiền đắng - ảnh 2

Nơi tụ tập quen thuộc của tài xế Grab, Uber… Anh em thường đến đây để tắm rửa, nằm nghỉ ngơi sau những cuốc xeẢNH: NGUYỄN TẬP

Nếu như bác tài Triệu Vỹ bị “hành xác” thì bác tài Hồng Hưng lại bị “nữ quái” gạt tiền. Trên đường từ Q.Bình Tân về Q.Phú Nhuận, vị khách nữ mượn tài xế Hưng 130.000 đồng để mua đồ. Thấy chị ta ăn mặc lịch sự lại đang có bầu, nên Hưng cũng không đề phòng lắm. Đến nơi, chị ta kêu không có tiền trả. Bị Hưng đòi quá nên chị ta gọi cho một thanh niên khác đưa một cái điện thoại “cùi bắp” cầm đỡ. “Lúc đó tiền lỡ đưa bả rồi, nên đành cầm cái điện thoại, về kiểm tra mới biết đó là cái điện thoại hư. Anh em cẩn thận nhé!”, anh Hưng cảnh báo trên diễn đàn của các tài xế GrabBike.
Nhưng vui nhất chắc là chuyện một bác tài chở khách từ Phú Hoàng Anh (H.Nhà Bè) đến chợ Bàn Cờ (Q.3). Tới nơi, khách nói “đợi chút để tui vô chùa xin tiền xong rồi ra trả (!?)”.
Áp lực chấm sao
Mỗi cuốc xe sẽ được khách đánh giá theo thang điểm từ 1 – 5 sao dựa trên mức độ hài lòng của khách. Muốn tham gia chương trình hỗ trợ doanh thu, số sao phải từ 4,9 trở lên. Sao dưới 4,7, tài xế có thể bị cảnh cáo và ngưng chạy một tuần. Điều này có nghĩa là chỉ cần khách chấm 4 sao, coi như tài xế bị sụt điểm.
Một trong những lý do phổ biến khách chấm sao thấp là nhiều tài xế không biết hoặc hay hỏi khách về đường đi. Không sai, nhưng cũng tội cho họ bởi nhiều người là dân tỉnh, không rành đường ở TP. Sử dụng bản đồ trên điện thoại để tìm đường cũng được, nhưng với những nhà nằm ở đường hẻm phức tạp bắt buộc tài xế phải vừa chạy vừa nhìn điện thoại để tìm. Việc này rất nguy hiểm khi chạy xe và tài xế rất dễ bị giật điện thoại.
Có lần tài xế phải chạy gần hai cây số để đón khách rồi sau đó đưa về tận nhà trong hẻm đến “mấy cái xuyệt”. Ông khách sử dụng chương trình khuyến mãi 15.000 đồng/cuốc xe của GrabBike để đi đoạn đường giá 12.000 đồng. Đương nhiên khách được miễn phí. Vậy mà đến nơi, khách không chịu vô nhà mà đứng đợi chờ tài xế… đưa thêm 3.000 đồng. “Khi tui giải thích cuốc xe thấp hơn tiền khuyến mãi sẽ không được nhận tiền thối, thế là ổng bực, sau đó y như rằng sao bị rớt điểm”, tài xế Điền Tây kể.
Lần khác đang chạy, vị khách trẻ bỗng vỗ vai tài xế giọng gấp gáp: “Anh ơi gí theo chiếc xe Exciter phía trước giùm em!”. Tài xế hỏi lại: Chi vậy? Khách đáp: “Để em lên đập chết mẹ nó. Ai biểu nó chạy… văng nước lên mặt em”. Tài xế lúc đó cũng hoang mang, không biết có nên chiều khách không. Nếu không chiều, khách chấm 1 sao là khổ luôn.
Áp lực về sao cao đến nỗi có tài xế dán lên sau nón hàng chữ: “Chào mừng quý khách lên xe của em ạ!!! Nếu trong quá trình di chuyển có vấn đề gì, xin hãy nói với em ạ. Xin ĐỪNG chấm sao thấp cho em. Vì như vậy em sẽ bị khóa tài khoản và không thể đi làm. Em còn nuôi gia đình nữa ạ. Xin quý khách thông cảm đánh giá 5 sao cho em ạ. XIN CẢM ƠN!!!”. Đọc mà không biết nên khóc hay cười.
GrabBike: Những cuốc xe đời

Trang bị đồ gắn và sạc pin điện thoại trên xeẢNHH: NGUYỄN TẬP

Thù lao tài xế: 2.600 đồng/km
Tôi có làm một cuộc khảo sát nhỏ, phần lớn khách đi GrabBike ít quan tâm hoặc không biết mức thù lao của tài xế là bao nhiêu. Dù 2 km đầu tiên = 12.000 đồng (trung bình 6.000 đồng/km) nhưng những km kế tiếp, giá chỉ còn 3.800 đồng/km. Khoan! Đó chưa phải là số tiền thực lãnh của tài xế GrabBike, phải trừ 20% chiết khấu của Grab = 800 đồng/km, trừ tiền xăng = 400 đồng/km. Nên thực tế chỉ còn: 3.800 – 800 – 400 = 2.600 đồng/km, đó là chưa tính tiền ít nhất một cuộc điện thoại cho khách (hơn 1.000 đồng/phút) và chi phí hao mòn xe cộ.
Tức là muốn kiếm được 250.000 – 300.000 đồng/ngày (bằng thu nhập một người thợ hồ), tài xế GrabBike phải “chạy có khách” trên quãng đường khoảng 100 km (không tính lúc chạy “xe không” tìm khách).
Để dễ hình dung, một cuốc tôi chở khách từ Bệnh viện Bình Dân (Q.3) lên gần chợ Bà Hoa (Q.Tân Bình, xa hơn ngã tư Bảy Hiền một chút) khoảng 20 phút, số tiền thực nhận của tôi là 23.000 đồng (theo ứng dụng báo giá) – 4.600 đồng (20% chiết khấu cho Grab) – 2.000 đồng (tiền xăng 5 km) – 1.200 đồng (tiền một cuộc điện thoại) = 15.200 đồng.
Dân chạy GrabBike “buồn” nhất là thấy hiện cuốc Grab Pay (trả tiền qua thẻ) vì khách sử dụng Grab Pay rất ít khi “boa” và tiền về tài khoản cũng chậm hơn. Đi với khách trả tiền mặt, vừa cầm được tiền tươi, thỉnh thoảng boa thêm vài ngàn vậy mà đời vui hơn nhiều.
“Đừng coi thường tiền boa nha. Vài ngàn đồng coi vậy chứ ý nghĩa lắm. Mỗi khách cho 3.000 – 4.000 đồng. Một ngày chạy 10 khách là được 30.000 -40.000 đồng cũng đủ đổ xăng”, Công Tuyên, tài xế ở Q.7 nói.
Trên Facebook có trang “Hỗ trợ đối tác Grab 2 bánh – TP.HCM” dành cho các đối tác chạy GrabBike. Đây là hội “kín” (Closed group), muốn tham gia phải là tài xế GrabBike (có số ID). Không phải tài xế GrabBike nào cũng vào, nhưng chỉ riêng hội này, số thành viên đã lên đến hơn… 36.000 người.
Tại điểm kiểm tra xe cũng có bán bảo hiểm xe máy (điều kiện cần để đăng ký chạy GrabBike). Người bán cho biết mỗi ngày bán được hơn 200 bảo hiểm. Điều này đồng nghĩa có ít nhất 200 người mới đăng ký chạy GrabBike mỗi ngày, tức là 6.000 người đăng ký mới mỗi tháng.
Nhu cầu đi lại không thay đổi nhiều, nhưng số lượng tài xế GrabBike tăng nhanh chóng như vậy dẫn đến số cuốc xe mỗi tài xế nhận được sẽ ít dần đi. Dù biết rằng nghề chạy GrabBike ngày càng “khó ăn” hơn, nhưng mỗi ngày số người xếp hàng đăng ký mới vẫn dài thườn thượt. Hình như Sài Gòn ngày càng nhiều người nghèo hơn thì phải…
Thánh “bào”
Là biệt danh mà cánh tài xế GrabBike đặt cho Trương Anh Vũ, 34 tuổi, một trong những người có thu nhập cao nhất từ chạy xe: hơn 21 triệu đồng/tháng.
Tuy nhiên để được thu nhập hấp dẫn đó, Vũ phải “một tay hai súng”: vừa chạy GrabBike, vừa chạy Grab Premium (xe xịn, giá cước gần gấp đôi mức bình thường), chạy 15, 16 tiếng/ngày. Mỗi ngày, Vũ chạy từ 7 giờ sáng đến 22 – 23 giờ khuya, một tháng nghỉ chừng 1 – 2 ngày. Trên chiếc xe của anh có dán logo hình chiếc xe tăng Đức và chữ “Tinh thần thép” như cách anh tự dặn mình “phải chạy lì, không được dừng”.
Mua chiếc xe mới để chạy Grab, mới 9 tháng mà kim đồng hồ đã chỉ con số gần… 50.000 km. Trung bình mỗi ngày Vũ chạy hơn 200 km, cứ 5 ngày là phải thay nhớt xe.
GrabBike - Những cuốc xe đời - Kỳ 2: Đồng tiền đắng - ảnh 6

TIN LIÊN QUAN

Cử nhân chạy xe ôm

Đội ngũ chạy xe ôm công nghệ ngày càng trở nên đông đảo với phần “góp sức” của các cử nhân ra trường nhưng không có cơ hội làm đúng ngành nghề.

 

Nguyễn Tập