29/11/2024

Giới trẻ Đông Nam Á trước nỗi lo thất nghiệp

Thanh niên các nước ASEAN lo ngại thất nghiệp sau khi tốt nghiệp đại học, nhưng lại khước từ những công việc lao động phổ thông.

 

Giới trẻ Đông Nam Á trước nỗi lo thất nghiệp

Thanh niên các nước ASEAN lo ngại thất nghiệp sau khi tốt nghiệp đại học, nhưng lại khước từ những công việc lao động phổ thông.




Một thanh niên bán nước dạo vào giờ cao điểm ở Jakarta, IndonesiaẢNH: REUTERS

Theo báo cáo của nhóm chuyên gia FT Confidential Research (FTCR, Anh), tỷ lệ thất nghiệp cao trong khi mức lương tăng chậm đang đe doạ triển vọng của giới trẻ ở 5 quốc gia ASEAN là Indonesia, Malaysia, Philippines, Thái Lan và VN. Trong đó, thanh niên Malaysia lo ngại nhất về việc làm và thu nhập trong bối cảnh nhiều tân cử nhân bị thất nghiệp. Số liệu chính thức cho thấy tỷ lệ người trẻ thất nghiệp ở Malaysia là 10,7%, cao gấp 3 lần so với tỷ lệ chung 3,1%.
Trong khi đó, Giám đốc Liên đoàn Nhà tuyển dụng Malaysia (MEF) Shamsuddin Bardan báo động thực trạng nhiều thanh niên, nhất là sinh viên mới tốt nghiệp, thà chấp nhận “nằm nhà” còn hơn là làm công nhân. Tờ The Sun Daily dẫn lời ông khẳng định Malaysia không thiếu việc làm lao động phổ thông, tuy nhiên, giới trẻ xem việc đứng máy trong dây chuyền sản xuất hay lao động ở công trình xây dựng, nông trại và đồn điền là công việc “cấp thấp” nên đều tránh né.


 
 
Trong nghiên cứu mới công bố, tiến sĩ Kiriya Kulkolkarn thuộc Đại học Thammasat (Thái Lan) cảnh báo tự động hóa sẽ cướp đi nhiều việc làm từ tay giới trẻ Đông Nam Á. Cụ thể, trong lực lượng lao động 38 triệu người của Thái Lan có đến 23 triệu người bị đánh giá là không được trang bị đủ kiến thức, kỹ năng để đáp ứng yêu cầu thời tự động hóa và đối diện nguy cơ thất nghiệp. Tình hình tương tự diễn ra khắp Đông Nam Á khi dây chuyền sản xuất tự động và robot dần dần được áp dụng tại Campuchia, Indonesia, Philippines và VN, theo trang tin ECNS.
 

Khảo sát mới của Công ty giới thiệu việc làm Jobstreet Malaysia đưa ra 5 lý do hàng đầu khiến tỷ lệ sinh viên đại học ra trường thất nghiệp cao gồm kỳ vọng mức lương không thực tế (72%), kén chọn việc làm hay công ty (64%), thiếu năng lực và kinh nghiệm (64%), yếu ngoại ngữ, nhất là tiếng Anh (59%) và thiếu kỹ năng giao tiếp (53%).

Tờ The Star dẫn lời chuyên gia xã hội học Yeong Pey Jung thuộc Viện Nghiên cứu Penang nhận định giới trẻ chật vật tìm việc làm do phải cạnh tranh với những ứng viên có kinh nghiệm. “Doanh nghiệp thời nay luôn ưu tiên tuyển dụng nhân viên có kinh nghiệm hơn là mất thời gian đào tạo người mới ra nghề, dẫn đến ngày càng ít cơ hội việc làm cho giới trẻ”, bà Yeong lý giải. Về phần mình, cũng có nhiều bạn trẻ khẳng định không phải họ không thực tế mà là do vật giá leo thang khiến họ không thể hài lòng với mức lương chật vật. “Cách đây 5 năm, sinh viên mới ra trường có mức lương khởi điểm 2.500 ringgit (gần 14 triệu đồng). Hiện giờ con số cũng không thay đổi trong khi vật giá mọi thứ không ngừng tăng”, cô Sarah (24 tuổi), một nhân viên ngành truyền thông ở Malaysia, chia sẻ.
Dù vậy, trong vòng 5 năm qua, khối kinh tế phi chính thức phần nào giúp giải quyết bài toán việc làm cho người trẻ Đông Nam Á trong tình trạng nền kinh tế chậm phát triển, theo FTCR. Chẳng hạn, trong giai đoạn tháng 2.2016 – 2.2017, khối kinh tế phi chính thức tạo thêm 2,4 triệu việc làm ở Indonesia, so với 1,6 triệu trong khối chính thức. Tình hình tương tự cũng được ghi nhận ở Philippines, Thái Lan và VN.


 

Phúc Duy