Bảng xếp hạng 49 trường ĐH VN vừa được công bố gây tranh luận từ nhiều phía. Một trong các nguyên nhân là nhóm này sử dụng nguồn dữ liệu để đánh giá từ báo cáo ‘3 công khai’ do các trường ĐH tự đưa lên website.
Khảo sát 1 sinh viên, công bố 100% có việc làm
Bảng xếp hạng 49 trường ĐH VN vừa được công bố gây tranh luận từ nhiều phía. Một trong các nguyên nhân là nhóm này sử dụng nguồn dữ liệu để đánh giá từ báo cáo ‘3 công khai’ do các trường ĐH tự đưa lên website.
Sự thiếu tin cậy của số liệu báo cáo này thể hiện ở nhiều khía cạnh khác nhau, trong đó rõ nét nhất là qua tỷ lệ sinh viên (SV) có việc làm sau khi tốt nghiệp mà trường công bố.
Những con số thiếu tin cậy
Ngay ở thời điểm này khi kiểm tra thông tin việc làm SV trong mục “3 công khai” trên trang thông tin điện tử của nhiều trường vẫn có thể thấy những số liệu không phản ánh đúng thực tế. Điều này xảy ra là do số lượng SV được khảo sát trên tổng số SV tốt nghiệp quá thấp, nhưng tỷ lệ công bố vẫn đạt mức cao.
Báo cáo tình hình việc làm SV tốt nghiệp năm 2015 của Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM là một ví dụ. Trong số 27 ngành của trường thì hầu hết tỷ lệ SV tốt nghiệp đều đạt trên 80%, đặc biệt có 16 ngành tỷ lệ đạt từ 90 – 100%.
PGS Nguyễn Phong Điền, Trưởng phòng đào tạo Trường đại học Bách khoa Hà Nội, cho biết không quan tâm Trường được xếp vào thứ hạng nào trong bảng xếp hạng đại học Việt Nam của một nhóm nhà nghiên cứu độc lập vừa công bố.
Tuy nhiên, ở nhiều ngành, số SV tốt nghiệp khảo sát đã phản hồi so với tổng số SV tốt nghiệp ở mức rất thấp. Chẳng hạn ngành VN học có 100% SV có việc làm nhưng thực tế đây chỉ là tỷ lệ của 2 người phản hồi trong tổng số 28 SV tốt nghiệp (mẫu khảo sát chỉ tương ứng 7,1%); Ngành xã hội học cũng 100% có việc làm nhưng chỉ của 36 trong số 140 người tốt nghiệp; Tâm lý học cũng có tỷ lệ 100% nhưng chỉ có 7 trong số 57 SV tốt nghiệp… Trong trường hợp này, nói các ngành học có tỷ lệ 100% SV tìm được việc làm sau một năm tốt nghiệp sẽ không chính xác.
Tương tự, bảng thống kê tình hình việc làm SV năm 2016 Trường ĐH Sài Gòn cũng chỉ thể hiện kết quả của số SV trả lời khảo sát. Trong đó, nhiều ngành tỷ lệ việc làm ở mức rất cao dù số người được khảo sát không nhiều. Chẳng hạn sư phạm âm nhạc 100% có việc làm từ 5 người phản hồi, công nghệ kỹ thuật điện tử truyền thông đạt 100% từ 3 người phản hồi. Cá biệt, ngành công nghệ kỹ thuật điện điện tử (bậc CĐ) đạt tỷ lệ 100% từ chỉ 1 người phản hồi (!?).
Bộ nhắc nhở nhiều lần các trường về “3 công khai”
Năm 2009, trong thông tư ban hành quy chế thực hiện công khai đối với cơ sở giáo dục của hệ thống giáo dục quốc dân, Bộ GD-ĐT yêu cầu trường ĐH phải công khai trên trang thông tin điện tử của trường chất lượng giáo dục thực tế trước ngày 31.12 mỗi năm. Một trong các nội dung quan trọng của mục này là tỷ lệ SV tốt nghiệp có việc làm sau một năm ra trường.
Mỗi năm sau đó, Bộ đều có công văn nhắc nhở và cảnh báo đây là yêu cầu bắt buộc, điều kiện để xem xét việc tuyển sinh của trường trong năm tiếp theo. Trong hội nghị triển khai chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ và chương trình hành động của Bộ GD-ĐT về đổi mới quản lý giáo dục ĐH giai đoạn 2010 – 2012, Bộ cũng từng cảnh báo các trường về việc này. Cụ thể, nếu các trường vẫn không thực hiện đầy đủ “3 công khai”, Bộ sẽ gửi văn bản đến tất cả các trường THPT thông báo danh sách các trường ĐH, CĐ không công khai về thu chi tài chính và đề nghị học sinh thận trọng khi đăng ký dự thi vào trường.
Thậm chí, nhiều trường ĐH bỏ trống cột tỷ lệ SV tốt nghiệp có việc làm sau một năm ra trường trong báo cáo “3 công khai” như: Kinh tế quốc dân, Ngân hàng TP.HCM, Sư phạm TP.HCM, Tài nguyên và môi trường TP.HCM, Quảng Bình, Tây nguyên… Đáng chú ý, đến thời điểm này website Trường ĐH Văn hóa Hà Nội vẫn chỉ ghi “đang thực hiện khảo sát, thông tin sẽ được cập nhật”.
Do sinh viên không trả lời !
Theo tiến sĩ Nguyễn Khắc Hùng, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Sài Gòn, bảng khảo sát tình hình việc làm SV năm 2016 trường công bố trên website là bảng khảo sát được thực hiện vào tháng 12.2016. Đó là thời điểm chỉ mấy tháng sau khi SV ra trường nên số liệu chưa ổn định. “Khảo sát này chỉ thực hiện đơn giản bằng điện thoại và không có minh chứng. Tuy nhiên, khi gọi điện thoại phỏng vấn SV không trả lời”, ông Hùng nói.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Khắc Hùng cho biết trường sẽ tiến hành khảo sát lại với SV tốt nghiệp năm 2016 theo yêu cầu của Bộ với đầy đủ minh chứng và các thông tin đầy đủ như: nơi ở hiện tại, điện thoại, email, nơi công tác, địa chỉ nơi làm việc…
Tương tự, tiến sĩ Phạm Tấn Hạ, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, cho biết trường đang thực hiện khảo sát theo đúng quy định mới của Bộ vì như kết quả đã công bố trên website một số ngành mẫu khảo sát còn khá hạn chế.
Trong khi đó, giải thích việc bỏ trống thông tin việc làm SV trên website, đại diện Trường ĐH Sư phạm TP.HCM giải thích trường có tiến hành khảo sát nhưng do cập nhật chưa đủ. Một trường ĐH khác công bố tỷ lệ SV có việc làm các ngành đều ở mức rất cao cũng thừa nhận đây chỉ là kết quả khảo sát theo mẫu không phải trên tổng số SV tốt nghiệp từng ngành (!).
Làm không đúng sẽ không được tuyển sinh
Trước tình hình báo cáo chưa nghiêm túc của các trường, trong văn bản yêu cầu báo cáo tình hình việc làm năm 2016, Bộ GD-ĐT lần đầu tiên đưa ra tỷ lệ SV khảo sát cần có phản hồi tối thiểu trên tổng SV tốt nghiệp theo từng ngành đào tạo. Ví dụ, với ngành học có từ 51 – 60 SV tốt nghiệp thì kết quả khảo sát chỉ đạt yêu cầu khi có 87% số SV khảo sát có phản hồi (tương đương 44 – 52 người). Nếu không đạt được tỷ lệ này thì báo cáo của trường không đạt yêu cầu.
Các chuyên gia có chung nhận định, để có một bảng xếp hạng khả tín thì ngoài yếu tố kỹ thuật chuyên môn và dữ liệu đáng tin cậy, cần có nguồn lực đủ lớn về con người cũng như tài chính.
Văn bản của Bộ còn nhấn mạnh, báo cáo này sẽ là cơ sở để đăng ký chỉ tiêu, đăng ký mở ngành. Từ năm 2018 trở đi, trường không báo cáo, báo cáo không đạt yêu cầu, không công khai thông tin này theo quy định thì sẽ không được thông báo tuyển sinh.
Theo tiến sĩ Phạm Tấn Hạ, số liệu này sẽ là một trong các thông số quan trọng để đánh giá chất lượng đào tạo của một trường ĐH. Trên cơ sở khảo sát được thực hiện tốt, trường sẽ có cơ sở để hoàn thiện hơn chương trình đào tạo, điều chỉnh chỉ tiêu các ngành để phù hợp với nhu cầu thị trường lao động thực tế. Đây cũng là thông tin hữu ích cho học sinh phổ thông tra cứu trước khi quyết định lựa chọn ngành nghề.