10/01/2025

Nhà trường được thu những khoản nào?

Sau khai giảng năm học mới, dư luận lại nóng lên vì “tiền trường”. Theo quy định, nhà trường, ban đại diện cha mẹ học sinh được thu và không được thu những khoản nào?

 

Nhà trường được thu những khoản nào?

 

Sau khai giảng năm học mới, dư luận lại nóng lên vì “tiền trường”. Theo quy định, nhà trường, ban đại diện cha mẹ học sinh được thu và không được thu những khoản nào?

 

Theo quy định của Bộ GD-ĐT, ngoài học phí bắt buộc (trừ bậc tiểu học được miễn học phí), tiền dạy học thêm trong quy định (tiền dạy buổi 2 đối với các trường dạy 2 buổi/ngày), các nhà trường có thu hộ các khoản bảo hiểm y tế (theo quy định của Luật bảo hiểm y tế); phí Đoàn, Đội…

Tránh gây hiểu nhầm

Tuy nhiên, các nhà trường có trách nhiệm giải thích rõ về các khoản thu hộ, tránh để cha mẹ học sinh hiểu nhầm. Ví dụ nhầm bảo hiểm y tế với các bảo hiểm thương mại khác mang tính tự nguyện. Hoặc nhập nhèm trong thông báo khiến cha mẹ học sinh phải bắt buộc mua cả các loại bảo hiểm khác.

Ngoài ra, có một số khoản thu được phép như tiền ăn bán trú (thu theo hằng tháng), chăm sóc bán trú, trang thiết bị phục vụ bán trú (thu theo năm học hoặc theo kỳ đối với trường có tổ chức bán trú), tiền mua học phẩm đối với trẻ mầm non (thu theo năm học), tiền vệ sinh, tiền nước uống tinh khiết, tiền đồng phục học sinh, quần áo thể thao, phù hiệu trường, thẻ học sinh… 

Tuy nhiên, những khoản này cũng phải trên nguyên tắc thoả thuận với cha mẹ học sinh, minh bạch, công khai, thu đủ chi.

Năm học 2011-2012, Bộ GD-ĐT quy định cấm thu tiền “xây dựng trường” và cấm thu tiền “trái tuyến” (đối với trường hợp học sinh học trái tuyến). Thời điểm này, Bộ GD-ĐT cũng ban hành điều lệ ban đại diện cha mẹ học sinh nhằm ngăn ngừa tình trạng lạm thu núp dưới danh nghĩa hội phụ huynh.

Theo đó, ban đại diện cha mẹ học sinh sẽ không được thu các khoản ủng hộ không theo nguyên tắc tự nguyện và các khoản ủng hộ không phục vụ trực tiếp cho hoạt động của ban đại diện cha mẹ học sinh.

Các khoản này gồm: bảo vệ cơ sở vật chất của nhà trường, bảo đảm an ninh nhà trường; trông coi phương tiện tham gia giao thông của học sinh; vệ sinh lớp học, vệ sinh trường; khen thưởng cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên nhà trường; mua sắm máy móc, trang thiết bị, đồ dùng dạy học cho trường, lớp học hoặc cho cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên nhà trường…

Các tỉnh, thành quy định riêng

Nhà trường được thu những khoản nào? - Ảnh 2.

Năm 2012, Bộ GD-ĐT cũng ban hành thông tư quy định về tài trợ cho các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân. Tại thông tư này đặt ra các quy định về tài trợ, cho biếu, quyên góp tiền hỗ trợ nhà trường.

Theo đó, nếu quyên góp tiền cho mục tiêu xã hội hoá, ban đại diện cha mẹ học sinh phải xây dựng bản dự kiến chi, báo cáo về việc chi, sử dụng, hiệu quả của việc hỗ trợ như thế nào.

Ngoài ra, trong hai năm học trở lại đây, nhiều tỉnh thành cũng ban hành các quy định riêng “những khoản được thu, những khoản không được thu” tại các trường ở địa phương.

Trước tình trạng “thu núp bóng tự nguyện” lan tràn với hàng chục khoản thu kỳ lạ như: thu tiền tưới cây, chăm sóc cây, photocopy tài liệu, tiền để xe dưới nhà có mái che, tiền mua sách tham khảo, tiền thuê người dọn vệ sinh…

Hà Nội từng có các quy định “cấm” thu những khoản tiền vô lý được “chỉ mặt đặt tên” kiểu như tiền tưới cây, mua rèm cửa… Quảng Bình từng có những quy định cụ thể như cấm thu tiền hỗ trợ kỳ thi, điện nước vì đây là các khoản tiền đã được ngân sách chi trả, hay cấm thu tiền mua giấy kiểm tra, vở “đồng phục”, tiền chụp ảnh lớp, trường…

Nhưng cấm khoản này thì lại có những tên khoản thu mới lạ dưới danh nghĩa tự nguyện. Ví dụ như khi tiền trái tuyến bị cấm thì nhiều trường đẻ ra quỹ “sáng tạo”, “khuyến học”.

Chưa kể, rất nhiều quy định trong điều lệ ban đại diện cha mẹ học sinh bị vi phạm nhưng không được xử lý như việc chi tiền quà, thưởng cho giáo viên ngày lễ tết, tiền mua sắm thiết bị cơ sở vật chất. Tiền đóng góp vào quỹ cha mẹ học sinh vì thế đội lên cao. Tại Hà Nội trong các năm gần đây, rất nhiều trường đã đóng góp từ 1-3 triệu đồng/người/học kỳ cho quỹ này.

Nhà trường không được “vô can”

 

Đặc biệt, ban giám hiệu các nhà trường không được “vô can” với việc thu chi của ban đại diện cha mẹ học sinh. Trưởng ban đại diện cha mẹ học sinh phải thống nhất với hiệu trưởng để quyết định kế hoạch sử dụng kinh phí được ủng hộ, tài trợ và chỉ sử dụng sau khi được toàn thể ban đại diện cha mẹ học sinh trường thống nhất ý kiến.