29/11/2024

’14 năm đi dạy nhưng 3 năm nay tôi đi bán cá thêm’

Nghề tay trái của tôi là… bán cá. Ban đầu 
cũng xấu hổ lắm, thấy người quen là tôi đứng từ xa, chờ mọi người đi khuất rồi mới dám đến chọn mua cá.

 

’14 năm đi dạy nhưng 3 năm nay tôi đi bán cá thêm’

 

Nghề tay trái của tôi là… bán cá. Ban đầu 
cũng xấu hổ lắm, thấy người quen là tôi đứng từ xa, chờ mọi người đi khuất rồi mới dám đến chọn mua cá.


14 năm gắn bó với nghề giáo, tôi có 3 năm “nghề tay trái” để nuôi sống nghề chính và gia đình. 

Nghề tay trái của tôi là… bán cá. Nhờ nghề này mà cuộc sống gia đình tôi – cả hai vợ chồng đều là giáo viên và hai con nhỏ – dễ thở hơn rất nhiều.

“Ban đầu cũng xấu hổ lắm”

Cái duyên đến với nghề này cũng khá tình cờ. Bạn bè tôi hay ra Phú Quốc chơi, được ăn hải sản tươi ngon nên hay nhờ tôi mua giúp. Nhờ hoài bạn bè thấy ngại, nên bảo: “Hay là ông bán hải sản đi, anh em làm mối cho!”. Vậy là tôi gắn bó với nghề bán cá từ đó.

Ban đầu cũng xấu hổ lắm, cứ thấy người quen dưới chợ cá là tôi đứng từ xa. Chờ mọi người đi khuất rồi mới dám đến chọn mua. Hằng ngày, cứ 4h – 5h sáng tôi dậy để đóng thùng, mang theo cặp sách, để giao hàng ở sân bay xong là chạy đến trường dạy luôn. 

Nhiều hôm máy bay bị hoãn, hàng không tới kịp, mà vô dạy phải tắt chuông điện thoại, khách hàng gọi đến không được nên tôi bị trách hoài.

Trăm kiểu làm thêm

Trường tôi có ba giáo viên tên Khánh. Đồng nghiệp không gọi tên theo môn dạy mà gọi theo nghề tay trái là Khánh cá, Khánh nước mía và Khánh hột vịt lộn. 

Năm ngoái trường tôi còn có một thầy đi mổ heo mướn. Cứ 3h sáng thầy dậy phụ mổ heo ở lò mổ gần nhà, với tiền công 50.000 đồng, được chủ lò mổ cho ít thịt nữa là đỡ tiền chợ. Giờ lò mổ chuyển đi xa hơn, thế là thầy… mất nghề tay trái. 

Hay có vợ chồng cô giáo dạy sử mở vựa thu mua phế liệu. Làm lụng vất vả đến suy kiệt, rồi cô bị tai biến…

Trường tôi có hơn 70 giáo viên thì đến 60 người có thêm nghề tay trái. Những nghề mà chả ai học và cũng chả ai dạy. Nó xuất phát từ thực tế đồng lương giáo viên hiện nay.

Ban giám hiệu cũng làm thêm

Sáng sớm đến trường, nhà xe của giáo viên như… cái chợ thu nhỏ. Cô thủ quỹ trường mang mấy chục trứng gà, vịt nhà nuôi được, đem treo vào xe của thầy cô nào dặn hôm qua. Thầy dạy hoá thì chở theo mấy chai nước mắm nhà ủ được đến giao cho đồng nghiệp. 

Có thầy cô trồng được rau sạch cũng chia lại cho đồng nghiệp để có đồng ra đồng vào. Các cô giáo bán mỹ phẩm, quần áo thì tranh thủ giờ ra chơi giới thiệu sản phẩm cho đồng nghiệp. 

Ngay cả ban giám hiệu trường tôi có bốn người thì đến ba người cũng làm thêm. Thầy hiệu phó mở tiệm photocopy, hai cô hiệu phó còn lại người bán hoa tươi, người kinh doanh mỹ phẩm.

Tôi chơi thân với một số đồng nghiệp tiểu học có nghề tay trái là làm MC đám cưới. Có ít nhất 10 đồng nghiệp của tôi làm công việc này. Cưới hỏi, thôi nôi, đầy tháng, liên hoan… đồng nghiệp tôi “thầu” hết. Cứ hễ ở đâu có đám tiệc là ở đó có thầy giáo. Mỗi lần dẫn chương trình được khoảng 400.000 đồng, mỗi tháng được 5-7 đám cũng đỡ phần nào.

Vừa rồi tôi gặp cô đồng nghiệp một trường THPT ở trung tâm huyện. Cô này có nghề tay trái rất đa dạng: mùa tiêu, cô mua bán tiêu, hết mùa tiêu cô chuyển qua hải sản, rồi trái cây mùa nào thức ấy… 

Tối, cô lại ra chợ đêm bán các mặt hàng hải sản khô. Vậy mà công việc giảng dạy vẫn luôn đảm bảo, nhiều năm liền cô là giáo viên dạy giỏi.

Quyết không bỏ nghề giáo

Đời sống giáo viên chúng tôi cực khổ thật, nhưng khi được hỏi có bỏ nghề giáo để chuyển sang nghề khác có thu nhập cao hơn, thì hầu như tất cả đều lắc đầu. Có lẽ cái nghiệp nó đã thấm vào thân rồi, khó bỏ lắm. 

Cũng chẳng ai bám nghề kiếm lấy cái danh để làm việc khác có thu nhập cao hơn. Đã chọn nghề phải làm cho trọn nghiệp. Chúng tôi có thể làm những nghề tay trái để kiếm thu nhập cao hơn, nhưng tiền ấy thấm đẫm bao nhiêu mồ hôi, nước mắt và cả sự tủi hổ.

Khổ thì khổ thật, nhưng đó là chuyện ngoài cửa lớp. Tất cả chúng tôi đều cố gắng hết sức mình, để những vướng bận “cơm áo gạo tiền” không ảnh hưởng đến từng trang giáo án, đến những giờ dạy trút hết tâm huyết vào trong mỗi câu chữ, để mỗi thế hệ học trò đi qua, chúng tôi lại tự hào vì mình đã làm hết thiên chức của người thầy.

Nhưng thật sự ít có bao giờ chúng tôi khuyên các em: “Hãy chọn nghề giáo!”.

Để giáo viên sống được với nghề

Thực trạng giáo viên bỏ nghề không phải chuyện xa lạ thời gian qua. Đây là chuyện đáng báo động, cần phải có giải pháp khắc phục ngay, để giáo viên có thể sống được với nghề.

Để bám trụ với nghề, không ít giáo viên đã phải làm thêm nhiều công việc tay trái như kinh doanh, buôn bán, chạy xe ôm hoặc dạy thêm… Do đó, cần phải xem xét toàn diện lại các quy định hiện hành liên quan đến chế độ, chính sách đối với giáo viên các cấp học trong hệ thống giáo dục công lập ở nước ta. Từ đó tiến hành điều chỉnh mức lương phù hợp để giáo viên có thể ổn định cuộc sống.

Bên cạnh đó, cần có sự điều chỉnh phụ cấp phù hợp để thu hút và giữ chân giáo viên về công tác ở địa phương miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới và hải đảo, để họ yên tâm công tác mà không phải lo lắng tìm việc làm bên ngoài…

Một khi giáo viên đã an tâm công tác thì chất lượng giáo dục mới có thể nâng lên, nghề giáo mới được mọi người kính trọng, sinh viên sẽ ưu tiên chọn ngành sư phạm và sẽ không còn xảy ra những câu chuyện buồn của ngành giáo dục như thời gian qua.

Đỗ Văn Nhân (Kon Tum)

 

NGUYỄN DUY KHÁNH (giáo viên Trường THPT An Thới, Phú Quốc, Kiên Giang)