10/01/2025

Ước mơ đổi đời mạnh mẽ trên đất cố đô

Ba câu chuyện của ba tân sinh viên nhận học bổng ‘Tiếp sức đến trường’ ở khu vực Thừa Thiên – Huế năm nay có điểm chung là nghị lực sống và khát vọng vươn lên mạnh mẽ.

 

Ước mơ đổi đời mạnh mẽ trên đất cố đô

 Ba câu chuyện của ba tân sinh viên nhận học bổng ‘Tiếp sức đến trường’ ở khu vực Thừa Thiên – Huế năm nay có điểm chung là nghị lực sống và khát vọng vươn lên mạnh mẽ.

 

 

 

Ước mơ đổi đời mạnh mẽ trên đất cố đô
Anh Thi (giữa) tận tình dạy học cho các em có cùng hoàn cảnh tại Trung tâm Bảo trợ trẻ em tỉnh Thừa Thiên – Huế – Ảnh: NHẬT LINH

Mơ vẽ bức tranh sum họp với mẹ và chị

“Em muốn sau này sẽ vẽ những bộ truyện tranh cổ tích về sự đoàn tụ, nơi đó có hình ảnh những người mẹ, người chị, những mái ấm trong niềm vui sum họp, sau những khó khăn, thử thách, chia ly…” – ước muốn ấy bừng lên trong đôi mắt đượm buồn của Nguyễn Thị Anh Thi – tân sinh viên Trường ĐH Nghệ thuật, ĐH Huế.

Anh Thi đang sống ở Trung tâm Bảo trợ trẻ em tỉnh Thừa Thiên – Huế.

Trong bức tâm thư gửi đến ban tổ chức học bổng “Tiếp sức đến trường”, Thi cho biết cha bỏ đi khi bạn còn nằm trong bụng mẹ. Những năm đầu đời, mẹ và hai con gái lang thang ngày này qua ngày khác để xin ăn: “Có những ngày không xin được gì, ba mẹ con bụng đói meo, ôm nhau khóc trong góc chợ…”

 

Năm lên 4 tuổi, Thi được một người tốt bụng giới thiệu vào Trung tâm Bảo trợ trẻ em Thừa Thiên – Huế khi lang thang xin ăn cùng mẹ. Từ đó đến nay, bạn không còn gặp lại mẹ và chị gái nữa, một khoảng trống không nguôi trong lòng suốt bao năm qua…

Anh Thi thích vẽ tranh và vẽ rất đẹp, chủ yếu về mẹ và những cảnh gia đình sum họp. Cô Phạm Thị Cẩm Trang, người trực tiếp chăm sóc Anh Thi, nói: “Nhiều đêm tôi ôm con bé ngủ, bỗng dưng nó giật mình bật dậy rồi khóc. Hỏi ra mới biết nó mơ thấy mẹ mình bị người ta chửi mắng, xua đuổi. Nỗi nhớ ấy đi vào bức tranh của em nên thật nhiều cảm xúc”.

Nhờ năng khiếu vẽ tranh mà năm nay Thi đậu vào ngành thiết kế đồ họa của Trường ĐH Nghệ thuật Huế.

Ước mơ đổi đời mạnh mẽ trên đất cố đô
Tranh thủ lần về thăm nhà, Lê Quang Đức nấu nồi cơm phụ mẹ - Ảnh: NHẬT LINH

Ước thành nhà ngoại giao để tìm em trai

Cách phòng của Thi vài bước chân là phòng của Lê Quang Đức – tân sinh viên Trường ĐH Ngoại ngữ, ĐH Huế. Đức vừa đi dạy kèm về. Đức cho biết rất muốn có thêm nhiều thời gian để nhận dạy kèm, kiếm thêm tiền thuốc thang cho mẹ ở quê. 

Cha của Đức cũng bỏ đi từ khi bạn còn rất nhỏ, để lại trong căn nhà dột nát người vợ và bốn đứa con thơ. Dù bị tật, đi lại khó khăn nhưng mẹ Đức vẫn gồng gánh, làm đủ mọi việc để nuôi con và người chị bị tâm thần.

Song, cố gắng mãi mà cái nghèo vẫn không buông tha. Hai người chị đầu của Đức đã bỏ học giữa chừng vào Nam kiếm việc. Đến lượt Đức cùng đứa em trai đang định nghỉ học thì có người giúp, gửi vào Trung tâm Bảo trợ trẻ em tỉnh Thừa Thiên – Huế. 

Ở trung tâm, vừa được nuôi cơm, vừa đi học nên hai anh em rất vui. Niềm vui chưa lâu thì vào năm 2005, một cặp vợ chồng người Ý đến trung tâm nhận Huy – em trai Đức – làm con nuôi rồi đưa về nước. Từ đó hai anh em mất liên lạc.

Đức nuôi mơ ước tìm mọi cách sang Ý để gặp em. Bước đầu tiên để thực hiện ước mơ ấy là cố gắng học tiếng Anh thật giỏi. Nhờ vậy, bạn đã đậu vào ngành quốc tế học Trường ĐH Ngoại ngữ – ĐH Huế.

“Mục tiêu trước mắt của em sau khi ra trường sẽ nộp đơn thi tuyển vào Bộ Ngoại giao để thành nhà ngoại giao giỏi. Rồi em sẽ sang Ý để được thường xuyên gặp em mình, báo tin cho mẹ yên lòng”.

Ước mơ đổi đời mạnh mẽ trên đất cố đô
Tường Pha ân cần chăm sóc người cha bị bệnh tâm thần – Ảnh: NHẬT LINH

Uớc mơ đổi đời từ giảng đường đại học

“Căn nhà bất hạnh” là cách gọi của người dân địa phương khi nói đến gia đình La Thị Tường Pha (tân sinh viên ngành kế toán Trường ĐH Kinh tế Đà Nẵng) tại khóm Hải Bình, thị trấn Thuận An, huyện Phú Vang, Thừa Thiên – Huế.

Trong gian bếp trống hoác, không có vật dụng gì ngoài cái nồi đen nấu cơm trên bếp củi tạm bợ. “Có mấy cái chén, tô, xoong nồi, mẹ em phải đi gửi hàng xóm hết. Nếu không ba lên cơn là đập phá!” – Pha cho hay.

Với Tường Pha, nỗi sợ lớn nhất là những lần cha lên cơn điên. “Cứ trở trời, ba em lên cơn đập phá và đốt hết mọi thứ trong nhà, có khi đánh cả mẹ và em”.

Gánh nặng mưu sinh dồn lên vai mẹ từ những ngày Pha còn bé xíu, từ phụ hồ, bán vé số, nhặt ve chai… để có tiền học cho con và thuốc thang cho chồng.

Pha cũng đã quen với việc giữ xe, bán vé số sau những giờ học kiếm thêm tiền phụ mẹ. Hoàn cảnh cơ cực càng tiếp thêm động lực để Pha vươn lên. Năm nào bạn cũng nhận giấy khen học sinh khá, giỏi. Pha tin rằng sẽ thực hiện được ước mơ đổi đời từ giảng đường đại học.

100 suất học bổng cho tân sinh viên Thừa Thiên – Huế

Chiều 28-8, lễ trao học bổng “Tiếp sức đến trường” cho 100 tân sinh viên nghèo, vượt khó học giỏi của tỉnh Thừa Thiên – Huế được tổ chức tại giảng đường ĐH Huế.

Mỗi suất học bổng trị giá 7 triệu đồng, trong đó có 9 suất đặc biệt trị giá 10 triệu đồng/suất, với tổng số tiền 727 triệu đồng từ đóng góp của các nhà hảo tâm trong, ngoài nước và sự ủng hộ của Hội Khuyến học tỉnh Thừa Thiên – Huế (10 suất).


NHẬT LINH