204 suất học bổng nghĩa tình cho tân sinh viên nghèo Quảng Trị
Tối 10-9, tại thành phố Đông Hà tỉnh Quảng Trị, 204 tân sinh viên nghèo của tỉnh đã được nhận những suất học bổng Tiếp sức đến trường.
204 suất học bổng nghĩa tình cho tân sinh viên nghèo Quảng Trị
Tối 10-9, tại thành phố Đông Hà tỉnh Quảng Trị, 204 tân sinh viên nghèo của tỉnh đã được nhận những suất học bổng Tiếp sức đến trường.
Đây là chương trình do báo Tuổi Trẻ phối hợp với câu lạc bộ Nghĩa tình Quảng Trị tại TP.HCM, tỉnh đoàn, hội khuyến học, Sở Giáo dục, đài PTTH Quảng Trị và báo Quảng Trị tổ chức để tiếp sức cho những tân sinh viên nghèo có thêm kinh phí khi bước vào chặng đường đại học, cao đẳng.
Tại buổi lễ, mỗi tân sinh viên đã nhận được một suất học bổng trị giá 7 triệu đồng.
Đây đều là những em có hoàn cảnh gia đình vô cùng khó khăn, hộ nghèo hoặc mồ côi đứng trước nguy cơ có thể không thể tiếp tục theo học.
Đặc biệt có 7 tân sinh viên có hoàn cảnh đặc biệt nhất được trao những suất học bổng đặc biệt của chương trình với trị giá 10 triệu đồng.
Tổng số tiền học bổng được trao đợt này gần 1,5 tỉ đồng.
Đây cũng là năm thứ 15 chương trình Tiếp sức đến trường tổ chức tại Quảng Trị. Trong 15 năm ấy, hàng ngàn tân sinh viên nghèo của tỉnh này đã được tiếp sức đến trường. Rất nhiều trong số ấy nay đã thành đạt.
Chương trình lan tỏa cảm xúc ngay từ khi bắt đầu. Ông Lê Quốc Phong, chủ nhiệm câu lạc bộ Nghĩa tình Quảng Trị chia sẻ về những ngày đầu câu lạc bộ này đứng ra tài trợ cho chương trình Tiếp sức đến trường và sau đó luôn đồng hành cùng chương trình cho đến nay.
Ông Phong nói chỉ mong những tân sinh viên nhận học bổng ở đây ý thức được trách nhiệm của mình để phấn đấu học tập, để sau này thành công quay lại giúp đỡ những tân sinh viên thế hệ sau.
Ông Lê Xuân Trung, phó Tổng biên tập báo Tuổi Trẻ nói phần lớn các bạn sinh viên được nhận học bổng hôm nay đều có hoàn cảnh éo le.
Thế nhưng các bạn đã vượt qua được. Không chấp nhận buông xuôi. Không phó mặc cho số phận.
Khi các bạn đã nỗ lực hết sức mà vẫn không đủ sức đi tiếp thì học bổng này sẽ kịp thời tiếp sức cho các bạn thực hiện ước mơ của mình.
Ông Lê Xuân Trung – phó Tổng biên tập báo Tuổi Trẻ
Mỗi tân sinh viên Quảng Trị đến với học bổng Tiếp sức đến trường là một câu chuyện cảm động về lòng hiếu thảo, nghị lực vượt khó, khát khao được tiếp tục đi học.
Tuy là đồng cảnh ngộ, nhưng cả hội trường đều như nín lặng khi nghe câu chuyện của hai bạn sinh viên khó khăn nhất trong số 204 tân sinh được trao học bổng lần này.
Nhận tin đậu đại học cùng lúc cha bị ung thư
Đó là câu chuyện của bạn Trần Huy Hoàng, tân sinh viên trường ĐH Bách Khoa Đà Nẵng và Phạm Thị Hạnh, tân sinh viên khoa du lịch, thuộc phân hiệu ĐH Huế tại Quảng Trị.
Để đến được với cánh cổng giảng đường, chặng đường Trần Huy Hoàng đã trải qua gập ghềnh không kể xiết. Những biến cố lớn lần lượt ập đến khiến cậu học trò này nhiều lần tưởng rằng mình không còn có thể vượt qua để tiếp tục đi học.
Biến cố đầu tiên đến với Hoàng từ năm học lớp 10. Trong một lần can ngăn đánh nhau, Hoàng làm bị thương một bạn học. Cuối năm đó Hoàng bị bắt đi trại giáo dưỡng tại Đà Nẵng. Hai năm sống trong trại giáo dưỡng đủ cho Hoàng ngẫm ra được nhiều điều về cuộc sống.
Năm 2014, khi được ra trại, Hoàng không gục ngã mà quyết định làm lại từ đầu. Hoàng đăng ký vào học lại cấp 3 tại trung tâm giáo dục thường xuyên huyện Gio Linh với bao ánh mắt dị nghị của người khác.
Mẹ Hoàng phụ bán hàng cho một tiệm tạp hoá ở chợ. Ba Hoàng ai thuê gì làm nấy. Hoàn cảnh ấy buộc Hoàng ý thức được việc phải tự lo cho bản thân nên bắt đầu vào nghề nhôm kính.
Ngoài giờ học, Hoàng tự đi làm để tự lo cho việc học của mình. Tưởng như sau sóng gió thì trời sẽ lại bình yên, nhưng số phận lại thử thách Hoàng thêm lần nữa. Ngày vừa biết điểm đậu Đại học là ngày Hoàng biết tin ba mình bị ung thư gan phải nhập viện gấp.
Mẹ Hoàng phải bỏ mọi việc để theo lo cho ba. Tài sản trong nhà cũng bán sạch. Hoàng ý thức được rằng nếu mình bước vào giảng đường, mình sẽ phải tự lo tất cả. Nhưng Hoàng đã quyết định bước tiếp.
Bà nội 85 tuổi nuôi cháu vào đại học
Câu chuyện của Phạm Thị Hạnh lại đem đến cho chương trình những cảm xúc khác. Đó là sự xót xa, xúc động và chia sẻ với hoàn cảnh quá éo le của Hạnh. Hạnh bị mẹ bỏ rơi từ khi còn đỏ hỏn.
Ba Hạnh vì thế sa vào rượu chè rồi cũng qua đời luôn khi em mới hơn 2 tuổi. Hạnh phải nương nhờ vào bà nội. Ngôi nhà nhỏ giữa cánh đồng là nơi che chở cho hai bà cháu suốt 16 năm qua.
Bà nội của Hạnh năm nay đã 85 tuổi. Bà Hoàng Thị Thí, bà nội Hạnh nói chỉ mong sống thêm được bốn năm để thấy cháu học xong đại học. Những năm qua, để nuôi Hạnh ăn học bà vừa làm cha vừa làm mẹ cho cháu.
Ngoài hai mảnh ruộng chưa tới nửa sào trước nhà, để đủ tiền nuôi cháu ăn học, bà phải cuốc bộ hàng chục cây số lên rừng hái lá thuốc hoặc lượm củi về bán. Có khi đi cả ngày mới kiếm được vài ba chục ngàn đồng.
Số tiền ấy chỉ đủ lo cho cháu qua ngày. 16 năm qua, thường bữa cơm của hai bà cháu chỉ có đúng một nồi cơm và một món thức ăn. Đến ngày giỗ của ba Hạnh thì hai bà cháu mới bấm bụng mua thêm vài món khác.
Bà nội Hạnh thường phải để dành tiền trợ cấp cho người cao tuổi để làm giỗ cho con. Bù lại Hạnh học rất giỏi. Hạnh luôn nghĩ về việc học như là con đường duy nhất để thoát ra khỏi hoàn cảnh hiện tại, nên vì thế em luôn cố gắng.
Sau phần giao lưu, Hoàng và Hạnh được một bác sĩ tặng hoa trên sân khấu. Đó là bác sĩ Nguyễn Văn Luân, hiện đang công tác tại Khoa phụ sản nhi, Bệnh viện đa khoa Đà Nẵng.
Bác sĩ Luân chính là một trong số hàng ngàn tân sinh viên nhiều năm trước đã được chính học bổng Tiếp sức đến trường tiếp sức năm 2006, nay đã thành đạt.
Bác sĩ Luân chia sẻ các tân sinh viên ở đây cũng có hoàn cảnh như mình hơn mười năm trước. Nhờ suất học bổng Tiếp sức đến trường mà Luân đã vững tin bước lên giảng đường.
Đó là cả một quá trình phấn đấu không ngừng. Mình mong các bạn ở đây cũng có ý thức phấn đấu để có thành công.
Bác sĩ Nguyễn Văn Luân
Quảng Trị là đất nghèo. Nhưng Quảng Trị cũng là đất có truyền thống hiếu học. Trong năm 2017, nhiều học sinh của Quảng Trị đã đạt những thành tích xuất sắc trong học tập. Sự xuất hiện của những người con Quảng Trị này khiến hội trường khá bất ngờ.
Đó là Phạm Huy, người vừa đạt giải ba cuộc thi Khoa học kỹ thuật quốc tế tại Mỹ với sản phẩm Cánh tay robot cho người khuyết tật, và Võ Thục Khánh Huyền, người đạt huy chương bạc cuộc thi học sinh giỏi toán châu Á tại Singapore.
Ngoài ra còn hai bạn khác là Phan Đăng Nhật Minh, người vừa vô địch cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia 2017 và Văn Viết Đức, người vô địch cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia năm 2015.
Tuy nhiên, vì một số lý do cá nhân nên hai bạn Nhật Minh và Văn Viết Đức không thể góp mặt. Với những học sinh tiêu biểu này, ban tổ chức đã quyết định tặng mỗi em một phần thưởng trị giá 10 triệu đồng.
Nghĩa tình 15 năm
Từ câu chuyện thực tế đau lòng có nhiều bạn hai, ba lần trúng tuyển đại học nhưng không thể đến trường vì điều kiện kinh tế quá khó khăn, chương trình học bổng Tiếp sức đến trườn” đã ra đời vào năm 2003 với 27 suất học bổng đầu tiên được trao cho tân sinh viên tỉnh Quảng Trị.
Và cứ thế, câu chuyện của các tân sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, khao khát đến với giảng đường lại lay động trái tim của đông đảo bạn đọc báo Tuổi Trẻ vào mỗi mùa tuyển sinh năm học mới.
Mỗi năm số lượng suất học bổng Tiếp sức đến trường tăng dần, phạm vi vùng miền cũng mở rộng ra phủ kín hầu khắp đất nước.
Đến nay học bổng Tiếp sức đến trường đã hỗ trợ khoảng 15.000 tân sinh viên khó khăn đến với giảng đường đại học, cao đẳng với tổng số tiền hơn 75 tỉ đồng.