Chàng sinh viên bách khoa vừa học vừa chăm cha ung thư
Sau nhiều ngày làm thủ tục nhập học ĐH Bách khoa Đà Nẵng, Lê Huỳnh Thịnh cùng mẹ lại tất tả chạy xe máy về Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng, nơi cha Thịnh đang nằm điều trị những ngày cuối.
Chàng sinh viên bách khoa vừa học vừa chăm cha ung thư
Sau nhiều ngày làm thủ tục nhập học ĐH Bách khoa Đà Nẵng, Lê Huỳnh Thịnh cùng mẹ lại tất tả chạy xe máy về Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng, nơi cha Thịnh đang nằm điều trị những ngày cuối.
Nhìn cha tiều tụy, gầy guộc, khuôn mặt hốc hác và chỉ còn mớ da quấn lấy khuôn mặt, Thịnh rơm rớm nước mắt:
“Mình tính không đi học nữa nhưng hôm qua có bác S. gửi cho mình tiền học, rồi cô giáo chủ nhiệm góp được 3,2 triệu đồng nữa. Có số tiền đó mình đủ để cầm cự vào trường rồi tính tiếp”, Lê Huỳnh Thịnh – tân sinh viên ĐH Bách khoa Đà Nẵng nói.
Nửa năm 3 người ngã bệnh
Nhà Thịnh nằm chênh vênh bên mép sông Hoài chảy qua trung tâm thành phố Hội An (tỉnh Quảng Nam). Mẹ Thịnh đang dọn gánh hàng, bà đan hai bàn tay trước bụng nói ái ngại: “Nhà chật quá”. Chiếc áo bà đang mặc rách hai lỗ rộng bên bờ vai.
“Ngày nào tui cũng mang gánh hến này đi bộ quanh thành phố Hội An, tính ra mười mấy cây số chớ không ít. Bán được hết hàng sớm thì tranh thủ chạy về nhà nấu cơm cho mấy cha con, tối lại vào tiệm ăn đãi tách ruột hến cho người ta” – bà Huỳnh Thị Mai nói.
Nhà mẹ con Thịnh có tổng cộng sáu người: bốn đứa con và hai vợ chồng, Thịnh là con trai út. Mỗi ngày công việc của bà kiếm được trên 150.000 đồng.
“Ông nhà tui thì đi biển với bạn, năm đi được mười mấy chuyến. Hai vợ chồng cứ “túc tắc” như vậy đủ ăn nuôi bốn đứa đi học đàng hoàng. Chỉ tội ổng ngã bệnh đúng lúc gia đình cần đến ổng nhất, khi thằng Thịnh chuẩn bị hết lớp 12″ – bà Mai nói.
Những ngày đầu năm 2017, khi Thịnh đang làm hồ sơ vào đại học thì ông Lê Dũng, ba Thịnh, ngã xuống nền nhà sau những cơn ho. Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng xác định ông bị ung thư phổi giai đoạn cuối.
Ngày nhận kết quả của chồng, mẹ Thịnh đã bịt miệng khóc trong dãy hành lang bệnh viện. Bà nói rằng khi chồng nằm viện, gia đình đã dốc hết toàn bộ tiền bạc dành dụm được lo chạy chữa.
Sau khi cha Thịnh ngã bệnh, bà Mai cũng chuyển cơn đau đột ngột và được chẩn đoán mắc chứng u nang buồng trứng, u xơ tử cung.
Qua nhiều lần nhập viện, bà vừa uống thuốc vừa gồng gánh nuôi con. Đau đớn và lao lực khiến bà Mai gầy rọp, khuôn mặt hằn sự tiều tuỵ và những đêm thức trắng vì lo lắng.
Sau khi bà đau, cậu con trai thứ ba – người anh kế Thịnh là Lê Huỳnh Thiện cũng tiếp tục nhập viện.
“Nó đang khoẻ mạnh thế mà đùng cái đi làm về rồi kêu choáng váng, tay chân run lẩy bẩy. Tới viện thì bác sĩ nói bị nhiễm độc tuyến giáp, bướu Basedow.
Chỉ trong vòng một tháng, từ thanh niên mạnh khoẻ, ngày chạy mấy chục cây số đi giao bánh khắp Hội An mà nó sút tới 21kg. Vậy mà vẫn tiếp tục đi giao bánh phụ mẹ những ngày cuối đời cho cha, vừa gom góp cho em vào đại học” – bà Mai kể
Dặn cháu cố gắng, không phụ lòng mọi người
Suốt 12 năm học cấp III của Thịnh là sự nỗ lực của cả gia đình và chính bản thân Thịnh. Những khó khăn ập đến với gia đình, bao lần muốn ngừng chuyện học rồi Thịnh lại bật dậy: “Không học thì tất cả sẽ rơi vào ngõ cụt”.
Trong căn nhà nhỏ xíu, góc học tập của Thịnh được kê sát gian bếp. Nơi đó là những giấy khen học tập tốt suốt 12 năm. Kỳ thi vừa qua Thịnh trúng tuyển ngành kỹ thuật tàu biển Trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng. Thịnh nói đó là nghề mình ước mơ từ nhỏ, được vun vén từ những ngày lang thang ở cửa biển.
Khi trúng tuyển, được mọi người giúp sức cậu học trò nghèo một mình chạy vô bệnh viện thăm cha rồi dạo quanh trường để tự tìm phòng trọ. Rồi lại ngược xe trở về theo anh trai tất tả rảo hết các tiệm để giao bánh pizza.
“Mặc dù đi bộ mỏi chân nhưng riêng mình được trả 300.000 đồng. Số tiền này mình sẽ mua cái bếp gas mini, mấy đồ đạc để nấu ăn khi ra ở trọ với bạn” – Thịnh dự tính.
Câu chuyện của Thịnh được giới thiệu đến chương trình học bổng Tiếp sức đến trường của báo Tuổi Trẻ qua một nhân vật đặc biệt ở phố cổ Hội An. Ông nói: “Hoàn cảnh vậy thương lắm! Mà không phải riêng tui, nhiều người biết nó cũng thương”.
Mẹ Thịnh thì cho biết: “Hôm qua có mấy chú trên Hội An tới, nói bác S. có việc bận và gửi học bổng cho cháu đi học và dặn cháu phải cố gắng, không để phụ lòng mọi người.
Tới giờ tui cũng chưa rõ bác S. nhà ở đâu, chỉ nghe cô giáo Ngọc, chủ nhiệm của Thịnh, nói bác S. là người hay giúp đỡ người nghèo, bác rất tốt bụng”.
Lê Thị Hồng đang là sinh viên năm hai Học viện Nông nghiệp Việt Nam – ẢNH: NVCC
‘Khổ mấy ngoại cũng cho con đi học”
Bằng giờ này năm ngoái, tôi vô cùng hạnh phúc khi nhận được kết quả thi đại học. Với số điểm đó tôi có thể đậu vào ngôi trường mình yêu thích, nhưng niềm vui chỉ đến trong chốc lát.
Thay vào đó là vô vàn lo lắng, biết lấy đâu ra tiền để tiếp bước giảng đường khi bà của mình đã già yếu.
Tôi đã từ bỏ mọi ước mơ của mình và xin việc trong một công ty để kiếm tiền trang trải cho hai bà cháu. Chỉ mấy ngày xa nhà, ngoại tức tốc gọi điện kêu tôi về đi học.
Ngoại nhắn nhủ: “Nuôi con suốt 12 năm trời, chẳng lẽ giờ ngoại không nuôi tiếp được bốn năm nữa? Về có khổ mấy ngoại cũng cho con đi học”.
Đó là lần đầu tiên tôi phải rời xa vòng tay bà. Cũng vì thương ngoại nay đã già yếu, làm sao nuôi nổi tôi trong suốt chặng đường tiếp theo? Bên ngoài có nhiều người khuyên tôi không nên học tiếp, phải đi làm để đỡ đần bà.
Tôi biết ngoại gần 90 tuổi rồi, lấy đâu ra sức và tiền bạc để nuôi đứa cháu ngoại nữa. Nhưng lấy lời dặn dò của bà làm động lực, tôi đăng ký xét tuyển đại học và may mắn đỗ vào Học viện Nông nghiệp Việt Nam.
Mừng vì trúng tuyển vào đại học nhưng càng lo hơn khi số học phí đầu năm 9 triệu đồng quá sức đối với hai bà cháu.
Ngay lúc đó, đại gia đình quỹ học bổng “Tiếp sức đến trường” đã tìm đến và giúp đỡ cho tôi, mở lối cho tôi bước vào đời.
Học bổng đến quá bất ngờ. Đó là khoảng thời gian tôi thấy hạnh phúc nhất sau bao ngày lo lắng về tiền nhập học cũng như chi phí năm học đầu tiên.
Học bổng đã đến với tôi, giúp hai bà cháu giải quyết được mọi khó khăn. Nụ cười của bà đã xuất hiện trở lại sau bao ngày lo lắng, khóc thầm.
Một năm sau, tôi đã là cô sinh viên năm hai và xin làm thêm tại một nhà hàng ăn để kiếm thêm tiền trang trải chi phí học tập, mạnh dạn bước ra với đời với sự tự tin vào ngày mai tươi sáng.
Ngoại tôi cũng khoẻ mạnh hơn, cười nhiều hơn mỗi khi thấy đứa cháu nhỏ về quê thăm nhà.
Cảm ơn quỹ học bổng “Tiếp sức đến trường” đã mở cánh cửa rộng lớn giúp tôi, giúp những học sinh nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được tiếp tục đến giảng đường.
Tân sinh viên, đừng bao giờ từ bỏ ước mơ!
LÊ THỊ HỒNG (nhận học bổng Tiếp sức đến trường đặc biệt trị giá 10 triệu đồng)