11/01/2025

Cất tiền ngân hàng, công trình đói vốn.

Tính đến hết tháng 8, giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản 2017 mới được 144.099 tỉ đồng, chiếm 44% kế hoạch. Trong khi đó, tiền Kho bạc Nhà nước gửi vào ngân hàng khoảng 160.000 tỉ đồng. Tiền thừa gửi ngân hàng, sao công trình đói vốn?

 Cất tiền ngân hàng, công trình đói vốn.

Tính đến hết tháng 8, giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản 2017 mới được 144.099 tỉ đồng, chiếm 44% kế hoạch. Trong khi đó, tiền Kho bạc Nhà nước gửi vào ngân hàng khoảng 160.000 tỉ đồng. Tiền thừa gửi ngân hàng, sao công trình đói vốn?

Tiền cất ngân hàng, công trình đói vốn - Ảnh 1.

Nguồn vốn trái phiếu chính phủ ngưng trệ khiến việc đầu tư nâng cấp tuyến quốc lộ 54 đoạn qua tỉnh Vĩnh Long bị đình trệ, xuống cấp nghiêm trọng. Khoảng hai tháng nay, địa phương phải tự trích tiền ngân sách đổ đá xanh nhằm giảm thiểu tai nạn cho người dân – Ảnh: HẠNH NGUYỄN

Tiền cất ngân hàng, công trình đói vốn - Ảnh 2.

Theo ông Nguyễn Hồng Hà – tổng giám đốc Kho bạc Nhà nước, vốn đầu tư công bị tắc là do thủ tục đầu tư. Ông giải thích:

– 160.000 tỉ đồng này gồm quỹ ngân sách nhà nước, khoản thu gồm thuế và lệ phí; các quỹ tài chính của Nhà nước… 

Đây không phải là thừa tiền Kho bạc Nhà nước gửi vào ngân hàng mà theo quy định, tiền được kho bạc gửi ở Ngân hàng Nhà nước và 5 ngân hàng thương mại là BIDV, Agribank, VietinBank, Vietcombank, MBBank để phục vụ thanh toán trên toàn quốc như chi tiêu thường xuyên, chi đầu tư, chi an ninh quốc phòng…

Mặt khác, cũng phải nói thêm: tiền phải để ở ngân hàng, bởi kho bạc không thể tổ chức hệ thống thanh toán như ngân hàng được.

Các doanh nghiệp, đơn vị mở tài khoản ở nhiều ngân hàng nên qua hệ thống ngân hàng, kho bạc thanh toán, chi trả thẳng cho các đơn vị dự toán và các nhà thầu, chủ đầu tư. Còn Kho bạc Nhà nước đảm bảo chi đúng theo chế độ. Không có chuyện đầu tư công chậm do ngân sách hết tiền.

* Vậy chi đầu tư công đến nay mới đạt 44% kế hoạch có khiến tiền gửi ngân hàng tăng lên không, thưa ông?

– Đúng là tiền gửi ngân hàng có dư hơn. Theo quy trình, sau khi kế hoạch đầu tư công được Chính phủ thông báo, các bộ ngành, địa phương triển khai các thủ tục đấu thầu, đầu tư.

Khi dự án triển khai, các chủ đầu tư tạm ứng hoặc các nhà thầu thi công có đề nghị thanh toán thì kho bạc sẽ dùng quỹ ngân sách để chi. Còn khi chưa hoàn tất các thủ tục để thanh toán thì vốn vẫn nằm trong tài khoản của kho bạc để ở các ngân hàng. 

Tôi xin nói thêm: con số tồn ngân có lên có xuống, hay nói cách khác là thay đổi liên tục chứ không ổn định một số dư nhất định nào hay 160.000 tỉ đồng.

* Vậy tiến độ giải ngân đầu tư công thấp có nguyên nhân chính do đâu?

– Nguyên nhân chính khiến giải ngân vốn đầu tư công chậm là do phần vốn trái phiếu chính phủ chưa giao còn rất lớn. 

Theo Bộ Tài chính, trong tổng số 50.000 tỉ đồng vốn trái phiếu chính phủ được Quốc hội phê duyệt trong năm 2017, đến nay Chính phủ mới giao có 5.200 tỉ đồng, bằng 10,4% dự toán Quốc hội. Trong đó vốn giải ngân đến nay chỉ đạt khoảng 2.640 tỉ đồng. 

Do đó, rất khó giải ngân hết số vốn này trong năm nay. Có tiền mà không tiêu được sẽ làm giảm hiệu quả sử dụng vốn.

Một trong những nguyên nhân cơ bản của giải ngân vốn đầu tư chậm là thủ tục đầu tư xây dựng cơ bản quá phức tạp.

Theo quy định, từ ngày 1-6 trở về trước, tất cả thiết kế cơ sở và thiết kế kỹ thuật của các dự án dùng vốn ngân sách trung ương trên cả nước phải gửi để Bộ Xây dựng duyệt. 

Khi thiết kế cơ sở, thiết kế kỹ thuật được duyệt rồi dự án mới được đem ra đấu thầu. Cả nước có hàng nghìn dự án mà chờ duyệt thì việc tắc vốn là đương nhiên.

Từ ngày 1-6 trở về đây, nhằm gỡ khó khăn cho thủ tục đầu tư, Chính phủ ban hành nghị định mới thì các thiết kế cơ sở, thiết kế kỹ thuật được chuyển về sở xây dựng các địa phương duyệt.

Chính nhờ sự thay đổi này mà tỉ lệ giải ngân vốn có tăng đáng kể, nhưng tính chung cả 8 tháng thì vốn giải ngân vẫn chậm so với kế hoạch giao.

Tiền cất ngân hàng, công trình đói vốn - Ảnh 3.

Tiền cất ngân hàng, công trình đói vốn - Ảnh 4.

Tiến độ giải ngân vốn đầu tư đến hết tháng 8-2017 – Nguồn: Bộ Tài chính – Đồ họa: TẤN ĐẠT

Ông Bùi Trung Dung (cục trưởng Cục Quản lý hoạt động xây dựng, Bộ Xây dựng):

Chính Kho bạc Nhà nước mới gây khó

Nếu đúng như ông Nguyễn Hồng Hà (Kho bạc Nhà nước) nói thì tôi cho rằng ý kiến đó là không có cơ sở. Qua tổng kết và đánh giá của thường trực tổ công tác Chính phủ, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ cũng cho rằng không có nguyên nhân đấy (tắc do thủ tục đầu tư – PV).

Nguyên nhân chính là Luật đầu tư công và Luật đầu tư. Công tác thẩm tra, thẩm định Bộ Xây dựng đã báo cáo Chính phủ rất nhiều lần. Đến nay không hề có vướng mắc gì, một năm lại đây có ai phàn nàn gì vấn đề này nữa đâu.

Tháng 4-2017, Chính phủ ban hành nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều về quản lý dự án đầu tư xây dựng. Theo đó đã phân cấp mạnh cho các địa phương, Bộ Xây dựng chỉ phụ trách những công trình trọng điểm quốc gia hoặc những công trình tầm cỡ phải có sự thông qua của Quốc hội.

Còn bây giờ cứ đổ vạ nhau là không nên. Chính Kho bạc Nhà nước mới gây khó khăn trong việc hạch sách các thủ tục đầu tư. Cái đó là do người đầu tư và chủ đầu tư chịu trách nhiệm trước pháp luật về vấn đề chi tiêu ngân sách.

Phó thủ tướng Vương Đình Huệ cũng đã chỉ đạo các kho bạc nhà nước không thực hiện vấn đề kiểm toán các thủ tục đầu tư. Chi tiêu sai thì người chi tiêu phải chịu trách nhiệm.

Trước đây ông Đào Quang Thu, thứ trưởng Bộ KH-ĐT, khi đề cập thủ tục đầu tư xây dựng Học viện Chính sách và phát triển (thuộc Bộ KH-ĐT) đã cho rằng nguồn vốn chậm giải ngân là do lỗi từ thủ tục đầu tư xây dựng do cục giải quyết.

Việc này bị kéo dài tới 9 tháng. Cái này tôi đã chứng minh là họ sai vì tôi làm thiết kế cơ sở có 5 ngày, một lần làm thiết kế kỹ thuật có 11 ngày.

LÂM HOÀI ghi

Chi thường xuyên gấp 3,8 lần chi cho đầu tư

Về tình hình kiểm soát chi 8 tháng đầu năm nay, theo số liệu Kho bạc Nhà nước, số chi thường xuyên gấp 3,8 lần chi đầu tư.

Cụ thể, về chi thường xuyên (chi lương, phụ cấp, vận hành hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước – PV), lũy kế vốn thanh toán từ đầu năm đến ngày 31-8 là 500.454 tỉ đồng, đạt 55,4% dự toán chi thường xuyên của cả năm.

Khoản chi này không bao gồm chi trả nợ, viện trợ, chi bổ sung quỹ dự trữ tài chính, dự phòng.

Còn về chi đầu tư, luỹ kế vốn đầu tư giải ngân qua hệ thống kho bạc, nguồn vốn Chính phủ giao đến hết ngày 31-8 là 130.836 tỉ đồng, đạt 44,8% so với kế hoạch năm.

(Nguồn: Bộ Tài chính)

Nếu do thủ tục thì phải sửa

Ông Bùi Quang Tín – khoa quản trị kinh doanh Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM – tính toán: “Lãi suất phát hành trái phiếu trung bình khoảng 6%/năm, trong khi đem gửi không kỳ hạn ở ngân hàng (NH) lãi suất chỉ từ 0,2 – 0,3%/năm. Như vậy, tính riêng chênh lệch lãi suất Nhà nước đã lỗ 5,7 – 5,8%/năm”.

Cũng theo ông Tín, đó mới là thiệt hại có thể nhìn thấy được. Còn nhiều thiệt hại khác khó đong đếm hơn: doanh nghiệp, người dân không được hưởng các cơ sở hạ tầng mà lẽ ra họ được hưởng như bệnh viện, trường học, đường sá, công trình công cộng… Việc các dự án sử dụng vốn từ ngân sách nhà nước chậm triển khai cũng sẽ ảnh hưởng tới mục tiêu tăng trưởng GDP trong năm 2017 (mục tiêu là 6,7%).

Như vậy, việc chậm giải ngân vốn đầu tư công dẫn đến rất nhiều thiệt hại. Chỉ có những NH lớn – nơi Kho bạc Nhà nước gửi tiền – có thể có lợi, như có nguồn vốn rẻ hơn so với huy động từ thị trường. Nguồn tiền lớn từ NH cũng khiến thanh khoản NH dồi dào và trên lý thuyết họ có thể cho vay doanh nghiệp với giá rẻ hơn.

Vẫn theo ông Tín: “Cân nhắc thì phần thiệt vẫn nhiều hơn khi xảy ra tình trạng nghẽn đầu tư công. Do vậy, bài toán đặt ra lúc này là Bộ Tài chính phải tính toán kỹ khi lên kế hoạch phát hành trái phiếu. Thậm chí, hay nhất là nên tạm ngưng phát hành trái phiếu trong điều kiện hiện nay, nếu không càng phát hành càng lỗ”.

Theo thạc sĩ Đỗ Dzoan Hảo – giảng viên Trường ĐH Tài chính – marketing, từ câu chuyện kho bạc thừa tiền gửi ở NH cho thấy rất nhiều chuyện. 

Theo ông Hảo, hiện nay nguyên tắc là nguồn vốn được bố trí cho công trình nào thì sử dụng đúng cho công trình đó, chứ không có sự linh hoạt. Do vậy dẫn đến chuyện tiền chưa xài được gửi ở NH trong khi công trình khác thì kêu thiếu vốn. 

“Cần truy ra tiền dư gửi ở kho bạc là của công trình nào, nguyên nhân vì sao chậm giải ngân, do thủ tục hay do vấn đề gì khác? Nếu do thủ tục thì cần phải cải cách, đơn giản thủ tục” – ông Hảo nói.

Ngoài ra, cũng theo ông Hảo, từ chuyện dư tiền gửi ở NH cho thấy công tác lập kế hoạch và chi tiêu cũng cần có sự linh hoạt nhất định. Đồng thời cần sự phối hợp nhịp nhàng giữa cơ quan tài chính, kế hoạch đầu tư và đơn vị dự toán. Còn hiện nay vẫn nếp cũ mạnh ai nấy làm. 

“Thực tế xảy ra tình trạng tiền trong năm không chi ra được hoặc chi nhỏ giọt, trong khi cuối năm chi ào ào vì sợ không chi hết bị cắt. Như vậy công tác lập dự toán rõ ràng có vấn đề vì nguyên tắc công việc đến đâu tiền chi đến đó, trong khi tiền lại tồn nhiều như vậy” – ông Hảo nói thêm.

Tiền cất ngân hàng, công trình đói vốn - Ảnh 7.

Phần móng của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương làm xong phải tạm ngưng, chờ phê duyệt thủ tục đầu tư các hạng mục khác – Ảnh: XUÂN AN

Giải ngân dưới 30% sẽ bị cắt vốn, kiểm điểm cán bộ

Công trình xây dựng mới Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương 1.500 giường tại phường Định Hòa, TP Thủ Dầu Một chiều 12-9 đìu hiu. Được coi là “công trình trọng điểm” nhưng 3 năm nay công trình vẫn dở dang, phơi mưa phơi nắng.

Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng Bình Dương (trực thuộc UBND tỉnh, chủ đầu tư dự án) cho biết bệnh viện có vốn đầu tư hơn 2.000 tỉ đồng. 

Sau 3 năm khởi công, dự án không những chậm mà còn phát sinh vướng mắc mới: điều chỉnh đồ án quy hoạch phân khu 1/2.000 thực hiện 2 năm chưa xong, tới nay vẫn chưa tính toán được chính xác nhu cầu tái định cư…

Vì vậy, dù năm 2017 dự án được bố trí hơn 486 tỉ đồng nhưng tới hết 31-8 mới giải ngân được hơn 34 tỉ (chỉ chiếm 7% kế hoạch), là một trong những dự án có tỉ lệ giải ngân thấp nhất của tỉnh.

Ông Trần Thanh Liêm – chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương – cho rằng ngoài nguyên nhân thủ tục còn do chủ đầu tư chưa thể hiện hết vai trò, thiếu liên hệ, phối hợp với các đơn vị liên quan để bàn bạc, tháo gỡ khó khăn…

Nhiều dự án hạ tầng khác của Bình Dương cũng đã được bố trí vốn nhưng tới nay chưa giải ngân được. Ví dụ như dự án mở rộng, nâng cấp đường ĐT743 nối Bình Dương – TP.HCM khởi công nhiều năm, tới nay mới xong thủ tục phê duyệt phương án di dời đường dây điện. 

Dự án giải phóng mặt bằng công trình nâng cấp, cải tạo các nút giao quốc lộ 13 và dự án tổng thể đền bù tuyến đường Bắc Tân Uyên – Phú Giáo – Bàu Bàng được xác định không thể hoàn thành thủ tục để giải ngân trong năm 2017, nên đã được chuyển vốn sang cho dự án khác…

Theo ông Trần Thanh Liêm, mặc dù tỉ lệ giải ngân vốn đầu tư công tới thời điểm này còn thấp nhưng UBND tỉnh đã ban hành văn bản nêu một số biện pháp để đẩy nhanh tiến độ, đảm bảo tới cuối năm sẽ đạt kế hoạch. 

Tỉnh xem xét các biện pháp chế tài như giao kho bạc rà soát số liệu của các chủ đầu tư để xác định chính xác số liệu giải ngân. 

Nếu tính tới 31-8 mà dự án nào giải ngân dưới 30% sẽ bị xử lý bằng hình thức cắt vốn để chuyển sang cho dự án thực hiện tốt. Nếu do cán bộ thì sẽ kiểm điểm những người có trách nhiệm liên quan.

Tiền cất ngân hàng, công trình đói vốn - Ảnh 8.

Quốc lộ 61 nối Vị Thanh (Hậu Giang) và Gò Quao (Kiên Giang) đang chờ nguồn vốn trái phiếu chính phủ cho giai đoạn 2 hiện đang xuống cấp nghiêm trọng – Ảnh: HẠNH NGUYỄN

Dự án dở dang, cầu đường xuống cấp

Tại ĐBSCL, trong giai đoạn 2011 – 2015, một số dự án giao thông sử dụng nguồn trái phiếu chính phủ (TPCP) được đưa vào danh sách cần được đầu tư, xây dựng cấp bách như tuyến quốc lộ 61 (Hậu Giang), quốc lộ 63 (Cà Mau), quốc lộ 54, 30 (Vĩnh Long, Đồng Tháp), quốc lộ 91 (An Giang)… nhưng đến nay vẫn chưa được bố trí đủ vốn.

Những dự án này có tổng mức đầu tư 2.809 tỉ đồng. Cho đến nay trung ương chỉ mới cấp phát được khoảng 530 tỉ đồng. Việc chậm trễ trong giải ngân vốn TPCP dẫn đến một số dự án xuống cấp nghiêm trọng.

Điển hình tại tỉnh Vĩnh Long, Chính phủ đã giải ngân đầu tư 781 tỉ đồng cho tỉnh thực hiện các dự án giao thông, đầu tư, nâng cấp từ nguồn vốn TPCP các tuyến tránh quốc lộ 1, quốc lộ 53, xây dựng mới một số cầu yếu trên quốc lộ 54 (tổng chiều dài gần 16km), kết nối với các tỉnh Trà Vinh, Đồng Tháp qua quốc lộ 54. 

Tuy nhiên, việc giải ngân vốn cho quốc lộ 54 bị đình trệ khiến các công trình ngưng trệ. Thậm chí, nhà thầu thi công quốc lộ 54 đã được chọn nhưng không có tiền rót xuống nên họ rút đi. Giờ vẫn phải tiếp tục chờ.

Tương tự, tại Hậu Giang, tuyến quốc lộ 61 nối Vị Thanh – Gò Quao (Kiên Giang) đưa vào khai thác giai đoạn 1 (khoảng tháng 6-2016) đến nay thì việc giải ngân nguồn vốn TPCP cho giai đoạn 2 cũng bị đình trệ. 

Hiện tuyến đường này bắt đầu xuống cấp. Trong khi việc giải ngân gói vốn TPCP dành cho xây dựng hạ tầng giao thông vùng ĐBSCL giai đoạn 2011 – 2015 đang bị đình trệ thì việc giải ngân vốn TPCP cho giai đoạn 2016 – 2020 càng rơi vào khó khăn.

 

 

BÁ SƠN – HẠNH NGUYỄN – A.HỒNG – LÊ THANH thực hiện